Ở miền Nam, đầu năm 1965, mặc dù bị thất bại trong chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, nhưng đế quốc Mỹ vẫn chưa chịu từ bỏ âm mưu, thủ đoạn xâm lược Việt Nam, chuyển sang thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, ồ ạt đưa quân Mỹ và quân đồng minh đổ bộ vào chiến trường miền Nam Việt Nam.
Những sư đoàn, lữ đoàn tinh nhuệ này là lực lượng chiến lược chủ yếu, trực tiếp tiến hành chiến tranh ở miền Nam. Với số quân khổng lồ, được trang bị vũ khí kỹ thuật hiện đại, đế quốc Mỹ đã thực hiện hai cuộc phản kích mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, càn quét vùng giải phóng và căn cứ kháng chiến, hòng tiêu diệt lực lượng chủ lực và cơ quan lãnh đạo kháng chiến của ta, với những tuyên bố ngông cuồng “sẽ giết cộng sản nhanh tới mức Bắc Việt không kịp thay quân”.
Trong Lời kêu gọi được Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi sáng 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh tố cáo đanh thép: “Đế quốc Mỹ dã man, gây ra chiến tranh xâm lược hòng ăn cướp nước ta... Chúng ồ ạt mang gần 30 vạn quân viễn chinh vào miền Nam nước ta. Chúng nuôi dưỡng ngụy quyền ngụy quân làm công cụ hại dân phản nước. Chúng dùng những phương tiện chiến tranh cực kỳ man rợ, như chất độc hóa học, bom napan... Chúng dùng chính sách đốt sạch, giết sạch, phá sạch. Bằng những tội ác ấy, chúng hòng khuất phục đồng bào miền Nam ta” [1].
Xe tăng của Lữ đoàn 203, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Độc Lập, trưa 30-4-1975, đánh dấu Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: TTXVN
Ở miền Bắc, đế quốc Mỹ “khác nào con thú dữ bị thương nặng, giãy giụa một cách hung tợn”[2]. Để cứu nguy cho sự thất bại nặng nề của ngụy quyền Sài Gòn trước những đòn tấn công của Quân Giải phóng; nhằm phá tiềm lực kinh tế, quốc phòng, phá công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc; đồng thời ngăn chặn nguồn chi viện từ miền Bắc vào miền Nam, năm 1964, sau khi dựng lên “sự kiện vịnh Bắc Bộ”, đế quốc Mỹ lấy cớ leo thang mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc.
Trắng trợn, liều lĩnh và điên cuồng, Mỹ sử dụng sức mạnh không quân và hải quân với những phương tiện và vũ khí hiện đại, tối tân đánh vào các mục tiêu quân sự, dân sự, nhà máy, trường học, bệnh viện, nhà thờ, đường giao thông... ở Thủ đô Hà Nội và các thành phố lớn, các khu công nghiệp, phá hoại hệ thống giao thông của miền Bắc. Chúng huênh hoang tuyên bố “đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, Mỹ “có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa... Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay tăng cường đánh phá miền Bắc”. Mặc dù phải đương đầu với kẻ thù có sức mạnh vượt trội về kinh tế và quân sự, nhưng với tình yêu nước vĩ đại, với ý chí không cam chịu khuất phục cường quyền, với khát khao giành độc lập dân tộc hoàn toàn, triệt để, thống nhất đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy một niềm tin tất thắng của nhân dân Việt Nam vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Người khẳng định: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hay lâu hơn nữa; Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”; “Nhân dân Việt Nam nhất định thắng! Giặc Mỹ xâm lược nhất định thua! Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh muôn năm!”. Người khẳng định, nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta lúc này là phải nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc: “Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu, quét sạch nó đi”.
Trong không khí thiêng liêng chuyển giao của đất trời đêm Giao thừa năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa truyền đi thông điệp mạnh mẽ với niềm tin quyết chiến, quyết thắng: “Năm qua thắng lợi vẻ vang / Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to / Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào / Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào / Bắc - Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Trước lúc đi xa, một trong những điều quan tâm lớn nhất, cũng là những trăn trở lớn nhất trong cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là miền Nam chưa được giải phóng, đất nước chưa được thống nhất. Nhưng đọc Di chúc - những lời căn dặn cuối cùng của Người, chúng ta vẫn thấy cháy lên một niềm tin mãnh liệt vào sự toàn thắng của cách mạng. Trong bản thảo năm 1965, Người viết: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn. Còn non, còn nước, còn người / Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng hơn 10 ngày nay”. Người nhắc đi nhắc lại hai từ “nhất định”: “Dù khó khăn, gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Bắc - Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”.
Người còn xây dựng một bản thiết kế toàn diện về việc kiến thiết đất nước sau khi chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, đó là những công việc như: Xây dựng và chỉnh đốn Đảng, chăm lo đến cuộc sống cho nhân dân; xây dựng lại thành phố và làng mạc, khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế, phát triển công tác vệ sinh, y tế, sửa đổi chế độ giáo dục, củng cố quốc phòng, chuẩn bị việc thống nhất Tổ quốc...
Niềm tin ở Chủ tịch Hồ Chí Minh vào thắng lợi tất yếu của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ không phải là niềm tin mơ hồ, mà đó là niềm tin cách mạng, khoa học, dựa trên sự phân tích bối cảnh, tình hình cụ thể, nắm bắt được quy luật và xu hướng vận động của chiến tranh.
Trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin ở sự lãnh đạo của Đảng - “người lãnh đạo xứng đáng nhất và đáng tin cậy nhất của nhân dân Việt Nam”. “Đảng ta luôn luôn đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản, tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp và của nhân dân, biết vận dụng lý luận Mác - Lênin vào tình hình thực tế của nước ta và đề ra đường lối, chính sách đúng đắn”. Với tư cách là lực lượng lãnh đạo, Đảng sẽ đưa ra được những chủ trương, đường lối đúng đắn để tập hợp mọi lực lượng yêu nước và tiến bộ trong Mặt trận dân tộc thống nhất, thực hiện đoàn kết dân tộc để đấu tranh chống đế quốc như Đảng đã từng làm trong lịch sử để giành lấy những thắng lợi to lớn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tin ở sức mạnh của nhân dân, của truyền thống dân tộc. Người khẳng định, không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam; “đồng bào miền Nam anh hùng vẫn không hề mảy may nao núng và sẽ không bao giờ nao núng! Như đổ thêm dầu vào lửa, những tội ác cực kỳ man rợ của giặc Mỹ và bọn tay sai chỉ làm sục sôi thêm chí căm thù của nhân dân ta trong cả nước. Vì Tổ quốc thân yêu, vì miền Nam ruột thịt, vì chủ nghĩa xã hội, quân và dân ta ở miền Bắc đã có một tinh thần chiến đấu rất cao, một sức chiến đấu rất mạnh”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tin ở sự ủng hộ, giúp đỡ của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Người khẳng định: “Trước âm mưu tội ác mới của đế quốc Mỹ, tôi tin chắc rằng nhân dân và chính phủ các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa trên thế giới càng ra sức ủng hộ và giúp đỡ hơn nữa nhân dân Việt Nam chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn”. Trước khi rời xa chúng ta, Người đã thay mặt nhân dân Việt Nam trân trọng cảm ơn nhân dân thế giới, trong đó có cả nhân dân Mỹ, chính phủ các nước anh em, bè bạn quốc tế khắp năm châu, đã hết lòng ủng hộ và giúp đỡ có hiệu quả cho cuộc kháng chiến chống xâm lược chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.
Và điều cuối cùng, Người tin vào cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân Việt Nam để bảo vệ nền độc lập, thống nhất của dân tộc, tin vào chiến thắng tất yếu của điều thiện, chân lý và lẽ phải...
Niềm tin mãnh liệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khơi dậy tinh thần cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân với những cố gắng, nỗ lực vượt bậc về tinh thần, ý chí, quyết tâm đưa cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Người đã truyền cho toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta niềm tin mãnh liệt vào sức mạnh vĩ đại của dân tộc Việt Nam, sức mạnh của chính nghĩa và chân lý: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 là chiến công oanh liệt trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Đó là kết quả từ sự lãnh đạo tài tình với đường lối đúng đắn của Đảng; là sự ủng hộ to lớn của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới; và đặc biệt là ở sức mạnh của nhân dân Việt Nam, ở sức mạnh truyền thống của dân tộc Việt Nam được thực hiện bằng niềm tin tất thắng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đã khơi dậy, truyền đi, cổ vũ, phát huy.
TS TRẦN THỊ HỢI, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh