Chủ tịch Phan Văn Mãi: Phải tuyển được người giỏi cho khu vực công

Chủ tịch Phan Văn Mãi: Phải tuyển được người giỏi cho khu vực công
5 giờ trướcBài gốc
Sáng 16-1, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã tham dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai chương trình công tác năm 2025 của Sở Nội vụ.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị ngành nội vụ tập trung cao độ các nhiệm vụ trong năm 2025.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: HÀ THƯ
Xây dựng bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả
Đối với việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị ngành nội vụ phải theo dõi, cập nhật chỉ đạo của Trung ương, thường xuyên nắm bắt và đề xuất tham mưu hàng ngày, hàng giờ. Qua đó, để việc tinh gọn bộ máy không chỉ là thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế mà phải xây dựng bộ máy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.
“Không đơn giản là hợp nhất Sở LĐ-TB&XH với Sở Nội vụ hay Sở Tài chính với Sở KH&ĐT,… mà phải sắp xếp thế nào cho hợp lý” – ông Mãi nói và đề nghị Sở Nội vụ không chỉ là cơ quan thường trực tham mưu nội dung này mà còn là cơ quan thuộc diện sắp xếp nên cần làm chủ đề án của chính mình.
Bên cạnh việc sắp xếp cơ quan hành chính, cơ quan chuyên môn, Chủ tịch Phan Văn Mãi cũng lưu ý việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức khác. Theo ông, việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập TP có hơi chậm, cần khẩn trương, quyết liệt hơn nữa.
“Khi sắp xếp các cơ quan hành chính, có rất nhiều việc phải chuyển ra dịch vụ công hay là chuyển cho đơn vị sự nghiệp. Kể cả báo chí, hội chữ thập đỏ cũng gửi rất nhiều tâm tư nhưng tổ chức thế nào để vừa thực hiện chủ trương chung, vừa đảm bảo được đặc thù của TP, của ngành” – ông Mãi nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Phan Văn Mãi, sắp xếp tinh gọn bộ máy không phải thực hiện cơ học mà phải tái cơ cấu chức năng, nhiệm vụ. “Nhà nước nắm chính cái gì, cái gì chuyển cho dịch vụ công và cái gì chuyển sang nền kinh tế vận hành” – ông nói và cho biết từ đó mới xây dựng tổ chức bộ máy, bao nhiêu phòng, ban. Sau đó, tập trung quy trình, phương pháp công vụ để giải quyết các nhiệm vụ; xây dựng vị trí việc làm, biên chế.
“Đây là cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, chứ nếu nhập hai sở với nhau thì không phải cuộc cách mạng mà nó chỉ là động tác thôi” – ông nói thêm và nhấn mạnh sau sắp xếp, hoạt động của bộ máy phải liên tục, thông suốt, không có điểm dừng, không có chỗ nào tắc lại và hoạt động phải tốt hơn trước khi sắp xếp.
Cũng trong quá trình sắp xếp bộ máy, Chủ tịch TP.HCM gợi ý xây dựng đề án thí điểm về khoán biên chế và quỹ lương.
Lãnh đạo Sở Nội vụ TP.HCM được nhận kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn thư, lưu trữ. Ảnh: HÀ THƯ
Lẽ sống là phục vụ nhân dân mới làm công chức
Về xây dựng đội ngũ cán bộ chính quyền, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định cần tuyển dụng được người giỏi, tâm huyết, muốn phụng sự, đóng góp cho nền hành chính công.
“Chúng ta vào tập đoàn, doanh nghiệp có thể muốn làm chỗ này, chỗ kia, thích làm chỗ nào thì vào, lương cao thì làm. Nhưng đã vào nền hành chính rồi thì phải là phụng sự. Làm công chức chỉ có lương 20-30 triệu đồng/tháng, chứ không thể 50-70 triệu đồng nhưng lương đủ để chi những nhu cầu cơ bản. Đã làm công chức thì phải chấp nhận chuyện đó” – ông chia sẻ và cho rằng mục tiêu của TP là đảm bảo thu nhập cho công chức đủ sống.
Ông Mãi nói tiếp: Lẽ sống là phục vụ nhân dân thì mới làm công chức, viên chức, còn nếu như có lẽ sống khác thì chọn công việc khác.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho rằng, trong quá trình phát triển công chức, viên chức phải làm cho họ nhận thức được điều này. Đồng thời, triển khai kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn hàng năm cho công chức, viên chức theo chức danh.
“Tôi có mong muốn là hàng tuần được cho công chức nghỉ để đi tập huấn, vừa nghỉ ngơi nhưng cũng vừa cập nhật điểm mới” – ông nói và định hướng có thể chưa làm ngay cho tất cả công chức với hơn 10.000 người nhưng có thể tổ chức cho lãnh đạo TP, cấp trưởng, phó ngành, lãnh đạo quận. Thậm chí có một nửa thời gian học trong nước, một nửa thời gian nghiên cứu ở nước ngoài.
Đáng chú ý, người đứng đầu chính quyền TP.HCM đề nghị Sở Nội vụ chuẩn bị tổng kết Nghị quyết 131/2020 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM và Nghị quyết 1111/2020 về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM. Ông đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết do Bí thư Thành ủy hoặc Chủ tịch UBND TP.HCM làm trưởng ban với thành phần có nhiều chuyên gia, lãnh đạo.
Qua đó, cố gắng đến cuối năm 2025 trình Quốc hội tổng kết hai nghị quyết này, để ban hành một nghị quyết mới đủ mạnh, đủ lớn hoặc đề xuất làm một luật mới.
Tăng cường kỷ cương hành chính
Đối với đề án nền công vụ TP.HCM, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đề nghị phải rà soát lại quy trình hành chính công vụ, phân tích kĩ công thức 1-3-7 và thực hiện thành nền nếp, có kết quả chứ không chỉ nói vui, khẩu hiệu.
Với hồ sơ người dân gửi lên, cơ quan thanh tra cần kiểm tra xem các cơ quan có nhận trong một ngày không, có xử lý trong 3-7 ngày không.
“Nếu phải mất 7-10 ngày mới làm được thì cần mở ngoặc, trừ trường hợp này ra, chứ không thể nói chung chung” – ông Mãi đề nghị và khẳng định đây là kỷ cương hành chính, phải được quán triệt và thực hiện nghiêm ở từng cơ quan. Ông đề nghị Thanh tra ngành Nội vụ phải tập trung, không phải để “trị” ai mà để phát hiện, hướng dẫn, chấn chỉnh đề làm cho tốt.
Ngoài ra, công tác phối hợp xử lý giữa các cơ quan cũng theo công thức 1-3-7 này. Làm sao để khi nhận được đề nghị từ sở, ngành nào thì phải phân công ngay phòng ban, chuyên viên tham mưu việc trong một ngày; ba ngày sau đó phải trả lời nếu những vấn đề đã rõ và trong 7 ngày nếu cần nghiên cứu thêm.
Về phân cấp, phân quyền, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu từng sở, ngành cần biết mình nên phân cấp cái gì và từng quận, huyện nên biết mình nhận cái gì. Qua đó, rà soát, đề xuất với tinh thần một việc do một cơ quan, một người giải quyết, tức một người có thể giải quyết nhiều việc nhưng một việc phải một đầu mối và đầu mối phải làm tốt nhất.
LÊ THOA
Nguồn PLO : https://plo.vn/chu-tich-phan-van-mai-phai-tuyen-duoc-nguoi-gioi-cho-khu-vuc-cong-post830385.html