Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng và các đại biểu dâng hương tại chùa Côn Sơn trong khu Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương)
Tham dự Lễ khai hội có: Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Ủy viên thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; các Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam: Trần Lan Phương, Nguyễn Thị Thu Hiền; đại diện Tổ chức UNESCO tại Việt Nam, tỉnh Suwon (Hàn Quốc), tỉnh Viêng Chăn (Lào)…, cùng các tăng ni, phật tử và đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Trình bày diễn văn khai hội, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu khẳng định: Côn Sơn - Kiếp Bạc là vùng đất "địa linh nhân kiệt", nơi hội tụ tinh hoa văn hóa, gắn liền với lịch sử hào hùng, oanh liệt của dân tộc Việt Nam. Mỗi độ Xuân về, người dân Việt Nam lại nô nức về trẩy hội, thắp hương tưởng nhớ vị tổ Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm - Huyền Quang Tôn giả.
Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng và các đại biểu dâng hương tại chùa Côn Sơn trong khu Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương)
Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến (giữa) và các đại biểu tại khu Di tích Quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương)
Từ trái qua, hàng đầu: Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lê Ngọc Châu; Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyến; Trưởng lão Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu - Ủy viên thường trực Hội đồng Chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Hòa thượng Thích Quảng Tùng - Chứng minh Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hải Dương, tham dự chương trình
Những giá trị to lớn văn hóa, lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng của Khu di tích đặc biệt Quốc gia Côn Sơn - Kiếp Bạc góp phần quan trọng và tính xác thực cho hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) ghi danh quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản thế giới.
Ông Lê Ngọc Châu cũng nhấn mạnh, tỉnh Hải Dương đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm bảo tồn, xây dựng, nâng cấp các công trình văn hóa, các cơ sở tâm linh, tín ngưỡng có giá trị để gìn giữ cho muôn đời sau.
Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng khởi trống khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2025
Tại buổi lễ, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Trần Đức Thắng đã khởi trống khai hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2025. Lễ hội mùa xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2025 diễn ra từ ngày 11 đến 20/2, được tổ chức với quy mô lớn, nhằm tưởng niệm 691 năm Ngày viên tịch của Đệ Tam Tổ Trúc Lâm Huyền Quang Tôn giả (1334 - 2025), kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Côn Sơn (1965 - 2025).
Lễ khai hội gồm các hoạt động chính: Chương trình nghệ thuật "Côn Sơn in dấu chân Người"; khởi trống khai hội; cung tuyên thân thế và sự nghiệp của Đệ Tam tổ Trúc Lâm Huyền Quang tôn giả; lễ dâng hương, trưng bày chuyên đề "Hải Dương in dấu chân Người"... Các nghi lễ của lễ hội được duy trì gồm: Lễ rước nước, lễ tưởng niệm và khai hội, lễ tế trên núi Ngũ Nhạc, lễ giỗ và Mông Sơn thí thực... Phần hội có hội thi gói bánh chưng, giã bánh dầy; vật cổ truyền, cờ tướng và nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc.
Chương trình nghệ thuật "Côn Sơn in dấu chân Người"
Năm 2012, Khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt và Lễ hội truyền thống Côn Sơn - Kiếp Bạc được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Các di vật: Bia Thanh Hư Động, Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi, Bộ tượng Tam Thế Phật chùa Côn Sơn được công nhận là Bảo vật Quốc gia vào các năm 2015, 2017 và 2024.
Thu Hà