Chủ tịch Hà Nội ban hành Công điện khẩn, triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó bão số 3

Chủ tịch Hà Nội ban hành Công điện khẩn, triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó bão số 3
12 giờ trướcBài gốc
Ưu tiên bảo đảm an toàn người dân và hệ thống hạ tầng
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 19/7, bão WIPHA đã đi vào vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, mạnh cấp 10, giật cấp 12 và dự báo còn tiếp tục mạnh lên. Chiều cùng ngày, địa bàn Hà Nội đã xuất hiện mưa to, gió lớn, gây ngập úng cục bộ, đổ gãy cây xanh tại một số khu vực.
Nhận định đây là cơn bão có cường độ mạnh, di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các Sở, ban, ngành và chính quyền các phường, xã triển khai nghiêm túc Công điện số 112/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đảm bảo trực ban 24/24 giờ và báo cáo thường xuyên về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả.
Công điện nêu rõ, Chủ tịch UBND các xã, phường phải theo dõi sát các bản tin dự báo, thông báo kịp thời cho người dân, chủ động phương án sơ tán tại các khu vực nguy cơ sạt lở, ngập lụt, lũ quét; đồng thời đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh khi xảy ra mưa lũ.
Bên cạnh đó, các địa phương phải bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát giao thông tại các khu vực ngầm tràn, nước chảy xiết, rà soát vật tư, phương tiện để ứng phó và bảo đảm tiêu thoát nước cho các khu đô thị, khu công nghiệp, vùng trũng thấp.
Sở Nông nghiệp và Môi trường chịu trách nhiệm chỉ đạo theo dõi diễn biến thời tiết, phối hợp cùng các công ty thủy lợi và chính quyền địa phương vận hành công trình tiêu nước đệm, bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, thủy lợi.
Sở Xây dựng được giao chỉ đạo các công ty liên quan như Công viên Cây xanh Hà Nội, Thoát nước Hà Nội, Chiếu sáng và Thiết bị đô thị rà soát, xử lý các sự cố do mưa bão gây ra. Đồng thời, chủ động thu dọn cây xanh bị gãy đổ và triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn hạ tầng giao thông, công trình xây dựng trên toàn địa bàn.
Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội được yêu cầu sẵn sàng phối hợp với các lực lượng tại chỗ tham gia ứng phó, tìm kiếm cứu nạn. Công an Thành phố cũng được giao nhiệm vụ hỗ trợ người dân, triển khai kịp thời các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự và hỗ trợ cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Về công tác truyền thông, Chủ tịch UBND Thành phố giao Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội, Báo Hà Nội mới, Báo Kinh tế và Đô thị tăng cường đưa tin, hướng dẫn kỹ năng phòng chống thiên tai, cập nhật chính xác tình hình bão số 3 để người dân nắm bắt, chủ động ứng phó.
Công điện đặc biệt nhấn mạnh vai trò của sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của chính quyền các cấp, các sở ngành và toàn dân trong công tác phòng chống thiên tai. Việc chủ động theo dõi, ứng trực, triển khai sớm các phương án ứng phó chính là yếu tố then chốt để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.
Hà Nội hiện đang ở trong thời điểm cao trào của mùa mưa bão. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng và phản ứng nhanh chóng sẽ không chỉ giúp Thành phố kiểm soát tốt tình huống bất thường mà còn củng cố năng lực quản trị rủi ro thiên tai theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững.
Hà Nội chủ động ứng phó cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3
Theo tin từ Đài Khí tượng Thủy văn Bắc Bộ, hồi 16h ngày 20/7, tâm bão số 3 (tên quốc tế: WIPHA) đang ở trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách Quảng Ninh – Hải Phòng khoảng 560km về phía Đông. Đây là cơn bão rất mạnh với sức gió cấp 12 (118 - 133 km/h), giật cấp 15, di chuyển nhanh theo hướng Tây với tốc độ 20 - 25 km/h và được dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền các tỉnh Bắc Bộ, trong đó có Hà Nội.
Trong vòng 72 giờ tới, bão WIPHA được dự báo tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, đi vào vùng ven biển từ Hải Phòng đến Thanh Hóa với sức gió cấp 9 - 10, giật cấp 12. Đến ngày 23/7, bão suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới khi vào đất liền Lào. Tuy nhiên, trước khi suy yếu, bão gây mưa rất to và gió mạnh trên diện rộng.
Từ ngày 21 đến 23/7, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa rất to, lượng mưa phổ biến 200–350mm, cục bộ có nơi trên 600 mm. Các khu vực khác ở Bắc Bộ có lượng mưa phổ biến 100 - 200 mm, có nơi trên 300 mm. Mưa lớn kéo dài gây nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập úng tại các vùng trũng thấp.
Đáng chú ý, Hà Nội là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoàn lưu bão. Từ đêm 21/7, các khu vực phía Nam và trung tâm thành phố như Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Đông, Thanh Xuân, Ba Đình, Hoàn Kiếm sẽ có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 8. Khu vực phía Bắc và phía Tây như Ba Vì, Sóc Sơn, Sơn Tây, Hoài Đức cũng có gió giật cấp 6.
Theo dự báo, lượng mưa tại Hà Nội phổ biến 100 - 200 mm, nhiều nơi có thể trên 300 mm. Một số điểm như Chương Mỹ, Vân Đình, Phú Xuyên được cảnh báo có thể đạt 150 - 250 mm. Mưa to kết hợp với hệ thống thoát nước quá tải có thể gây ngập úng tại các khu dân cư, cản trở giao thông, làm gãy đổ cây cối và gây nguy hiểm cho người dân nếu không chủ động phòng tránh.
Cấp độ rủi ro thiên tai do gió mạnh đối với khu vực phía Nam và trung tâm thành phố Hà Nội được cảnh báo ở mức cấp 3, trong khi nguy cơ ngập úng do mưa lớn ở mức cấp 1, yêu cầu chính quyền địa phương và người dân hết sức cảnh giác.
Nhật Hạ
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/chu-tich-ha-noi-ban-hanh-cong-dien-khan-trien-khai-dong-bo-cac-giai-phap-ung-pho-bao-so-3-d336416.html