Chủ tịch Eximbank: 'Hy vọng lợi ích cho cổ đông không chỉ đến từ cổ tức'

Chủ tịch Eximbank: 'Hy vọng lợi ích cho cổ đông không chỉ đến từ cổ tức'
7 giờ trướcBài gốc
Đối tác nước ngoài rất quan tâm đến tiềm năng của EIB
Ngày 29/4, chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - HoSE: EIB) về lí do không chia cổ tức trong năm nay, ông Nguyễn Cảnh Anh - Chủ tịch HĐQT Eximbank cho biết, HĐQT rất thấu hiểu mong muốn của cổ đông về câu chuyện cổ tức.
Tuy nhiên năm 2025 là một năm nhiều bất ổn trên bình diện quốc tế cũng như trong nước trong khi ngân hàng cần đáp ứng chiến lược dài hạn nhằm tăng năng lực quản trị, hướng đến Basel III và đáp ứng các yêu cầu ngày càng nâng cao của Ngân hàng Nhà nước. Chính vì vậy, HĐQT ngân hàng đã cân nhắc kỹ và đưa ra chủ trương không chia cổ tức trong năm 2025.
Toàn cảnh ĐHĐCĐ Eximbank.
"Việc không chia cổ tức không phải yếu tố tiêu cực mà là quyết định chủ động từ HĐQT với mục tiêu cung cấp nền tảng tài chính vững chắc cho ngân hàng, chủ động nắm bắt các khâu trong tương lai.
Chúng tôi tin rằng định hướng trên sẽ giúp ngân hàng trong giai đoạn tới phát triển an toàn, hiệu quả, vững chắc bền vững, qua đó gia tăng giá trị cho cổ đông thông qua giá cổ phiếu, vốn hóa thị trường. Chúng tôi hy vọng lợi ích cho cổ đông không chỉ đến từ việc chia cổ tức", ông Cảnh Anh nhấn mạnh.
Tại Đại hội, nhiều cổ đông quan tâm đến vấn đề khóa "room" ngoại ở mức 6%, ông Nguyễn Hoàng Hải - Quyền Tổng Giám đốc Eximbank cho biết ngân hàng đang bước vào quá trình phát triển mới, các đối tác nước ngoài đang rất quan tâm và để ý đến tiềm năng của EIB trong thời gian tiếp theo.
ĐHĐCĐ Eximbank thông qua nhiều nội dung quan trọng.
Chúng tôi cũng đã có tiếp cận sơ bộ với các tổ chức nước ngoài trong đó có nhiều tổ chức lớn mang tầm vóc thế giới muốn đồng hành dưới vai trò đối tác chiến lược, cổ đông chiến lược, cổ đông lớn và cổ đông gần lớn.
Trong đó, cổ đông chiến lược có mức vốn góp khoảng 15%, cổ đông lớn là 5% và đối tác gần lớn là 4%, tổng ước khoảng 24%. Eximbank lấy con số 30% trừ đi 24% này ra mức còn lại là 6%. Ngân hàng mong muốn để lại 6%, phần còn lại để dành cho các nhóm đối tác nói trên, cho sự phát triển lâu dài của ngân hàng.
Nói về cơ cấu nhân sự quản trị điều hành của Eximbank thời gian qua còn nhiều biến động, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết việc cơ cấu quản trị điều hành phụ thuộc rất nhiều vào bối cảnh nội bộ ngân hàng, thị trường cũng như ý chí chung của các cổ đông.
Ngân hàng hy vọng thời gian tới sẽ bước đi vững chắc với sự đồng hành của các cổ đông lớn có tiềm lực. "Chúng tôi hướng tới xây dựng một Eximbank minh bạch, phát triển bền vững, loại bỏ tâm lý đầu tư ngắn hạn "ăn xổi ở thì", nỗ lực ổn định cơ cấu quản trị, hạn chế tối đa các thay đổi nội bộ gây khó khăn cho hoạt động ngân hàng", ông Hải nói.
Thuế quan ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng, áp lực nợ xấu
Chia sẻ về chiến lược kinh doanh trong vòng 5 năm tới của ngân hàng, Chủ tịch Nguyễn Cảnh Anh cho biết việc xây dựng chiến lược trung - dài hạn là bắt buộc và phải thực hiện bài bản.
Ngân hàng kết hợp giữa tự đánh giá thế mạnh, điểm yếu, thời cơ thách thức và kết hợp với nhiều đơn vị tư vấn chiến lược quốc tế để đề ra chiến lược tốt nhất.
Ông Cảnh Anh cho biết, trong năm 2025, ngân hàng sẽ xoay quanh ba mục tiêu lớn nhằm tăng trưởng hiệu quả an toàn. gồm tăng trưởng tín dụng có chọn lọc, tập trung vào khách hàng tiềm năng; huy động tập trung vào nguồn vốn giá rẻ, tăng trưởng CASA…
Về ảnh hưởng của thuế quan Mỹ trong thời gian qua, ông Cảnh Anh cho biết từ đầu năm đến nay, kinh tế vĩ mô thế giới biến động khó lường, nhiều dự báo trở nên lạc hậu ảnh hưởng đến kinh tế trong nước, đặc biệt tài chính ngân hàng là một ngành nhạy cảm với biến động vĩ mô.
Về phía Eximbank, những bất ổn trên thị trường nền kinh tế vĩ mô ảnh hưởng đến lãi suất đầu vào có xu hướng tăng cao, rủi ro tỉ giá tăng. Là một ngân hàng có thế mạnh về xuất nhập khẩu, Eximbank cẩn trọng đánh giá chi tiết các kế hoạch do có thể ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng tín dụng, chất lượng tài sản ngân hàng, áp lực nợ xấu gia tăng nhất là trong bối cảnh Thông tư 02 đã hết hiệu lực.
Trên cơ sở thị trường còn nhiều khó khăn, Eximbank đề ra 4 giải pháp chính để có thể thích nghi với môi trường hiện tại như tăng trưởng tín dụng có chọn lọc; cơ cấu lại nguồn vốn; nâng cao năng lực quản trị rủi ro…
"Năm 2025 sẽ là một năm nhiều bất ổn và nguy cơ, nhưng trong nguy cũng có cơ, năm nay vẫn sẽ là năm có nhiều cơ hội cho các ngân hàng, cơ hội sẽ đến với những tổ chức biết kiểm soát rủi ro tốt, tăng trưởng có chọn lọc, thực hiện quản trị hiệu quả và chuyển đổi số đúng bản chất", ông Cảnh Anh chia sẻ.
Về công tác xử lý nợ xấu, năm 2025, ông Nguyễn Hoàng Hải - Quyền Tổng Giám đốc Eximbank cho biết ngân hàng dự kiến đưa tỉ lệ nợ xấu từ mức 2,53% hiện nay xuống 1,99% trong năm 2025 và cho rằng đây là mục tiêu rất thách thức chứ không phải cầu toàn.
Ông Hải cho biết ngân hàng sẽ tập trung xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu tồn đọng 10-15 năm qua, tập trung toàn bộ hoạt động xử lý nợ về AMC, đồng thời tăng cường kiểm soát, hỗ trợ chuyên sâu các đơn vị kinh doanh để xử lý nợ xấu hiệu quả hơn.
Nguyễn Thị Thu Hương
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/chu-tich-eximbank-hy-vong-loi-ich-cho-co-dong-khong-chi-den-tu-co-tuc-204250429124551898.htm