Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng OCB
Sáng 22/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB - mã chứng khoán: OCB) tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2025 và thông qua nhiều nội dung quan trọng như: Chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 7%, phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 8% để tăng vốn điều lệ từ 24.657 tỷ đồng lên hơn 26.630 tỷ, bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2025-20230 với 7 thành viên…
MỤC TIÊU LỢI NHUẬN 5.338 TỶ ĐỒNG, TĂNG 33%
Chia sẻ với các cổ đông trong phần khai mạc, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB cho biết, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố rủi ro, bất định. Trong bối cảnh đó, OCB đã nhanh chóng có những bước chuyển mình mạnh mẽ, triển khai loạt chương trình tín dụng ưu đãi với tổng hạn mức hơn 65.000 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 15.000 khách hàng doanh nghiệp và cá nhân tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý, lãi suất cạnh tranh.
Những hoạt động này đã giúp OCB giữ được mức tăng trưởng tín dụng thị trường 1 đạt gần 20%, cao hơn trung bình ngành (15,08%), trong đó dư nợ tín dụng của khách hàng cá nhân tăng 11,4%, SME tăng 51,7% so với đầu năm. Tổng tài sản của OCB cải thiện đáng kể, đạt 280.712 tỷ đồng tăng 17% so với năm 2023.
Năm 2024, mặc dù thị trường có dấu hiệu gia tăng lãi suất nhưng OCB vẫn tiếp tục duy trì nền lãi suất huy động thấp nhằm hỗ trợ cho tín dụng. Từ đó, lãi suất cho vay cũng được giảm đáng kể. Đặc biệt, OCB đã và đang thực hiện hiệu quả hoạt động dẫn vốn trong cuộc “cách mạng xanh”, thể hiện vai trò tiên phong khi là một trong những ngân hàng hàng đầu về chiến lược phát triển bền vững. Tính đến 31/12/2024, tín dụng xanh tại OCB tăng 30% so với năm 2023, đây được đánh giá là mức tăng trưởng tín dụng cao so với các ngân hàng trên toàn hệ thống.
Kết quả, năm 2024, tổng thu thuần của OCB đạt 10.069 tỷ đồng tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước nhờ vào hoạt động cốt lõi không ngừng tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là thu thuần từ lãi đạt 8.607 tỷ đồng, tăng 27,2% so với năm 2023, nhờ quy mô tín dụng tăng trưởng gần 20% và NIM cải thiện lên mức 3,5% vào cuối năm 2024.
Lợi nhuận trước thuế năm 2024 của OCB đạt 4.006 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2023 và chỉ hoàn thành 58% kế hoạch đề ra. Sau khi trừ thuế và trích lập các quỹ, lợi nhuận còn lại của ngân hàng đạt 2.508 tỷ đồng, nâng tổng lợi nhuận lũy kế lên gần 3.706 tỷ đồng.
Cổ đông của OCB sắp nhận cổ tức 7% bằng tiền mặt và 8% cổ phiếu thưởng
Đáng chú ý, trong phương án phân phối lợi nhuận năm 2024 được đại hội thông qua, nhà băng này dành hơn 1.726 tỷ đồng để chia cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 7%. Đây là năm đầu tiên OCB thực hiện chia cổ tức tiền mặt kể từ khi lên sàn chứng khoán. Trước đó, ngân hàng chủ yếu sử dụng phương thức chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Ngân hàng OCB cũng đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ bằng việc phát hành cổ phiếu thưởng. Theo đó, ngân hàng sẽ phát hành hơn 197,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 8% để tăng vốn điều lệ từ hơn 24.657 tỷ đồng lên hơn 26.630 tỷ đồng để tăng quy mô, năng lực canh tranh, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Kế hoạch này sẽ được OCB triển khai ngay sau khi được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Năm 2024, OCB đã chi hơn 37,2 tỷ đồng thù lao, thưởng và các chi phí khác cho Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát. Chi phí này được đại hội thông qua cho năm 2025 là tối đa 48 tỷ đồng.
Năm 2025, OCB đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 316.779 tỷ tăng 13%; Tổng huy động thị trường 1 đạt 218.842 tỷ tăng 14%; Tổng dư nợ thị trường 1 tăng 16%, đạt 208.472 tỷ; Lợi nhuận trước thuế tăng 33% so với năm 2024, đạt 5.338 tỷ; Tỷ lệ nợ xấu duy trì dưới 3%.
Vốn điều lệ của OCB qua các năm
Đại hội cũng tiến hành bầu bổ sung thành viên HĐQT, thành viên BKS nhiệm kỳ 2025 – 2030. Cụ thể, Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2025 - 2030 của OCB sẽ gồm 7 thành viên bao gồm: Ông Trịnh Văn Tuấn, ông Ngô Hà Bắc, bà Trịnh Thị Mai Anh, ông Yoshizawa Toshiki, ông Segawa Mitsuhiro, ông Phan Trung và ông Dương Kỳ Hiệp.
Số lượng thành viên Ban kiểm soát có 5 thành viên, tăng 2 thành viên so với nhiệm kỳ 2020 - 2025, gồm có: Bà Đặng Thị Thanh Huyền, bà Đặng Thị Quý, ông Nguyễn Văn Hải, ông Nguyễn Trọng Hải và ông Phạm Quang Vinh.
TIẾN TỚI SỞ HỮU CÔNG TY CHỨNG KHOÁN
Cũng như nhiều đại hội cổ đông của các ngân hàng khác, phần thảo luận giữa Chủ tọa đoàn và các cổ đông của OCB luôn được mong đợi và diễn ra sôi động, cởi mở với nhiều vấn đề được cổ đông quan tâm.
Về việc lần đầu tiên chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7%, ông Trịnh Văn Tuấn chia sẻ: OCB luôn quan tâm đến quyền lợi của các cổ đông thông qua việc hầu như năm nào cũng tiến hành chia cổ tức cho cổ đông. Năm nay, OCB trình đại hội phê duyệt chia cổ tức bằng tiền mặt 7% và phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 8% để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu. Sau khi được đại hội thông qua, OCB sẽ trình và chi trả ngay sau khi được cơ quan quản lý chấp thuận, dự kiến sẽ mất vài tháng. Năm nay là vậy, còn các năm sau, OCB có tiếp tục chia cổ tức bằng tiền mặt không, theo ông Tuấn, phụ thuộc vào việc cân đối nguồn vốn nhằm bảo đảm cho sự ổn định và tăng trưởng của ngân hàng.
Trả lời về giá cổ phiếu thấp, ông Trịnh Văn Tuấn cho biết: "Giá cổ phiếu do thị trường quyết định nhưng bản thân ông thấy chạnh lòng khi giá cổ phiếu OCB thấp hơn 30 - 40% định giá trung bình của ngành ngân hàng. Cụ thể, chỉ số P/B của OCB chỉ ở mức 0,82 vào phiên cuối tuần trước, trong khi trung bình các ngân hàng tư nhân là 1.25".
Kết phiên giao dịch ngày 22/4, cổ phiếu OCB giảm còn 10.450 đồng/cổ phiếu, chỉ số P/B là 0.81. Trong khi đó, giá cổ phiếu ACB của Ngân hàng Thương mại cổ phần Á Châu đóng phiên ở mức 24.100 đồng/cổ phiếu, chỉ số P/B là 1.29.
Ông Tuấn cũng thừa nhận, khi kết quả kinh doanh chưa đạt được như kỳ vọng thì giá cổ phiếu cũng bị tác động. Hiện OCB hiện đã và đang đưa ra một số giải pháp nhằm cải thiện sức khỏe tài chính, tình hình kinh doanh nhằm tạo niềm tin trong mắt các cổ đông hiện hữu lẫn các nhà đầu tư tiềm năng.
Về tính khả thi của kế hoạch kinh doanh năm 2025 với lợi nhuận tăng đến 33% khi kết quả kinh doanh năm 2024 chưa được như kỳ vọng, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc OCB, cho biết: Một trong những nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh năm 2024 chưa đạt như kỳ vọng là do nợ xấu tăng đến từ nhóm khách hàng cá nhân, khiến ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng chủ động tăng đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, chuyển đổi số phục vụ phát triển dài hạn và tăng dự phòng rủi ro tín dụng, củng cố bộ đệm dự phòng. Mặc dù, ở giai đoạn ngắn hạn có thể làm giảm lợi nhuận của ngân hàng nhưng về dài hạn, đây được xem là chi phí tốt, nhằm tạo đà phát triển bền vững cho OCB và thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn sắp tới.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB
Ông Hải cho biết: Kết quả kinh doanh quý 1 của OCB ghi nhận nhiều khả quan khi quy mô tín dụng và huy động thị trường 1 đều hoàn thành kế hoạch và tăng trưởng lần lượt 2,2% và 8,3% so với đầu năm. Tổng thu nhập (TOI) của OCB đạt 2.273 tỷ tương đương cùng kỳ năm ngoái nhưng hoạt động cốt lõi thu nhập từ lãi đạt 2.216 tỷ, tăng 17% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 900 tỷ đồng.
Trả lời câu hỏi về việc Công ty Cổ phần Chứng khoán Quốc tế (VIS) đổi tên thành Công ty Cổ phần Chứng khoán OCBS và liệu Ngân hàng OCB có tham gia mua để đưa OCBS trở thành công ty con không, ông Trịnh Văn Tuấn cho biết: Việc sở hữu một công ty chứng khoán sẽ tạo thành một hệ sinh thái, hỗ trợ tốt cho các nhà đầu tư là khách hàng của OCB.
Việc tham gia sở hữu OCBS cũng đã được Hội đồng quản trị của ngân hàng bàn thảo nhưng chưa thuận lợi trong giai đoạn này. Đây là lý do trong giai đoạn trước mắt, OCB sẽ hợp tác chiến lược toàn diện với VIS và đồng ý để VIS đổi tên thành OCBS. Khi điều kiện thuận lợi, OCB có thể tiến tới sở hữu chứng khoán OCBS, mang lại thêm nhiều lợi ích cho OCB và các cổ đông.
Tôn Quyên