Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo khoa học quốc tế
Cùng dự còn có lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Ngoại giao, đại diện lãnh đạo ban, bộ ngành Trung ương, các nhân chứng lịch sử, bạn bè quốc tế, các nhà khoa học trong nước và quốc tế.
Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao Việt Nam được thể hiện xuyên suốt các giai đoạn lịch sử
Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch nước Lương Cường nêu rõ mỗi quốc gia, dân tộc trên thế giới, dù lớn hay nhỏ, đều trải qua những thời khắc mang tính bước ngoặt, những ngã rẽ lịch sử quyết định vận mệnh và con đường phát triển riêng của mình.
Đối với Việt Nam, chiến thắng lịch sử 30.4.1975 giải phóng miền Nam thống nhất đất nước là một sự kiện trọng đại như vậy. Từ đây, đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất, non sông thu về một mối; dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Qua nửa thế kỷ, ý nghĩa lịch sử và những bài học sâu sắc từ chiến thắng 30.4.1975 đối với ngoại giao Việt Nam trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc thân yêu vẫn còn vẹn nguyên giá trị, mang cả tính chất dân tộc và thời đại.
Chủ tịch nước cho rằng, nhìn lại lịch sử cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành độc lập, thống nhất đất nước của Nhân dân Việt Nam, chúng ta càng có điều kiện nhận thức rõ ràng hơn về vai trò rất quan trọng của ngoại giao. Sau 9 năm kể từ ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khai sinh (2.9.1945),
Việt Nam - một nước nhỏ, lạc hậu và bị tàn phá nặng nề bởi chiến tranh, lại phải bước vào một cuộc đấu tranh đầy gian khổ và khó khăn. Một lần nữa, sức mạnh vô song của dân tộc Việt Nam lại được vận dụng và tỏa sáng nhờ truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí quật cường, quyết tâm sắt đá vì độc lập, tự do của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Trong cuộc đấu tranh không cân sức với đối phương mạnh hơn nhiều lần, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã sớm xác định rõ, cần kết hợp chặt chẽ các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao.
Chủ tịch nước nhấn mạnh tầm nhìn và tư duy của Đảng Cộng sản Việt Nam về đối ngoại đã được đưa ra đúng thời điểm, rất phù hợp với bối cảnh quốc tế khi đó, đặc biệt, sự nổi lên của các “dòng thác cách mạng”, nhất là phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, phong trào công nhân quốc tế, cùng sự ủng hộ của nhân dân tiến bộ trên thế giới là những điều kiện thuận lợi căn bản giúp ngoại giao Việt Nam kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao Việt Nam được thể hiện xuyên suốt các giai đoạn lịch sử, từ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước đến xây dựng và phát triển đất nước trong thời bình.
Trước hết, ngoại giao đã huy động được sự ủng hộ to lớn cả vật chất và tinh thần từ các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ, tạo nên phong trào quốc tế rộng lớn chưa từng có ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Nhân dân Việt Nam. Cùng với đồng bào trong nước, kiều bào Việt Nam ở nước ngoài cũng nêu cao tinh thần yêu nước, tham gia kháng chiến theo nhiều hình thức khác nhau. Nhiều trí thức và kiều bào đã tình nguyện hồi hương, đem hết kiến thức và tài sản tích lũy góp phần cứu nước. Trong lịch sử thế kỷ 20, hiếm có cuộc đấu tranh của dân tộc nào quy tụ được sự ủng hộ rộng khắp và mạnh mẽ cả ở trong và ngoài nước đến vậy.
Hai là, ngoại giao đã phối hợp nhuần nhuyễn, chặt chẽ với các mặt trận quân sự và chính trị, mở ra cục diện “vừa đánh, vừa đàm”, qua đó giành thắng lợi từng bước, tạo tiền đề đưa sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước đi đến toàn thắng.
Ba là, ngoại giao đã góp phần quan trọng trong tái thiết đất nước, triển khai thắng lợi đường lối đối ngoại thời kỳ Đổi mới, mở ra cục diện đối ngoại thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong 40 năm Đổi mới, ngoại giao đã có nhiều đóng góp thiết thực vào những thành tựu có ý nghĩa lịch sử của cả dân tộc. Từ một nền kinh tế lạc hậu, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, nay Việt Nam nằm trong tốp 35 nền kinh tế hàng đầu về quy mô GDP, tốp 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Từ một nước bị bao vây, cô lập, Việt Nam nay đã có quan hệ ngoại giao với 194 nước, thiết lập được mạng lưới 34 nước có quan hệ đối tác toàn diện trở lên, trong đó có đầy đủ các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, toàn bộ các thành viên G7, 18/20 nền kinh tế G20, tất cả các nước ASEAN.
Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh nếu như trong thời chiến, nhiệm vụ hàng đầu của công tác đối ngoại là đóng góp hết sức mình vào cuộc đấu tranh chung của toàn dân tộc, thì trong thời bình, đối ngoại tham gia đi đầu trong kiến tạo hòa bình, bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, mở rộng không gian phát triển của đất nước và gắn kết quan hệ hữu nghị bền chặt, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi giữa Việt Nam và các quốc gia, đối tác quốc tế.
Chủ tịch nước Lương Cường chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu dự Hội thảo
“Nhiều bài học quý báu”
Theo Chủ tịch nước Lương Cường, nửa thế kỷ đã trôi qua, song cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của Nhân dân Việt Nam vẫn để lại cho ngoại giao nhiều bài học quý báu.
Đối với Việt Nam, đó là những bài học về vận dụng sáng tạo tư tưởng và phong cách ngoại giao Hồ Chí Minh; nêu cao tinh thần độc lập tự chủ, tự lực tự cường; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về bám sát phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến”, luôn kiên định về mục tiêu chiến lược là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, song rất linh hoạt về sách lược; bài học về coi trọng sự phối chặt chẽ giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh, kinh tế và các lĩnh vực trọng yếu khác trong bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.
Đối với bạn bè quốc tế, chiến thắng lịch sử 30.4.1975 và sự hồi sinh mạnh mẽ sau chiến tranh của Việt Nam chính là hình mẫu điển hình về hòa bình, tái thiết, phát triển; về tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, về văn hóa hòa bình, bao dung và nhân văn.
Trong thắng lợi vinh quang và những thành tựu Đổi mới to lớn của dân tộc Việt Nam, không thể thiếu sự ủng hộ, đồng hành và hỗ trợ của bạn bè khắp năm châu.
“Nhân dịp này, thay mặt lãnh Đảng, Nhà nước Việt Nam, tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có cả người dân Mỹ đã sát cánh cùng Nhân dân Việt Nam đấu tranh vì hòa bình, lẽ phải và chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Thay mặt lãnh Đảng, Nhà nước, tôi xin gửi lời tri ân đến những cống hiến to lớn, không mệt mỏi của các bậc lão thành cách mạng và chứng nhân lịch sử cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay”, Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại Hội thảo khoa học quốc tế “50 năm thống nhất đất nước: Vai trò kiến tạo hòa bình của ngoại giao trong lịch sử và hiện tại.”
Chủ tịch nước nhấn mạnh thế giới đang chứng kiến nhiều thay đổi bước ngoặt, có tính lịch sử. Môi trường kinh tế, chính trị - an ninh quốc tế đang diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Xung đột, chiến tranh quy mô lớn vẫn đang xảy ra ở nhiều nơi, gây ra nhiều tổn thất to lớn cho người dân. Giữ vững hòa bình, đẩy lùi và ngăn ngừa chiến tranh, xung đột trở thành đòi hỏi cấp bách của thời đại.
Việt Nam nhận thức sâu sắc rằng tương lai, vận mệnh của đất nước gắn liền với hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và toàn thế giới. Bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại; nhất quán chính sách quốc phòng “4 không”. Việt Nam luôn sẵn sàng đóng góp tích cực và chủ động vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu và nền văn minh nhân loại.
"Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc là một sự kiện chính trị trọng đại của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi vinh quang và vẻ vang của dân tộc Việt Nam cũng là thắng lợi chung của nhân dân tiến bộ trên thế giới; của khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất. Năm tháng dù trôi qua, tính thời đại và thời sự sâu sắc của “câu chuyện Việt Nam” vẫn vẹn nguyên, tỏa sáng những giá trị cao đẹp của hành trình tìm kiếm hòa bình bền vững, đối thoại, hàn gắn vết thương chiến tranh, hòa hợp dân tộc, tái thiết và phát triển", Chủ tịch nước Lương Cường nói.
HỒNG NHUNG