Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đề xuất tính toán lại bảng giá đất. Ảnh: BTC.
Chia sẻ tại Hội thảo "Giá đất, thuế đất… thế nào cho hợp lý?" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 22/7, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) lấy ví dụ chỉ có 9 dự án nhưng TP.HCM ước tính sẽ thu được 65.000 tỷ đồng tiền sử dụng đất.
"Con số này đáng mừng vì ngân sách có thêm nguồn thu bổ sung lớn, nhưng đáng lo là có hợp lý hay không? Bởi giá đất là chi phí đầu vào của nền kinh tế, muốn kéo giảm giá nhà có nhiều giải pháp, trong đó Nhà nước phải làm sao xác định nguồn thu từ đất đai hợp lý", ông Châu đặt vấn đề.
Người dân, doanh nghiệp không đủ tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính
Chủ tịch HoREA nhắc tới trường hợp một doanh nghiệp thuê khu đất 11.000 m2 trên đường Hoàng Diệu, quận 4 (cũ) để làm nhà kho từ năm 2022. Thời điểm đó, giá đất 300.000 đồng/m2 và tiền thuê trả hàng năm là 3,3 tỷ đồng.
Đến năm 2023, TP.HCM điều chỉnh hệ số, doanh nghiệp phải trả tiền thuê 7,7 tỷ đồng/năm. Đầu năm nay, khi áp dụng tỷ lệ phần trăm trên bảng giá đất mới, giá đất tăng cao và tiền thuê đất doanh nghiệp phải trả lên đến hơn 21 tỷ đồng, cao hơn 3 lần so với năm 2023 và cao gấp 7 lần năm 2022.
Hay với người dân, nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng biên tập Báo Thanh Niên cho rằng bất cập lớn nhất mà nhiều người quan tâm hiện nay là tiền chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp lên đất ở còn cao hơn giá trị của chính mảnh đất đó. Đơn cử là một gia đình ở Nghệ An muốn chuyển mục đích sử dụng đất cho một miếng đất giá trị khoảng 3 tỷ đồng, nhưng thuế phải nộp lên đến 4,5 tỷ đồng.
"Đáng nói, câu chuyện này không phải hy hữu mà diễn ra ở nhiều nơi. Nguyên nhân là theo quy định của Luật Đất đai 2024, bảng giá đất mới sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2026 nên thời gian qua, một số tỉnh, thành đã ban hành bảng giá đất mới thay thế bảng giá đất cũ với giá tăng cao gấp nhiều lần", ông Nguyễn Ngọc Toàn nói.
Hiện, những địa phương còn áp dụng bảng giá đất cũ theo Luật Đất đai 2013 đang xây dựng bảng giá đất mới để kịp tiến độ áp dụng đồng loạt vào ngày 1/1/2026 tới.
"Tôi đang hình dung một cảnh tượng giá đất đuổi giá nhà khi tiêu chí để xây dựng bảng giá đất là sát giá thị trường. Chúng ta hãy cùng thảo luận xem giá thị trường được đo lường như thế nào. Bởi nếu không có cơ sở khoa học, rất có thể bảng giá đất lại 'chạy đua' với giá ảo trên thị trường", ông Nguyễn Ngọc Toàn bày tỏ.
Theo quan điểm của TS Phạm Viết Thuận, Viện trưởng Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, Luật yêu cầu xây dựng bảng giá đất theo "nguyên tắc thị trường" chứ không phải "tiệm cận thị trường", "sát giá thị trường", do đó các địa phương cần lưu ý điều này.
Trong lúc này, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhấn mạnh giá đất tăng, kéo theo nghĩa vụ tài chính tăng đang dẫn đến rất nhiều bất cập trên thị trường với cả doanh nghiệp, người dân và nền kinh tế.
Tương tự, liên quan đến khoản thu bổ sung với hàng loạt doanh nghiệp do chậm định giá đất, ông Châu cho rằng đây không phải lỗi của doanh nghiệp, mà việc ban hành giá đất nhanh hay chậm đều từ phía Nhà nước.
Bộ Tài chính đề xuất giảm tiền chuyển mục đích sử dụng đất
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận, trong quá trình sửa đổi Nghị định 103, Bộ Tài chính nhận được nhiều ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội và địa phương, trong đó có liên quan đến vấn đề tính tiền chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, với nhiều phương án đề xuất khác nhau.
Nhiều phản ánh nêu rõ giá đất trên bảng giá đất tại một số địa phương xác định theo Luật Đất đai 2024 cao đột biến so với bảng giá đất cũ. Trong đó, giá đất ở tăng cao nhiều lần so với giá đất nông nghiệp nên khi được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở, hộ gia đình, cá nhân phải đóng tiền sử dụng đất cao nhiều lần so với trước đây.
Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các địa phương báo cáo nhanh về tình hình thực hiện việc tính tiền sử dụng đất khi chuyển mục đích sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: BTC.
Thứ trưởng Lê Tấn Cận nói trước mắt sẽ kế thừa Luật Đất đai 2013, Bộ Tài chính dự kiến trình Chính phủ theo phương án giảm tiền sử dụng đất khi người dân chuyển từ đất nông nghiệp sang đất ở trong bối cảnh giá đất tại một số địa phương cao đột biến so với bảng giá đất cũ.
Tuy nhiên, Thứ trưởng lưu ý trường hợp người dân được Nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thuần túy sang đất ở hiện vẫn thực hiện theo quy định của Luật Đất đai 2024, việc sửa thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Dù vậy, ông đặc biệt nhấn mạnh sẽ điều chỉnh giá đất, tiền sử dụng đất trên cơ sở tất cả vì lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước, với quan điểm lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Hiện, Bộ Tài chính đã làm việc trực tiếp với các bên và tổng hợp trung thực, từ đó trình dự thảo sửa Nghị định 103, đồng thời có văn bản xin ý kiến Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ ban hành với các phương án khác nhau.
Lan Anh