Chiều 21/11, Tổ Công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ và Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị Giao ban thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm Đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, về phát triển các ứng dụng nền tảng thuộc Đề án 06, qua hơn 4 tháng triển khai, ứng dụng "Công dân Thủ đô số" - iHaNoi có hơn 1 triệu người dùng đăng ký tài khoản. Qua ứng dụng, đã tiếp nhận 17.083 phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp. Trong đó có 14.398 phản ánh, kiến nghị đã được xử lý, chiếm 84,3%. Đa số phản hồi của người dân đánh giá hài lòng.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PV.
Đáng chú ý, từ 11/11/2024, người dân có thể sử dụng tài khoản VNeID để đăng nhập trên ứng dụng iHanoi. Việc tích hợp VNeID lên iHanoi có thể coi là 1 bước tiến lớn khi mang lại nhiều lợi ích hơn tới người dân Thủ đô.
Thành phố Hà Nội cũng nhấn mạnh việc "là địa phương đầu tiên trên cả nước đã hoàn thành triển khai thí điểm Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID"; đã kết nối chính thức Hệ thống HSSK thành phố vào mạng số liệu chuyên dùng CPNet và chính thức thực hiện kết nối Hệ thống HSSK thành phố với CSDL Dân cư để xác minh, làm sạch dữ liệu người dân. Đến thời điểm hiện tại đã xác minh được hơn 6,3 triệu người dân trên toàn thành phố.
Đặc biệt, Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên hoàn thành Đề án thí điểm và thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trung tâm là cơ quan hành chính thuộc UBND thành phố Hà Nội (cơ quan ngang sở), có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng. Trung tâm sẽ vận hành trên cơ sở Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính thành phố kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các hệ thống nền tảng dùng chung.
"Thành công trên không chỉ là bước tiến trong cải cách hành chính mà còn là minh chứng cho "Tầm nhìn dài hạn - Tư duy sáng tạo - Giải pháp thông minh" của thành phố trong việc xây dựng chính quyền số, phục vụ người dân và doanh nghiệp, khẳng định "Tư duy Thủ đô, hành động Hà Nội" trong nỗ lực chung nhằm cải thiện sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của một đô thị đặc biệt", báo cáo nêu.
Tại hội nghị, Trung tướng Nguyễn Văn Long - Thứ trưởng Bộ Công an - thay mặt Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ, nhận định, kết quả triển khai Đề án 06 của Hà Nội góp phần đặc biệt quan trọng trong dẫn dắt, tạo nguồn hứng khởi cho địa phương khác triển khai Đề án 06, góp phần để Chính phủ và Tổ công tác kiểm toán lại kết quả thời gian qua và có bước để triển khai hiệu quả Đề án thời gian tới.
Kết quả triển khai Đề án 06 của Hà Nội cũng góp phần hình thành hệ thống hành chính theo hướng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, hình thành thói quen cho người dân tham gia xã hội số trong tương lai. Hà Nội cũng là địa phương tiên phong, gương mẫu, đi đầu trong triển khai nhiệm vụ của Đề án 06.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội và Thứ trưởng Bộ Công an chứng kiến ký kết biên bản phối hợp triển khai một số nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2024-2025. Ảnh: PV.
Thứ trưởng Bộ Công an đề nghị thành phố Hà Nội tiếp tục tập trung nhiệm vụ của Đề án 06 và các nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia thời gian tới. "Hà Nội cần là địa phương gương mẫu, tiên phong, đi đầu về chuyển đổi số thời gian tới", ông Long nói.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho rằng kết quả lớn nhất của triển khai Đề án 06 trên địa bàn thành phố vừa qua là thay đổi nhận thức của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu về câu chuyện chuyển đổi số.
Bên cạnh những kết quả quan trọng đã đạt được, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh cho rằng, hiện nay mới số hóa quy trình thủ công chứ chưa tư duy thay đổi quy trình có tính tầng nấc. "Cần thay đổi phương thức quản trị để phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí", ông Thanh nói.
Ông Thanh đề nghị các thành viên của Ban Chỉ đạo của thành phố phải lượng hóa được giá trị mà người dân được hưởng là gì, bởi đây là đích cuối cùng của công cuộc chuyển đổi số. "Người dân phải được thụ hưởng dịch vụ như nhau ở các địa bàn khác nhau; xóa dần khoảng cách giàu nghèo, tạo công bằng xã hội", ông Thanh nói.
Tại hội nghị, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) và Trung tâm Phục vụ hành chính công thành phố Hà Nội đã ký kết Biên bản phối hợp triển khai một số nhiệm vụ của Đề án 06 trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2024-2025. Trọng tâm hợp tác tập trung vào các lĩnh vực cần thiết và ưu tiên, đặc biệt là việc triển khai hiệu quả Đề án 06 của Chính phủ. Mục tiêu là phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử, từ đó nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ chuyển đổi số.
Trường Phong