Ngày 20/11, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về tình hình triển khai, các tồn tại, vướng mắc đối với Dự án đầu tư xây dựng Công viên hồ Phùng Khoang (tại quận Nam Từ Liêm và quận Thanh Xuân) và chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết dứt điểm, tổ chức triển khai thi công.
Cuộc họp diễn ra ngay sau Hội nghị công bố Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của UBND thành phố về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí.
Thông tin về Dự án đầu tư xây dựng Công viên hồ Phùng Khoang, Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, Công viên hồ Phùng Khoang là 1 hạng mục công trình thuộc Dự án Khu đô thị mới Phùng Khoang nằm trên địa bàn quận Thanh Xuân và quận Nam Từ Liêm.
Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong thông tin về dự án
Dự án đã được UBND thành phố phê duyệt Chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2580/QĐ-UBND ngày 15/12/2008 và Điều chỉnh chủ trương lần tại Quyết định số 3162/QĐ-UBND ngày 31/8/2022 cho phép giãn tiến độ thực hiện Dự án: "hoàn thành Quý IV/2024".
Tuy nhiên, việc chưa hoàn thành đầu tư xây dựng Công viên hồ Phùng Khoang và toàn bộ Khu đô thị mới Phùng Khoang chủ yếu từ công tác phối hợp, chuẩn bị của chủ đầu tư để thực hiện các chính sách đền bù, hỗ trợ phục vụ GPMB chưa hiệu quả.
Yêu cầu hoàn thành trước Tết Nguyên đán
Tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh, các Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn, Nguyễn Trọng Đông cùng đại diện các sở ngành liên quan đã lắng nghe những kiến nghị của chủ đầu tư để tháo gỡ những vướng mắc về mặt thủ tục, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành dự án.
Đại diện liên danh Tổng công ty đầu tư & phát triển nhà Hà Nội và Công ty cổ phần đầu tư & xây dựng Đô thị cho biết, dự án Khu đô thị mới Phùng Khoang (trong đó có hạng mục Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang) được phê duyệt Quy hoạch lần đầu tại Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND ngày 26/01/2007. Theo quy định tại thời điểm đó dự án được miễn phép xây dựng.
Tuy nhiên, năm 2016 UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài (đường Tố Hữu), tỷ lệ 1/500, trong đó Công viên hồ Phùng Khoang giữ nguyên chỉ tiêu Quy hoạch nhưng thay đổi vị trí và hình dáng các công trình phụ trợ. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng Công viên hồ Phùng Khoang phải thực hiện thủ tục phê duyệt điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi để tiếp tục triển khai, hoàn thiện đối với phần khối lượng xây dựng còn lại.
Dự án đầu tư xây dựng Công viên hồ Phùng Khoang. Ảnh: Toàn Vũ
Theo quy định, đối với những phần chưa thi công phải điều chỉnh lại báo cáo nghiên cứu khả thi, báo cáo này đang thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng, Chủ đầu tư đã gửi hồ sơ vào Bộ Xây dựng để thẩm định.
"Đất giao ban đầu giao theo quy hoạch cũ, bây giờ có điều chỉnh quy hoạch mới thì về nguyên tắc phải điều chỉnh cả quyết định giao đất. Nếu thủ tục pháp lý nhanh cũng phải mất 3-5 tháng", vị đại diện nêu.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, riêng đối với lĩnh vực công viên, trong năm 2023, UBND thành phố đã xem xét, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, tồn tại đối với Công viên Thiên Văn học và Công viên Cây đàn tại Khu đô thị Dương Nội. Đây là các công trình đã đầu tư xây dựng nhưng do các nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau không đưa vào sử dụng trong nhiều năm. Với tinh thần chỉ đạo quyết liệt xử lý những tồn tại nhưng đồng thời giảm thiểu tối đa việc lãng phí nguồn lực của xã hội, đến nay các công trình này đã được đưa vào sử dụng, khai thác, phát huy giá trị và kịp thời phục vụ nhân dân.
Công viên hồ Phùng Khoang đang ở tình trạng tương tự. Công viên đã hoàn thành xong nhiều hạng mục nhưng chưa thể đưa vào hoạt động do chưa hoàn thành công tác GPMB.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo tại hội nghị
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn chỉ đạo, giám sát chặt chẽ tiến độ GPMB, chậm nhất 15/12/2024 phải hoàn thành.
Ông Trần Sỹ Thanh cho biết thêm, dự án này không phải xây dựng nhà ở, khách sạn hay khu chung cư để bán mà là công trình công cộng, do đó phải 'bước qua' cơ chế nếu không thì sẽ 'tắc hết'.
Lãnh đạo thành phố khẳng định: "Không phải cứ chờ thủ tục xong mới làm, nếu chờ thì phải cả năm nữa. Cần thiết UBND thành phố Hà Nội ban hành văn bản cá biệt cho triển khai dự án để chủ đầu tư an tâm làm. Vừa GPMB, vừa thi công hoàn thiện chỉnh trang cái cũ. Làm sao cho để Tết Âm lịch này phải đưa vào sử dụng, dứt khoát không lùi".
Trần Hoàng