Chủ tịch nước: Sắp xếp lại bộ máy, mọi cấp, mọi ngành, mọi người trong hệ thống chính trị đều phải cố gắng

Chủ tịch nước: Sắp xếp lại bộ máy, mọi cấp, mọi ngành, mọi người trong hệ thống chính trị đều phải cố gắng
3 giờ trướcBài gốc
Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường thảo luận tại tổ
Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng 12/2, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Thảo luận tại tổ Thành phố Hồ Chí Minh, sáng 12/2, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh: Nhiệm kỳ này là một nhiệm kỳ đặc biệt, Quốc hội họp bất thường nhiều nhất để kịp thời giải quyết, xử lý các vấn đề vướng và khó, khơi thông nguồn lực để đưa đất nước phát triển. Chủ tịch nước cho rằng, Nghị quyết 18 đã được ban hanh qua 8 năm và đã có sơ kết, nhưng kết quả tinh gọn tổ chức bộ máy chưa thực hiện được như mong muốn. Lần này, với quyết tâm chính trị rất cao, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã họp và báo cáo Trung ương, làm sao đích của tinh gọn phải hiệu lực, hiệu quả. "Tổ chức lại, làm gì thì làm nhưng bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ".
Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh: Qua rà soát việc thực hiện Nghị quyết 18, có tới 5.000 văn bản quy phạm pháp luật bị vướng, trong đó có 200 luật cần sửa đổi bổ sung; trong đó quan trọng nhất cần tập trung là 4 dự thảo luật được Quốc hội xem xét tại kỳ họp này gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Ngoài ra, có 5 Nghị quyết liên quan đến triển khai Nghị quyết 18 được Quốc hội xem xét, sửa đổi lần này. Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã họp rất nhiều phiên với thống nhất cao "nhiều vấn đề nhưng để quyết tâm thực hiện thì mọi cấp, mọi ngành, mọi người trong toàn bộ hệ thống chính trị đều phải cố gắng".
Toàn cảnh phiên thảo luận tại tổ Thành phố Hồ Chí Minh
Đặc biệt, Chủ tịch nước nhấn mạnh tới tầm quan trọng của 3 đột phá là "Thể chế, Nhân lực và Hạ tầng". Trong đó vấn đề nhiều điểm nghẽn chính là "Thể chế" - "quan điểm là chỗ nào vướng, khó mà chúng ta làm được thì phải cố gắng làm" - Chủ tịch nước khẳng định.
Thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, các đại biểu tán thành việc xác định phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật. Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy nhà nước, các đại biểu cho rằng, trong lần sửa đổi này cần tập trung chủ yếu vào các quy định về cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; về phân định thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với thẩm quyền của Chính phủ; đồng thời, kết hợp sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội mà qua tổng kết thực tiễn hoạt động có phát sinh vướng mắc, bất cập.
Phần lớn các đại biểu Quốc hội bày tỏ đồng tình với việc sửa đổi các dự thảo luật tại kỳ họp bất thường lần này - các dự án luật có tính nền tảng để thực hiện sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy. Đặc biệt, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), rút ngắn thời gian xây dựng pháp luật là vấn đề hết sức quan trọng, bảo đảm sự linh hoạt của các cơ quan điều hành, của các cơ quan hành pháp và thậm chí có cả Quốc hội trong việc xem xét các vấn đề thuộc thẩm quyền, đáp ứng được một cách tốt hơn, nhanh hơn các yêu cầu đặt ra đối với phát triển đất nước. Đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội) cho rằng, Luật lần này chủ yếu tập trung quy định kỹ quy trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mà không đi sâu vào các quy trình, thủ tục của cơ quan cấp dưới.
PVH
Nguồn Phụ Nữ VN : https://phunuvietnam.vn/chu-tich-nuoc-sap-xep-lai-bo-may-moi-cap-moi-nganh-moi-nguoi-trong-he-thong-chinh-tri-deu-phai-co-gang-20250212145338615.htm