Tại đây, Chủ tịch nước Lương Cường chào mừng Nhà vua Bỉ Philippe cùng Đoàn đại biểu cấp cao Vương quốc Bỉ lần đầu tiên thăm cấp Nhà nước Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973.
Chủ tịch nước Lương Cường và Nhà vua Philippe (Ảnh: VGP/Nhật Bắc).
Chủ tịch nước khẳng định chuyến thăm là dấu mốc lịch sử quan trọng, mở ra một trang mới cho quan hệ hữu nghị hai nước.
Về phần mình, Nhà vua Bỉ khẳng định coi trọng vai trò, vị thế của Việt Nam ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và mong muốn cùng Việt Nam tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và tiềm năng.
Tại cuộc hội kiến, hai nhà Lãnh đạo đã trao đổi và nhất trí các phương hướng hợp tác lớn giữa hai nước.
Về kinh tế, thương mại, một trụ cột quan trọng trong quan hệ Việt Nam - Bỉ, hai bên nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
Chủ tịch nước Lương Cường đề nghị Bỉ sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA), nhằm thúc đẩy quan hệ đầu tư bình đẳng, cùng có lợi giữa doanh nghiệp hai nước.
Ông đề nghị các doanh nghiệp Bỉ đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam, nhất là trong các lĩnh vực Bỉ có thế mạnh như công nghệ cao, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, hạ tầng chiến lược.
Chủ tịch nước cũng đề nghị Bỉ có tiếng nói để Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU với xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.
Nhà vua Bỉ Philippe mong muốn các doanh nghiệp Bỉ trong các lĩnh vực xử lý nước thải, năng lượng, khai thác khoáng sản quý hiếm… được tham gia vào các hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Hai bên nhấn mạnh tầm quan trọng của việc triển khai khuôn khổ Đối tác chiến lược về nông nghiệp thông qua phát triển mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh...
Chủ tịch nước Lương Cường cảm ơn Bỉ đã dành sự quan tâm cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống, làm ăn, học tập tại Bỉ và đề nghị chính quyền các cấp của Bỉ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam hội nhập thành công vào sở tại, đóng góp cho sự phát triển của Bỉ và làm cầu nối quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước.
Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thượng tôn pháp luật quốc tế
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh giải quyết các tranh chấp trong vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không tại các khu vực và trên thế giới, vì hợp tác và thịnh vượng chung toàn cầu.
Sau cuộc hội kiến, hai nhà lãnh đạo chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác trong các lĩnh vực văn hóa, thương mại, biến đổi khí hậu, hỗ trợ nạn nhân chất độc màu da cam.
Trang Trần