Ngày 23.12, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA, gọi tắt là Liên hiệp hội) phối hợp với Viện Nghiên cứu pháp luật và xã hội đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề "Giải pháp chống lãng phí đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới".
Chủ tịch VUSTA Phan Xuân Dũng phát biểu tại hội thảo
Chủ tịch Liên hiệp hội Phan Xuân Dũng cho biết đây là chủ đề nghiên cứu rất cấp bách trong bối cảnh hiện nay, khi lãng phí không chỉ là một vấn đề kinh tế - xã hội nhức nhối, mà còn là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của quốc gia. Tình trạng lãng phí trong khai thác tài nguyên, đầu tư công, quản lý tài sản công và thực thi chính sách vẫn đang đặt ra những yêu cầu cấp bách về đổi mới thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý và trách nhiệm giải trình.
Hội thảo tập trung vào các nội dung trọng tâm chính về tư tưởng Hồ Chí Minh và văn hóa pháp lý về chống lãng phí; yêu cầu, định hướng và giải pháp tổng thể; cùng các vấn đề liên quan đến cải cách hành chính, trách nhiệm của người đứng đầu, vai trò của các tổ chức xã hội, nhân dân. Chủ tịch Phan Xuân Dũng nhấn mạnh đây là cơ hội quý báu để các nhà khoa học, chuyên gia và nhà quản lý cùng thảo luận, chia sẻ ý kiến, từ đó đưa ra các giải pháp đột phá, thiết thực.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu pháp luật và xã hội Phan Trung Lý chia sẻ về yêu cầu, định hướng của hội thảo. Ông cho biết đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, là thời điểm để định hình tương lai, gia tăng mạnh mẽ nguồn lực, làm giàu cho đất nước, đúng như Tổng bí thư Tô Lâm đã nói: "Chúng ta đang đứng trước cơ hội lịch sử để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc".
Một trong những yêu cầu quan trọng để biến cơ hội đó thành hiện thực là phải kiên quyết và triệt để phòng chống lãng phí. Chống lãng phí cần được triển khai quyết liệt, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành "tự giác", "tự nguyện", "cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày", thành văn hóa ứng xử của mỗi người dân trong thời đại mới.
Ông Phan Trung Lý nhấn mạnh phòng chống lãng phí là yêu cầu, là chủ trương lớn, xuyên suốt trong tiến trình lãnh đạo cách mạng của Đảng. Đặc biệt lãng phí phổ biến hiện nay gây ra rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng như hệ lụy về vật chất, hệ lụy về niềm tin, hệ lụy về hiệu lực, hiệu năng, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Viện trưởng Phan Trung Lý khẳng định lãng phí là lực cản sự phát triển của đất nước gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo.
Đồng thời, ông Phan Trung Lý cũng đã chia sẻ về những thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí và cần được triển khai quyết liệt, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành "tự giác", "tự nguyện", "cơm ăn nước uống, áo mặc hằng ngày", thành văn hóa ứng xử của mỗi người dân trong thời đại mới.
Một trong những thông điệp đáng chú ý trong bài viết mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm về chống lãng phí là: Cần thống nhất nhận thức đấu tranh phòng chống lãng phí là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” đầy cam go, phức tạp; là một phần của cuộc đấu tranh giai cấp; có vị trí tương đương với phòng chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng vững mạnh, "là đạo đức, là văn minh".
Lãng phí hiện nay diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Việc tổ chức bộ máy cồng kềnh, không hợp lý, với những sự chồng chéo, lẫn lộn trong quy định về chức năng, nhiệm vụ và sự chồng chéo, trùng lặp trong quá trình hoạt động có thể coi là một sự lãng phí rất lớn, cả trực tiếp và gián tiếp, cần phải được đổi mới mạnh mẽ trong thời gian tới.
Theo nguyên Phó tổng thư ký Quốc hội khóa 14 Lê Bộ Lĩnh, để phòng chống lãng phí nguồn nhân lực, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp:
- Cần đặt việc phòng chống lãng phí nguồn nhân lực trong tổng thể cải cách thể chế, đi liền với việc tinh gọn bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương. Tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội,Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để hoạt động hiệu lực,hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp đủ phẩm chất,năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ trong điều kiện mới. Có các giải pháp cụ thể tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị lao động Việt Nam trong giai đoạn mới.
- Xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cán bộ khoa học: Cần có bộ tiêu chí đánh giá toàn diện đối với nguồn nhân lực, bao gồm năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức, kinh nghiệm làm việc và khả năng thích ứng với môi trường làm việc.
- Đổi mới công tác tuyển dụng và bổ nhiệm: Cần đổi mới phương thức tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, bảo đảm tính minh bạch, công bằng và khách quan. Việc kiểm tra, giám sát cần được thực hiện thường xuyên để kịp thời phát hiện những sai sót.
- Đào tạo và bồi dưỡng nhân lực: Cần có chương trình đào tạo dài hạn, phù hợp với yêu cầu từng vị trí công tác. Đồng thời, cần khuyến khích cán bộ, công chức tham gia ý kiến trong quá trình đánh giá, bổ nhiệm.
- Ứng dụng công nghệ trong quản lý nguồn nhân lực: Việc hiện đại hóa quản lý nhân sự, áp dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động sẽ giúp tăng cường hiệu quả, giảm thiểu lãng phí.
- Kiểm tra và giám sát chặt chẽ: Cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định về quản lý, sử dụng cán bộ để kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp vi phạm.
Tuyết Nhung