Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ: Làm rõ trách nhiệm để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ: Làm rõ trách nhiệm để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng
2 giờ trướcBài gốc
Số vụ vi phạm có dấu hiệu tăng
Báo cáo đoàn giám sát, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, từ năm 2021 đến tháng 6-2024, cơ quan chức năng TPHCM đã xử phạt 1.418 trường hợp với tổng số tiền khoảng 34,6 tỷ đồng. Trong đó, số tiền thu được khoảng 25,4 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 73,3%, số trường hợp đã chấp hành là 741, đạt tỷ lệ 52,3%.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM báo cáo với đoàn giám sát. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đối với “Công trình vi phạm bị xử phạt theo pháp luật đất đai”, số trường hợp bị xử phạt là 1.256. Trong đó, đã chấp hành là 1.041, đạt tỷ lệ 82,9%. Cũng trong thời gian này, tổng số sự cố về công trình xây dựng trên địa bàn TPHCM là 19.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cũng thừa nhận, so sánh số liệu vi phạm TTXD trong thời gian qua thì số liệu vi phạm không phép có dấu hiệu tăng. Nguyên nhân khách quan là do việc triển khai thực hiện quy hoạch đối với các dự án phát triển nhà ở, các dự án hạ tầng kỹ thuật và các công trình công cộng, phúc lợi xã hội chậm, dẫn đến người dân không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không được xây dựng.
Ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng chưa cao; đồng thời, các biện pháp chế tài không đủ tính răn đe nên đối tượng vi phạm đã cố tình trốn tránh, cố tình vi phạm, không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Đáng nói, lợi nhuận từ việc "mua bán" đất nông nghiệp, phân lô bán nền trên địa bàn TPHCM rất lớn.
Về chủ quan, chính quyền cấp cơ sở một số nơi chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm, chưa chủ động đấu tranh, tuyên truyền, vận động, ngăn chặn hành vi vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng. Đối với các trường hợp xây dựng không phép, một phần là do sự quản lý không chặt chẽ từ chính quyền địa phương.
Thực hiện nghiêm Chỉ thị 23 của Thành ủy TPHCM
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường thông tin về công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng với đoàn giám sát. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Chia sẻ ý kiến với đoàn giám sát, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường nói, thực tiễn cho thấy có những nguyên nhân khách quan từ quy định pháp luật, những vướng mắc quy hoạch trong quản lý TTXD. Về giải pháp, TPHCM sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định trên cơ sở vận dụng Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023. Các quy định sẽ thông thoáng, rõ ràng hơn giúp người dân tiếp cận, tuân thủ quy định pháp luật, đặc biệt liên quan đến cấp phép xây dựng. Bên cạnh đó, những công trình, hồ sơ đang vướng mắc, tồn tại thì TP sẽ tập trung tháo gỡ.
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đánh giá cao những nỗ lực của UBND TPHCM, các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức đã phấn đấu thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian qua. Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, vướng mắc tồn tại kéo dài.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu kết luận tại buổi giám sát. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ cho rằng, báo cáo của lãnh đạo Sở Xây dựng nêu tại buổi giám sát, rằng những sai phạm trong xây dựng, nhất là xây dựng không phép xảy ra trên địa bàn là thuộc trách nhiệm của địa phương. Vậy nhưng cần phải xem xét lại trách nhiệm của Sở Xây dựng, hay là các sở, ngành liên quan. Các sở, ngành chức năng xem lại trong hướng dẫn, chỉ đạo, đơn vị mình có liên đới trách nhiệm hay không, ở đây không nên né tránh trách nhiệm. Như vậy UBND TPHCM cần bổ sung phần đánh giá trách nhiệm, gửi về Ban đô thị HĐND TPHCM để theo dõi, chậm nhất là ngày 18-10-2024.
Về công tác quản lý cấp phép xây dựng, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TPHCM khẩn trương trong chỉ đạo các sở liên quan để tham mưu cho UBND TPHCM sớm ban hành các văn bản, nhất là thống nhất trong quản lý và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan công tác cấp phép xây dựng, đảm bảo quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người dân. Qua thực tế đi giám sát TTXD, HĐND TPHCM thấy rằng công tác phối hợp giữa các sở, ngành, UBND quận, huyện, TP Thủ Đức trong một số trường hợp chưa có sự thống nhất, còn tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại buổi giám sát. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Đồng chí Nguyễn Thị Lệ yêu cầu Cổng thông tin TPHCM phải liên thông, tích hợp công khai, nhất là về lĩnh vực đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn TP cho người dân và doanh nghiệp theo dõi. Trong thời gian tới, đồng chí đề nghị các sở, ngành, quận, huyện cũng như UBND TPHCM có quan tâm, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân trong thực hiện xây dựng công trình theo đúng quy định và thực hiện nghiêm Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Thành ủy, hay là các quyết định, kế hoạch của UBND TPHCM về công tác quản lý nhà nước về TTXD trên địa bàn TPHCM.
“Đồng thời, tiếp tục rà soát quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch điểm dân cư nông thôn, quy hoạch phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao. Đảm bảo đồng bộ, thống nhất, kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế nhằm giải quyết các nhu cầu của người dân về tách thửa, hợp thửa, cấp giấy phép xây dựng", đồng chí Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh.
Theo báo cáo của UBND TPHCM, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 23/2019 của Thành ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về TTXD, tổng số công trình vi phạm trên địa bàn TP là 3.085 công trình; bình quân 1,7 vụ/ngày, giảm 6,9 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 80,2% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị số 23/2019 là 8,5 vụ/ngày.
ĐỨC TRUNG
Nguồn SGGP : https://sggp.org.vn/chu-tich-hdnd-tphcm-nguyen-thi-le-lam-ro-trach-nhiem-de-xay-ra-vi-pham-trat-tu-xay-dung-post763254.html