Bước ngoặt trong lịch sử cách mạng Việt Nam
Cách đây 95 năm, từ ngày 6.1.1930 - 7.2.1930, tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đã diễn ra dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh). Sự ra đời của Đảng là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam, chấm dứt thời kỳ khủng hoảng về đường lối cứu nước, mở ra thời kỳ mới trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng nước Việt Nam vì mục tiêu độc lập gắn liền với chủ nghĩa xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trưng bày “Đảng Cộng sản Việt Nam - 95 năm đồng hành cùng dân tộc” khai mạc chiều 21.1 tại Hà Nội. Ảnh: HS
Qua 6 phần nội dung, hơn 200 ảnh, tài liệu và hiện vật trong trưng bày giới thiệu khái quát chặng đường 95 năm Đảng Cộng sản Việt Nam đảm nhận sứ mệnh lãnh đạo đất nước, đồng hành với dân tộc. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã chiến thắng kẻ thù xâm lược, lập nên những kỳ tích vĩ đại trong thế kỷ XX như: thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á; chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu năm 1954; đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Sau khi nước nhà hoàn toàn độc lập, thống nhất, Đảng tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và công cuộc đổi mới từ năm 1986 đến nay với nhiều thành tựu đáng ghi nhận về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao và nhiều lĩnh vực quan trọng khác.
Theo Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, TS. Vũ Mạnh Hà, nhìn lại chặng đường lịch sử đã qua, chúng ta có thể khẳng định, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố quan trọng, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. “Chính trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam được tôi luyện, thử thách và không ngừng trưởng thành, xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lịch sử dẫn dắt dân tộc, xứng đáng với lòng tin của nhân dân. Luôn đổi mới phương thức lãnh đạo, Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đưa đất nước phát triển phồn vinh, nhân dân ta có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc”.
Người cộng sản vĩ đại Hồ Chí Minh
Lần đầu tiên một số hiện vật, tài liệu được Bảo tàng Hồ Chí Minh sưu tầm tại Cộng hòa Pháp cuối năm 2024 được giới thiệu tới đông đảo công chúng. Trong đó có bản chụp giấy căn cước của Nguyễn Ái Quốc tại địa chỉ số 6 phố Villa des Gobelins, cấp ngày 4.9.1919; danh thiếp thợ ảnh hãng Lainé của Nguyễn Ái Quốc từ những ngày Người chuyển đến nơi ở tại gác 2, nhà số 9 ngõ Compoint, Paris, Pháp những năm 1921 - 1923. Hay bút tích Chủ tịch Hồ Chí Minh viết vào cuốn Sổ vàng của thành phố Paris khi Người dự cuộc đón tiếp chính thức do Hội đồng thành phố Paris tổ chức tại Tòa Thị chính trong chuyến thăm nước Pháp ngày 4.7.1946…
Qua những hình ảnh cho thấy, trên hành trình ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã bôn ba nhiều nơi trên thế giới nhưng nước Pháp vẫn giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người. Từ 1917 - 1923 là thời kỳ hoạt động sôi nổi, đầy nhiệt huyết của một người cộng sản trẻ tuổi. Từ năm 1921 - 1923, Nguyễn Ái Quốc chuyển đến nơi ở mới tại gác 2, nhà số 9 ngõ Compoint, Paris, làm việc tại cửa hàng ảnh của hãng Lain. Để kiếm tiền mưu sinh, Người làm nghề rửa ảnh và phóng ảnh. Đời sống của Người thời gian này rất khó khăn, bị mật thám theo dõi sát sao. Tuy nhiên, Người vẫn dành thời gian lui tới các cuộc gặp gỡ tranh luận chính trị, nghệ thuật, kết giao với nhân sĩ yêu nước người Việt và những người đấu tranh đến từ các nước thuộc địa châu Á, châu Phi... Người dành mọi tâm trí cho hoạt động tuyên truyền, cổ động phong trào yêu nước.
Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Tình nhận định, những hình ảnh này đã chứng minh quá trình hoạt động và đấu tranh vô cùng gian khổ, khó khăn và nguy hiểm của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Đặc biệt, vai trò của Người càng được khẳng định từ thời điểm thành lập Đảng ta qua Cương lĩnh chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam (năm 1930); trong quá trình lãnh đạo nhân dân kháng chiến, Người ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (năm 1946), soạn thảo các tác phẩm về Đảng, về xây dựng Đảng, như Sửa đổi lối làm việc (năm 1947), tài liệu cho đảng viên, chiến sĩ thời kỳ kháng chiến.
Sau này, các tài liệu Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (năm 1969) và Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1969) đã nhấn mạnh vai trò, vị trí và tính tiên phong của Đảng cầm quyền, một chính Đảng phải lấy đạo đức cách mạng làm nền tảng, có nhiệm vụ làm cho dân giàu nước mạnh và người đảng viên luôn xác định phải trung thành, tận tụy phục vụ đất nước, phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân.
“Đó là các hình ảnh, tài liệu thể hiện quyết tâm cũng như tấm lòng của Bác về xây dựng Đảng. Với công chúng, hình ảnh, tài liệu trong trưng bày như một lời nhắc nhở, ghi dấu và tri ân của thế hệ hôm nay và toàn thể nhân dân ta đối với người sáng lập Đảng, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam suốt 95 năm qua. Đây cũng là nguồn cổ vũ toàn Đảng, toàn dân ta trong sự nghiệp cách mạng nói chung”, bà Nguyễn Thị Tình nói.
Hương Sen