Chủ tịch Liên hiệp Các hội KH-KT Việt Nam: Cần thiết có cơ chế đặc thù cho điện hạt nhân Ninh Thuận

Chủ tịch Liên hiệp Các hội KH-KT Việt Nam: Cần thiết có cơ chế đặc thù cho điện hạt nhân Ninh Thuận
2 ngày trướcBài gốc
Trong chương trình làm việc của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV ngày 14.2, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trình Quốc hội một số cơ chế, chính sách đặc thù cho dự án đầu tư Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
10 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù được Chính phủ trình được cho là nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Tiến sĩ khoa học, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA)
Lý giải phải cần cơ chế đặc thù cho dự án, Tiến sĩ khoa học, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA, gọi tắt là Liên hiệp hội) Phan Xuân Dũng - đại biểu quốc hội tỉnh Ninh Thuận - chia sẻ: 15 năm trước, chuẩn bị cho xây dựng nhà máy điện hạt nhân, vị trí nhà máy điện hạt nhân thấp hơn hiện nay khoảng 150m. Như vậy, việc giải tỏa đền bù bây giờ chắc phải khác trước.
Thứ nhất, mức đền bù bây giờ chắc phải khác so với cách đây hơn 15 năm chúng ta dự kiến.
Thứ hai, diện tích số dân bây giờ khác trước rất nhiều và rộng hơn, bởi vì chúng ta đưa độ cao lên khoảng đến khoảng 150m. Theo đó, đại biểu đề nghị, nên cân nhắc bổ sung thêm để liên quan đến cái việc di dân, tái định cư.
Theo ông Dũng, cách đây 15 năm, với tư cách trong Đảng đoàn Quốc hội, khi về Ninh Thuận, ông được người dân chia sẻ: "Trong chiến tranh, trong kháng chiến, chúng tôi theo lời Đảng, theo lời Bác Hồ để di chuyển thì bây giờ, để phục vụ cho việc xây dựng, phát triển kinh tế đất nước, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ".
"Những câu nói thực sự rất cảm động cho chúng tôi, những người được giao trách nhiệm lấy ý kiến bà con, cô bác tại Ninh Thuận. Sau ý kiến này, chúng tôi đã báo cáo tại Trung ương với những người dân ở đây như vậy, chúng ta không có lý do gì không có những cơ chế thực sự đặc biệt cho bà con. Do đó, tôi đề nghị, trong Nghị quyết này, những gì liên quan đến bà con, cô bác tỉnh Ninh Thuận chuẩn bị di dời, ta phải đặc biệt quan tâm", TS Phan Xuân Dũng nhấn mạnh.
Ông Phan Xuân Dũng khẳng định, cần có cơ chế, chính sách đưa vào dự thảo Nghị quyết của Quốc hội để tạo điều kiện cho Ninh Thuận có nguồn lực thực hiện sứ mệnh của mình trong công tác đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận là dự án đặc biệt quan trọng, có công nghệ phức tạp, chỉ một số ít quốc gia sở hữu. Cùng với đó, nhu cầu vốn đầu tư rất lớn và lần đầu tiên được đầu tư xây dựng tại nước ta. Do đó, rất cần có các cơ chế, chính sách đặc thù, đủ mạnh để đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian thực hiện.
Mục tiêu Chính phủ đặt ra là đưa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành trong năm 2030-2031, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu điện năng cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính phủ đã đề xuất một loạt cơ chế chính sách đặc thù cho dự án.
Cụ thể, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép triển khai đồng thời các công việc về đàm phán các hiệp định, thỏa thuận với đối tác song song với quá trình lập các hồ sơ và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư.
Việc lựa chọn nhà đầu tư và nhà thầu dự kiến sẽ áp dụng hình thức hợp đồng chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính với nhà thầu trong Thỏa thuận hoặc Hiệp định liên Chính phủ; Áp dụng hình thức chỉ định thầu/chỉ định thầu rút gọn đối với các gói thầu tư vấn quan trọng để lập, thẩm tra, thẩm định, trợ giúp chủ đầu tư quản lý, thực hiện dự án; mua nhiên liệu, thuê đối tác vận hành, bảo dưỡng trong thời gian đầu.
Đối với cơ chế về phương án tài chính và thu xếp vốn thực hiện dự án sẽ đàm phán vay vốn Chính phủ với các đối tác; cho phép chủ đầu tư vay lại không chịu rủi ro tín dụng; sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách và các nguồn vốn hợp pháp khác; chủ đầu tư được sử dụng nguồn vốn vay từ trái phiếu Chính phủ/ doanh nghiệp/ công trình và một số cơ chế khác để có đủ vốn đối ứng thực hiện dự án; Bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước để thực hiện dự án di dân, tái định cư.
Ngoài ra là các cơ chế về áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy phạm kỹ thuật; các định mức, đơn giá; cho phép các chủ đầu tư miễn thủ tục báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt dự án đầu tư, phương án huy động vốn; Cơ chế, chính sách cho tỉnh Ninh Thuận để thực hiện dự án đền bù, tái định cư nhà máy điện hạt nhân; phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ xây dựng điện hạt nhân; đảm bảo cung cấp vật liệu cho xây dựng dự án; đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân vùng dự án.
Cơ chế về thủ tục phê duyệt chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với các hạng mục liên quan đến dự án và các dự án thành phần; xử lý chồng lấn khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia; xử lý chồng lấn quy hoạch (nếu phát sinh) trong quá trình thực hiện Dự án. Cơ chế về thực hiện tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy gồm 2 tổ máy. Nhà máy Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Nhà máy Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải. Thủ tướng giao Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Tập đoàn Công nghiệp năng lượng Quốc gia (Petrovietnam) làm chủ đầu tư dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. Đồng thời yêu cầu rút ngắn thời gian hoàn thành dự án so với dự kiến trước đây, chậm nhất tới 31.12.2031 phải hoàn thành và phấn đấu hoàn thành trước 31.12.2030.
Tuyết Nhung
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/chu-tich-lien-hiep-cac-hoi-kh-kt-viet-nam-can-thiet-co-co-che-dac-thu-cho-dien-hat-nhan-ninh-thuan-229461.html