Khát vọng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm nhưng độc lập thực sự nhất thiết phải gắn với thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đây là vấn đề nguyên tắc nên ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, ý chí bảo vệ độc lập dân tộc luôn song hành với ý chí đấu tranh thống nhất nước nhà. Trước việc đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai tiến hành chia cắt lâu dài đất nước ta, Người luôn khẳng định “Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn. Núi có thể mòn. Song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Năm 1964, thời điểm tròn 10 năm đất nước bị chia cắt, trong Thư chúc mừng năm mới, Người đã nhắn nhủ nhân dân: “Bắc Nam như cội với cành/ Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng/ Rồi đây thống nhất thành công/ Bắc-Nam ta lại vui chung một nhà”. Con người chan chứa tình cảm ấy cũng là con người có lập trường “sắt đá” về mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Người từng nói với Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Dù nó ném bom hóa biển cũng phải giải phóng miền Nam cho kỳ được.
Sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, mục tiêu giải phóng miền Nam chưa đạt được, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục kêu gọi nhân dân “Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc-Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”. Với bản lĩnh phi thường và uy tín “có một không hai”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biến khát vọng thống nhất đất nước thành hành động quật khởi của toàn dân tộc để thực hiện bằng được mục tiêu thống nhất nước nhà.
“Tổng công trình sư” của đường lối giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước
Chiến tranh không chỉ là đấu lực mà còn là sự đấu trí giữa các “bộ não” chỉ huy, mà việc xây dựng đường lối chiến tranh là khâu then chốt. Với cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đóng vai trò quyết định trong việc hoạch định đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng đoàn đại biểu Anh hùng LLVT nhân dân giải phóng miền Nam trong vườn xoài ở Phủ Chủ tịch (tháng 11-1965). Ảnh tư liệu
Để đánh giá đúng bản lĩnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trong hoạch định đường lối, cần thấu hiểu sự phức tạp của tình hình quốc tế và trong nước lúc đó. Việc hoạch định đường lối càng trở nên khó khăn khi chủ nghĩa thực dân mới ở thời điểm đó là một hiện tượng hết sức mới mẻ và miền Bắc thì đang phải đối diện với nhiều khó khăn của thời hậu chiến, hậu cải cách ruộng đất.
Dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải qua nhiều hội nghị của Trung ương và Bộ Chính trị, đường lối kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã từng bước được hình thành. “Bước ngoặt” đầu tiên trong tư duy của Đảng về chiến tranh cách mạng chính là Nghị quyết Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (năm 1959) với chủ trương kết hợp giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, chuyển từ khởi nghĩa từng phần sang chiến tranh cách mạng trường kỳ. Trên cơ sở đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (tháng 9-1960) chính thức thông qua đường lối tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược ở hai miền và đó là “lời giải duy nhất đúng” cho “bài toán hóc búa” của cách mạng Việt Nam lúc đó. Trong một cuộc chiến tranh kéo dài, mục tiêu giải phóng miền Nam là “bất biến” nhưng đường lối phải không ngừng được bổ sung. Năm 1965, việc Mỹ leo thang chiến tranh đã đặt dân tộc Việt Nam trước câu hỏi lớn: Có dám đánh Mỹ hay không và nếu đánh thì đánh bằng cách nào? Dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội nghị lần thứ 11 và lần thứ 12 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III (năm 1965) khẳng định: Dù Mỹ đổ quân trực tiếp tham chiến nhưng tương quan lực lượng vẫn không thay đổi lớn; Việt Nam quyết đánh Mỹ và sẽ thắng Mỹ. Sau đó, căn cứ vào tình hình thực tế trên chiến trường, Chiến dịch Mậu Thân 1968 và chủ trương “vừa đánh, vừa đàm” đã được thông qua. Trong Thư chúc mừng năm mới năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn chỉ rõ phương thức kết thúc chiến tranh là “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, tức là phải thực hiện nghệ thuật thắng từng bước, đánh đổ từng bộ phận để đi đến sự toàn thắng.
Những dự báo thiên tài
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên dự báo về việc Mỹ sẽ thay Pháp xâm lược Việt Nam. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ Điện Biên Phủ trở về, Người đã bắt tay chúc mừng rồi nói: “Nhân dân ta còn phải tiếp tục chống Mỹ”. Đến Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II (tháng 7-1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đế quốc Mỹ thì đang biến thành kẻ thù chính và trực tiếp, mũi nhọn của ta phải chĩa vào đế quốc Mỹ”. Phải nhấn mạnh rằng, lúc này, đế quốc Mỹ vừa bị tổn thất nặng nề trong chiến tranh Triều Tiên; ít ai nghĩ rằng, Mỹ lại tiến hành ngay chiến tranh xâm lược Việt Nam. Song, lịch sử đã diễn ra đúng như sự tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm dự báo thời điểm miền Nam giải phóng. Trong bản thảo Diễn văn mừng Quốc khánh 2-9-1960, Người viết: “Toàn dân ta đoàn kết nhất trí, bền bỉ đấu tranh, thì chậm lắm là 15 năm nữa, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, Bắc-Nam nhất định sẽ sum họp một nhà”. Trong Di chúc viết năm 1965, Người viết rõ rằng, “cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể sẽ kéo dài mấy năm nữa”, tức trong vòng 10 năm đổ lại và thực tế diễn ra đúng như vậy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh còn dự báo về việc Mỹ sẽ dùng máy bay B-52 đánh phá Hà Nội và sẽ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội. Ngày 18-6-1965 là lần đầu tiên Mỹ dùng B-52 để ném bom căn cứ của ta ở Bến Cát (nay thuộc tỉnh Bình Dương), nhưng từ năm 1962, Người đã nói với đồng chí Phùng Thế Tài: “Ngay từ nay, chú phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B-52 này”. Năm 1968, Người tiên báo: “Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”.
Được dẫn đường, cảnh báo bằng những tiên lượng sớm, chuẩn xác của Bác, quân và dân ta đã chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó phù hợp và đẩy kẻ thù vào thế bị động, dẫn đến thất bại.
Phát huy sức mạnh tổng hợp
Với quan điểm “thắng lợi không phải tự nhiên mà đến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm mọi phương cách tạo dựng, phát huy sức mạnh tổng hợp để Việt Nam giành chiến thắng. Trước hết, Người đã phát huy cao độ vai trò lãnh đạo của Đảng-nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Với sự dẫn dắt của Người, Đảng ta đã có những quyết định xuất sắc trong chỉ đạo chiến lược cách mạng miền Nam. Người còn bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận luôn kiên định với mục tiêu giải phóng miền Nam. Điều này đặc biệt có ý nghĩa khi Chủ tịch Hồ Chí Minh “đi xa” mà miền Nam chưa được giải phóng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo sát sao việc chuyển quân tập kết để giữ gìn lực lượng và tạo nguồn nhân lực cho cách mạng miền Nam sau này. Người rất thành công trong việc biến truyền thống yêu nước, đoàn kết của dân tộc Việt Nam trở thành sức mạnh vật chất trong cuộc đấu tranh sống còn với kẻ thù. Thực hiện lời kêu gọi “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Người, ở miền Bắc đã ra đời các phong trào thi đua yêu nước trong mọi giới, mọi ngành. Ở miền Nam đã hình thành những “vành đai diệt Mỹ”. Bằng niềm tin vào nhân dân và khả năng khích lệ nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo ra ở Việt Nam một cảnh tượng kỳ lạ là “ra ngõ gặp anh hùng”. Sững sờ trước một Việt Nam nhỏ bé mà kiên cường, bất khuất, bạn bè quốc tế đã ca ngợi: “Con người Việt Nam là niềm kiêu hãnh đầy bi tráng của thời đại chúng ta”. Đối phương đã phải gọi những chiến sĩ Giải phóng quân là những người “chân trần, chí thép”. Sau này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ R.McNamara phải thừa nhận là họ đã sai lầm khủng khiếp vì đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc trong việc thúc đẩy một dân tộc... đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng của mình. Sức mạnh tinh thần lớn lao ấy đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khơi nguồn, tiếp sức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam. Cuộc kháng chiến của ta là kháng chiến toàn dân mà Quân đội vẫn đóng vai trò nòng cốt. Người đã yêu cầu Quân đội “phải luôn luôn phát triển cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái chí khí quật cường tất thắng”. Dưới sự dẫn dắt của Người, Quân đội nhân dân Việt Nam đã trở thành một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng. Khi thế giới thừa nhận Quân đội ta là “đội quân được huấn luyện tốt, rất thiện chiến, được coi là một trong những lực lượng bộ binh giỏi nhất thế giới” thì công lao trước hết thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh-người Cha thân yêu của các lực lượng vũ trang Việt Nam.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì xây dựng miền Bắc thành hậu phương lớn của tiền tuyến lớn miền Nam. Người đã gọi miền Bắc là “đầu tàu”, là cái nền, cái gốc của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và động viên thanh niên miền Bắc sẵn sàng “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Biết bao gia đình ở miền Bắc nhận được giấy báo tử với dòng chữ ghi con em họ “đã hy sinh anh dũng ở Mặt trận phía Nam”, nhưng đoàn người ra trận tuyệt nhiên không dừng lại.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khéo léo “quốc tế hóa” cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam để nhận được sự ủng hộ to lớn của nhân dân thế giới. Người luôn nhấn mạnh, nhân dân Việt Nam đánh Mỹ là để bảo vệ công lý, quyền bình đẳng của mọi dân tộc, bảo vệ nền hòa bình chân chính. Do đó, ủng hộ Việt Nam đánh Mỹ là “thước đo” của tinh thần quốc tế trong sáng và lương tri, phẩm giá con người. Sức cảm hóa và uy tín quốc tế của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho nhân loại dành cho dân tộc của Người nhiều thiện cảm và sự ủng hộ to lớn.
Trong một cuộc đấu tranh vô cùng lâu dài, ác liệt để giành độc lập dân tộc của nhân dân Việt Nam, niềm tin chiến thắng là điều vô cùng hệ trọng và chính niềm tin chiến thắng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh truyền cho nhân dân cũng là động lực mạnh mẽ để nhân dân Việt Nam đạp bằng mọi chông gai, đi đến ngày toàn thắng. Tình cảm sâu nặng mà Người dành cho đồng bào miền Nam cũng làm nhân dân cảm động và quyết tâm giải phóng miền Nam để “rước Bác vào thăm, thấy Bác cười”. Những câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: “Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”, “tôi đi đến nơi mà chưa về đến chốn”, “tôi chưa làm tròn nghĩa vụ đối với đồng bào miền Nam” và lời dặn “nếu tôi qua đời trước ngày nước ta được thống nhất, thì nên gửi một ít tro xương cho đồng bào miền Nam” đã làm muôn triệu trái tim xúc động. Khi tuổi cao sức yếu, Người vẫn luôn nhớ về miền Nam, lấy thắng lợi của miền Nam làm sức mạnh, niềm vui để chống chọi với bệnh tật. Toàn thể nhân dân Việt Nam thấu hiểu, trân trọng tình cảm ấy nên lời thề đầu tiên khi Người qua đời chính là “kiên quyết giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” và gần 6 năm sau thì lời thề đó đã thành hiện thực.
PGS, TS TRẦN THỊ MINH TUYẾT