ĐHĐCĐ thường niên 2025 của MB thu hút hơn 4.400 cổ đông tham dự tính đến thời điểm 10h sáng 26/4. Ảnh: MBBank
Kế hoạch lợi nhuận khoảng 31.700 tỷ, hết quý I đã hoàn thành hơn 26%
Phát biểu mở đầu Hội nghị, Chủ tịch MB Lưu Trung Thái nhận định 2024 là năm mà tình hình cạnh tranh trong ngành, đặc biệt là cạnh tranh trong lĩnh vực chuyển đổi số, thu hút khách hàng, mở rộng thị phần... vô cùng quyết liệt. Trong bối cảnh đó, ngân hàng đã đạt được một số kết quả ấn tượng.
"Tổng tài sản lần đầu tiên cán mốc 1,1 triệu tỷ. Lợi nhuận đạt 28,8 nghìn tỷ đồng. Tín dụng tăng 24,5%. Tỷ lệ CASA là 39,5%, top 1 thị trường. Tỷ lệ nợ xấu của cả tập đoàn là 1,6%, nếu tính riêng tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng là 1,39%, thấp hơn mục tiêu quản trị nợ xấu ban lãnh đạo đặt ra. Lũy kế ngân hàng có 30,2 triệu khách hàng tính đến thời điểm cuối năm", Chủ tịch MB cho hay.
Trên cơ sở những thành tựu đạt được, năm nay, HĐQT MB đã trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh 2025 với mục tiêu tăng lợi nhuận trước thuế khoảng 10% so với năm trước, tương đương khoảng hơn 31.700 tỷ đồng (so với mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2024 là 28.829 tỷ đồng).
Cùng đó, HĐQT đặt mục tiêu nâng tổng tài sản ngân hàng lên 21,2% so với cuối năm 2024. Huy động vốn kỳ vọng tăng trưởng 23,3%. Tín dụng dự kiến tăng xấp xỉ 23,7%, tùy theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Kiểm soát tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 1,7% và duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) theo tiêu chuẩn Basel II ở mức tối thiểu 9%.
Các chỉ tiêu hiệu quả như ROE dao động từ 20 - 22%, ROA khoảng 2%, CIR dưới 30%, duy trì vị thế trong nhóm dẫn đầu ngành ngân hàng.
Về chiến lược phát triển khách hàng, MB đặt mục tiêu chạm mốc 34-35 triệu khách hàng vào cuối năm 2025, hướng đến đạt 40 triệu khách hàng vào năm 2029.
Chia sẻ thêm tại Đại hội, Chủ tịch Lưu Trung Thái cho hay MB hiện là ngân hàng tốc độ tăng trưởng giá trị thương hiệu nhanh nhất Việt Nam trong năm qua. "Giá trị thương hiệu của chúng ta đã tăng 5 lần so với 5 năm trước đó. Thương hiệu MB gần đây đã được đánh giá trị giá 1,6 tỷ USD, vươn 59 bậc lên vị trí thứ 168 trong bảng xếp hạng Top 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất toàn cầu", lãnh đạo ngân hàng cho hay.
"Giá trị thương hiệu không nằm ở thương hiệu đẹp, mà ở số lượng khách hàng lớn và giá trị giao dịch lớn. Giá trị lớn nhất của ngân hàng về mặt thương hiệu là khách hàng", ông Thái khẳng định, đồng thời nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng khách hàng thêm 4-5 triệu đơn vị trong năm nay, qua đó đưa MB cán mốc 34-35 triệu khách hàng vào cuối năm.
Chủ tịch HĐQT MBBank Lưu Trung Thái phát biểu tại Đại hội. Ảnh: MBBank
Theo báo cáo tài chính quý I/2025 vừa công bố, tại thời điểm 31/3/2025, tổng tài sản hợp nhất của ngân hàng đạt hơn 1,15 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với thời điểm cuối năm 2024. Tiền gửi khách hàng riêng ngân hàng đạt hơn 723.200 tỷ đồng, trong đó tiền gửi không kỳ hạn duy trì tỷ trọng cao. Dư nợ cho vay khách hàng hợp nhất đạt gần 798.000 tỷ đồng, tăng 2,7%.
Tổng thu nhập hoạt động hợp nhất đạt hơn 15.300 tỷ đồng, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu thuần sau rủi ro đạt hơn 12.300 tỷ đồng, tăng 32,5%. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất quý I đạt 8.386 tỷ đồng, tăng trưởng 44,7% so với cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận riêng của MB đạt 7.689 tỷ đồng, tăng trưởng 46,2%.
Như vậy, kết thúc quý I, MB đã hoàn thành khoảng 26,5% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Chia cổ tức tổng tỷ lệ 35%, trong đó 32% bằng cổ phiếu
Về kế hoạch chia cổ tức, theo HĐQT, sau khi trích lập các quỹ, MB ghi nhận tổng lợi nhuận sau thuế năm 2024 để lại là 15.426 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2025, ngân hàng sẽ phân bổ 21.556 tỷ đồng để chi trả cổ tức cho cổ đông thông qua hai hình thức với tổng tỷ lệ 35%.
Theo đó, ngân hàng dự kiến dành 1.831 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 3%. Đồng thời, dành 19.726 tỷ đồng để chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 32%, giúp tăng vốn điều lệ.
Cụ thể phương án chia cổ tức bằng cổ phiếu, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 1,97 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu, tổng giá trị phát hành dự kiến gần 19.726 tỷ đồng, nguồn từ nguồn lợi nhuận lũy kế chưa phân phối năm 2024. Việc phát hành sẽ được thực hiện trong năm 2025 sau khi được cơ quan chức năng chấp thuận. Sau khi hoàn tất kế hoạch phát hành này, vốn điều lệ của MB dự kiến tăng từ hơn 61.022 tỷ đồng lên hơn 80.700 tỷ đồng.
Theo Chủ tịch Lưu Trung Thái, nếu so sánh với các ngân hàng khác trong hệ thống, mức trả cổ tức với tổng tỷ lệ 35%, trong đó 32% bằng cổ phiếu của MB là thuộc top rất cao. "Có một vài ngân hàng trả cổ tức tiền mặt cao hơn nhưng nguyên nhân do nhiều năm trước đó chưa thực hiện chia cổ tức. Năm nay chúng tôi tiếp tục dự kiến phương án chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ khoảng 32% để đáp ứng nhu cầu về vốn và tăng trưởng kinh doanh của ngân hàng trong các năm tới", lãnh đạo MBBank nói thêm.
Một nội dung đáng chú ý khác tại Đại hội, HĐQT trình cổ đông thông qua phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu, chiếm khoảng 1,6% vốn điều lệ MB. Mục đích mua lại là nhằm bảo vệ lợi ích của cổ đông và giá trị doanh nghiệp trước những biến động của thị trường chứng khoán; và/hoặc mang lại lợi ích cho cổ đông hiện hữu của ngân hàng.
Nguồn vốn thực hiện từ thặng dư vốn cổ phần của ngân hàng, theo báo cáo tài chính kiểm toán gần nhất. Phương thức giao dịch là khớp lệnh, thời gian dự kiến mua lại là trong năm 2025 hoặc 2026. HĐQT quyết định thời gian triển khai cụ thể trên cơ sở phù hợp với các phê duyệt/chấp thuận, hướng dẫn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Sau khi hoàn tất giao dịch, vốn điều lệ của MB dự kiến sẽ giảm tối đa 1.000 tỷ đồng.
Góp vốn tối đa 5.000 tỷ vào MBV, mở rộng hoạt động kinh doanh quốc tế
Tại đại hội, HĐQT MBBank cũng trình cổ đông thông qua việc nhận chuyển giao bắt buộc và tiếp tục triển khai phương án chuyển giao bắt buộc đã được phê duyệt, bao gồm các nội dung điều chỉnh, bổ sung.
Theo đó, MBBank dự kiến góp vốn tối đa 5.000 tỷ đồng vào MBV. Trên cơ sở phương án được phê duyệt, MBV có thể chuyển đổi thành ngân hàng TNHH hai thành viên trở lên, ngân hàng liên doanh, ngân hàng thương mại cổ phần, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, sáp nhập vào MBBank hoặc theo hình thức khác phù hợp quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, HĐQT cũng trình cổ đông phương án chuyển đổi hình thức pháp lý của Ngân hàng đại chúng TNHH MB Cambodia (MBCambodia) sang hình thức liên doanh/cổ phần hoặc hình thức pháp lý phù hợp theo pháp luật Campuchia. Tương tự, Công ty tài chính tiêu dùng MB Shinsei (MCredit) cũng sẽ được xem xét chuyển đổi thành công ty TNHH một thành viên/cổ phần.
Kế hoạch còn bao gồm việc góp vốn, mua bán, chuyển nhượng, thay đổi tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp của MBBank để MBCambodia và MCredit không còn là công ty con của MB.
Liên quan đến mở rộng hoạt động kinh doanh quốc tế, MB cũng lên kế hoạch thành lập Ngân hàng con tại Lào (trên cơ sở chuyển đổi chi nhánh MB tại nước này), và thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại các thị trường tiềm năng, môi trường kinh doanh thuận lợi và/hoặc có cơ hội phát triển mạng lưới (như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc)...).
Thùy Dung