Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Bộ Ngoại giao.
Cùng dự buổi làm việc có các đồng chí Lê Hoài Trung, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Lê Khánh Hải, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Hoàng Đăng Quang, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương; lãnh đạo ban, bộ, ngành.
Tại buổi làm việc, báo cáo với Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, công tác đối ngoại đã được triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, sáng tạo, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tạo dựng cục diện đối ngoại thuận lợi, rộng mở chưa từng có.
Trước khởi điểm lịch sử mới của dân tộc, ngành ngoại giao đang đứng trước nhiệm vụ chiến lược là củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi hiện có, đặt Việt Nam vào vị thế thuận lợi, phục vụ đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đồng thời, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp, nhất là việc sắp xếp tổ chức, bộ máy các cơ quan làm công tác đối ngoại theo tinh thần Nghị quyết 18 Khóa XII.
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu ý kiến chỉ đạo tại buổi làm việc.
Báo cáo của đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao cho biết, trong bối cảnh cục diện thế giới vận động nhanh theo hướng đa cực, đa trung tâm, đa tầng nấc, đi liền với những biến động phức tạp, đa chiều nhất, chưa từng có tiền lệ sau Chiến tranh Lạnh, công tác đối ngoại đã nỗ lực góp phần thực hiện các nhiệm vụ chiến lược mà Nghị quyết Đại hội XIII đề ra, trong đó có các mục tiêu phát triển 2030 và 2045.
Trên cơ sở bám sát đường lối Đại hội XIII, công tác đối ngoại đã đạt được những kết quả nổi bật gồm: Tích cực thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối đối ngoại; thực hiện tốt nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình, từ sớm, từ xa; triển khai hiệu quả nhiệm vụ trung tâm là phục vụ phát triển; không ngừng nâng cao vị thế và uy tín của đất nước, tiếp tục đưa quan hệ với các đối tác ưu tiên, chủ chốt đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững, tăng cường đóng góp cho duy trì hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới, nâng tầm đối ngoại đa phương, phát huy vai trò thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế; tiếp tục triển khai hiệu quả, toàn diện các mảng công tác đối ngoại khác gồm công tác người Việt Nam ở nước ngoài, lãnh sự và bảo hộ công dân, công tác thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa và ngoại vụ địa phương.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại buổi làm việc.
Về công tác xây dựng, phát triển ngành ngoại giao theo hướng toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp, Bộ Ngoại giao đang tích cực kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và sắp xếp bộ máy của Bộ để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới, theo hướng “tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”; hoàn thiện Chiến lược xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao trình Chính phủ phê duyệt.
Tham gia ý kiến tại buổi làm việc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang đánh giá cao triển khai công tác của Bộ Ngoại giao thời gian qua, cho rằng trong thành tựu chung về đối ngoại của đất nước có đóng góp quan trọng của ngành ngoại giao.
Các đại biểu tham dự bày tỏ đồng tình với những đánh giá, nhận xét, kiến nghị của Bộ Ngoại giao, đồng thời đóng góp thêm một số ý kiến đối với công tác chính trị chuyên môn và công tác xây dựng ngành, cũng như công tác phối hợp triển khai thực hiện các nhiệm vụ đối ngoại.
Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung phát biểu ý kiến
Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Lương Cường đánh giá cao và biểu dương những thành tựu của công tác đối ngoại, của ngành ngoại giao đối với sự nghiệp cách mạng, bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước; khẳng định kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến rất phức tạp, nhiều thách thức, đối ngoại, ngoại giao đã đạt nhiều thành tựu rất quan trọng, ý nghĩa lịch sử, đóng góp vào thành tựu chung của đất nước. Trong đó, quan trọng nhất là ngoại giao đã phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong trong việc tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ.
Công tác đối ngoại đã không ngừng củng cố thế và lực của đất nước, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng, khu vực, các nước bạn bè truyền thống, các đối tác; nâng cao vai trò, vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Nhất trí với các đề xuất, kiến nghị của Bộ Ngoại giao trên các khía cạnh mục tiêu, quan điểm, phương châm và các nhóm giải pháp, Chủ tịch nước nhấn mạnh nguyên tắc “dĩ bất biến ứng vạn biến”, kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, kiên định về mục tiêu chiến lược, linh hoạt về sách lược, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia-dân tộc. Trên cơ sở thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, công tác đối ngoại phải thực hiện nhiệm vụ hàng đầu là góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ các nguồn lực và điều kiện thuận lợi bên ngoài để phát triển đất nước.
Toàn cảnh buổi làm việc
Nhắc lại chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước khẳng định cùng với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đẩy mạnh đối ngoại là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên; các lực lượng quốc phòng-an ninh-đối ngoại cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, từ khi nước còn chưa nguy, xác định đây là ưu tiên của ưu tiên; công tác đối ngoại cần làm tốt công tác nghiên cứu, tham mưu, dự báo, các nhiệm vụ đã làm tốt rồi cần làm tốt hơn nữa.
Chủ tịch nước nhấn mạnh ngành ngoại giao có vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, đặt nền móng và là Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên. Năm 2025 sẽ là dấu mốc rất quan trọng, ngành ngoại giao cần có các hoạt động thiết thực, ý nghĩa kỷ niệm 80 năm ngày thành lập ngành, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ Bộ Ngoại giao đồng thời cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho đại hội đảng các cấp, hướng tới Đại hội Đảng lần thứ XIV.
Đánh giá công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành ngoại giao thời gian qua đã phát huy truyền thống, thế mạnh đặc thù và có nhiều cải tiến song cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, Chủ tịch nước cũng yêu cầu cần làm tốt công tác tổ chức, sắp xếp bộ máy, đào tạo, đánh giá cán bộ theo tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW, gắn kết chặt chẽ công tác tư tưởng, tổ chức và chính sách, xác định công tác cán bộ là then chốt của then chốt, để đội ngũ cán bộ đối ngoại xứng đáng là đội quân tiên phong trong kiến tạo hòa bình, thu hút nguồn lực và điều kiện bên ngoài để phát triển đất nước.
Xuân Kỳ-Thủy Nguyên