Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trả lời vấn đề cử tri quan tâm về sáp nhập cấp xã
Vấn đề tổ chức lại chính quyền địa phương cũng rất được cử tri quan tâm. Cử tri Nguyễn Đức Mạnh (xã Tự Lập, huyện Mê Linh) đặt câu hỏi: “Chủ tịch UBND TP cho biết thành phố có phương án sắp xếp đối với cán bộ, công chức dôi dư như thế nào? Thành phố có chế độ chính sách gì ngoài các chính sách chung của Nhà nước đối với cán bộ, công chức viên chức nghỉ hưu sớm, nghỉ việc do quá trình sắp xếp? Thành phố đã có phương án xử lý đối với các tài sản công, đặc biệt là các trụ sở các cơ quan đơn vị dôi dư sau quá trình sắp xếp chưa?”.
Cử tri Đỗ Thị Ngọc Ánh (xã Liên Mạc) nêu việc, vừa qua Huyện Mê Linh có 2 xã thực hiện sát nhập là xã Vạn Yên và xã Liên Mạc. Có 3 cán bộ là trưởng đoàn thể được bố trí làm phó đoàn thể sau sát nhập và đặt câu hỏi: “Vậy xin hỏi 3 cán bộ này sau có được tuyển có ngoại lệ không?. Nếu không ngoại lệ thì chế độ chính sách được áp dụng như thế nào?”.
Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP, ông Mai Xuân Trường, Phó Giám đốc Sở Nội vụ trả lời cử tri. Theo đó, trước đây, Hà Nội có nghiên cứu chính sách cho cán bộ dôi dư nhưng quy định hiện hành không cho phép thành phố có chính sách riêng. Hà Nội cũng đã ban hành công văn hướng dẫn, chuyển 100% biên chế cấp huyện xuống xã, bổ sung một phần cấp tỉnh xuống cấp xã. Giữ nguyên biên chế cấp huyện, cấp xã, rà soát bố trí lại trong vòng 5 năm.
Với cán bộ chuyên trách cấp xã, ông Trường cho hay, theo quy định, trước mắt phải chấm dứt sử dụng với người hoạt động không chuyên trách, hiện Bộ Nội vụ đang nghiên cứu có chính sách, Sở Nội vụ sẽ bám sát để tham mưu UBND TP có phương án kịp thời .
Liên quan đến tài sản công sau khi sắp xếp, tinh gọn, Chủ tịch UBND TP cho biết, UBND TP đã chỉ đạo và các đơn vị đang thống kê trên toàn địa bàn để có phương án phù hợp.
Cử tri quan tâm nhiều đến vấn đề sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Kết luận buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, kỳ họp Quốc hội sắp tới rất quan trọng, có những quyết sách lâu dài “cho hàng trăm năm” như Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định.
Nhắc lại những lần cải cách tinh gọn bộ máy bộ ngành của Chính phủ… Chủ tịch UBND TP phân tích: “Lúc đó quy mô nền kinh tế của chúng ta còn nhỏ. Hiện nay quy mô đã là 450 tỷ USD, xuất khẩu hơn 800 tỷ USD và còn tiếp tục phát triển. Từ đó nếu không thay đổi quản trị thì sẽ không theo kịp. Đây là yêu cầu tự thân, chúng ta quyết tâm làm”.
“Như đồng chí Tổng Bí thư đã nêu hiện nay “thể chế là điểm nghẽn”. Chúng ta tự sửa, đấu tranh với chính mình để xây dựng thể chế cởi mở, có tính ưu việt của Việt Nam. Đây là cuộc cách mạng lớn, mà sắp tới Quốc hội cũng sẽ xem xét sửa đổi nhiều luật liên quan”, Chủ tịch UBND TP nói.
Chủ tịch UBND TP cũng thông tin Trung ương, Bộ Chính trị chỉ đạo rất quyết liệt, xuyên suốt, Quốc hội tinh thần rất cao, phân cấp ủy quyền cụ thể.
Trong bối cảnh đó, Hà Nội đã triển khai nhiều việc rất quyết liệt: “Các đơn vị rà soát từng chức năng, nhiệm vụ và đã giảm được khá nhiều cấp trung gian”.
Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, trong chiều nay, UBND TP đang họp cùng lãnh đạo các quận, huyện để chốt phương án cụ thể sáp nhập các xã, phường thế nào, tên gọi ra sao. Với tinh thần là “không để gián đoạn, trống ngày nào, chỗ nào”.
“Làm sao để gần dân, sát với dân nhất. Gần với xa không phải là hay đến thì gần mà là tâm mình có hướng đến dân không”, Chủ tịch UBND TP nói rõ.
Chia sẻ với cử tri, Chủ tịch UBND TP cảm ơn cử tri, các cán bộ, công chức, người lao động, doanh nghiệp vẫn làm việc tốt, có trách nhiệm dù “cũng có tâm tư”. GRDP của Hà Nội thời gian qua có mức thu cao nhất trong vài năm trở lại, thu ngân sách đã đạt hơn 50% đó chính là minh chứng cho việc đó.
Chủ tịch UBND TP cũng chia sẻ với cử tri về các dự án trọng điểm của TP như cầu Tứ Liên, cầu Trần Hưng Đạo, cầu Ngọc Hồi hay phấn đấu khởi công bằng được trong năm nay tuyến đường sắt đô thị số 2 và 5… để khẳng định quyết tâm của thành phố trong việc có thêm yếu tố thúc đẩy tăng trưởng, giảm ùn tắc, ô nhiễm, cơ hội phát triển doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp tư nhân…