Văn phòng UBND thành phố vừa ban hành thông báo về kết luận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh tại buổi họp ngày 4/2, nghe báo cáo về phương án bổ cập nước vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường.
Ông Trần Sỹ Thanh giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp thành phố chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng rà soát toàn bộ các cửa xả nước thải dọc sông Tô Lịch để bổ sung hệ thống cống thu gom triệt để nước thải hai bên sông Tô Lịch về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá.
Đồng thời, các cơ quan nghiên cứu xây dựng các đập dâng trên sông Tô Lịch (bao gồm đập chữ T tại ngã ba sông Tô Lịch gần chùa Long Quang, huyện Thanh Trì và các đập cao su để giữ mực nước trên sông) để bổ sung vào dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá đang triển khai.
Sông Tô Lịch ô nhiễm trầm trọng, màu nước đen kịt, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng cuộc sống của người dân.
Ông Trần Sỹ Thanh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện ngay việc nạo vét tổng thể sông Tô Lịch, cơ bản hoàn thành trong tháng 8/2025.
Người đứng đầu thành phố cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện khu vực dọc sông Tô Lịch thực hiện công tác trang trí, vệ sinh môi trường đảm bảo cảnh quan đô thị khu vực ven sông.
Việc bổ cập nước vào sông Tô Lịch, giai đoạn trước mắt thành phố giao UBND quận Tây Hồ chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương về việc bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch. Các đơn vị khẩn trương đề xuất phương án sử dụng nguồn nước từ sông Hồng và nguồn nước sau xử lý của nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây để bổ cập nước cho Hồ Tây (qua hồ trung gian là hồ Sen) đảm bảo không ảnh hưởng đến hệ sinh thái của Hồ Tây.
Sở Xây dựng được giao chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án lấy nước từ Hồ Tây để bổ cập cho sông Tô Lịch trong trường hợp cần thiết để giữ mực nước sông Tô Lịch qua cửa điều tiết Hồ Tây A – Cống Đõ – Mương Thụy Khuê hoàn thành trong tháng 8/2025.
Về lâu dài, thành phố giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND quận Tây Hồ rà soát các quy hoạch có liên quan, nghiên cứu kỹ, đề xuất phương án bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch theo trục đường Võ Chí Công (có kết nối với việc bổ cập nước giai đoạn trước mắt đã triển khai) đảm bảo vừa bổ cập nước sông Tô Lịch vừa điều tiết mực nước hồ Tây được ổn định.
Sở Tài nguyên và Môi trường được giao chủ trì, phối hợp với UBND quận Tây Hồ thường xuyên quan trắc, đánh giá chất lượng nguồn nước sau xử lý của Nhà máy xử lý nước thải Hồ Tây để đảm bảo nước thải sau xử lý đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Xây dựng, UBND quận Tây Hồ và các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất, báo cáo UBND thành phố giao UBND quận Tây Hồ quản lý hồ Sen để thực hiện việc cải tạo, nạo nét làm hồ lắng trung gian và đầu tư hệ thống đường cống bổ cập nước cho hồ Tây khi cần thiết, tạo cảnh quan môi trường và không ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ Tây.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND quận Tây Hồ và các sở, ngành đẩy nhanh các thủ tục đầu tư và triển khai đầu tư dự án xây dựng hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải xung quanh khu vực Hồ Tây đảm bảo việc thu gom triệt để toàn bộ nguồn nước thải quanh Hồ Tây.
Việc thu gom, xử lý nước thải khu vực hồ Trúc Bạch, ông Trần Sỹ Thanh giao UBND quận Ba Đình tập trung nguồn lực, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành dự án Xây dựng hoàn thiện hệ thống thu gom và xử lý nước thải khu vực hồ Trúc Bạch để đảm bảo chất lượng nước hồ Trúc Bạch.
Minh Tuệ