Chủ tịch Phan Văn Mãi: TP.HCM tri ân, tôn vinh hàng chục ngàn người hoạt động khu phố

Chủ tịch Phan Văn Mãi: TP.HCM tri ân, tôn vinh hàng chục ngàn người hoạt động khu phố
3 giờ trướcBài gốc
Sáng 11-1, UBND TP.HCM tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân TP giai đoạn 1975 - 2025 và gặp gỡ lãnh đạo phường thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính theo Nghị quyết 1278/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tại hội nghị, các đại biểu có dịp được lắng nghe câu chuyện của người hoạt động khu phố, ấp – những người đã cống hiến hơn nửa đời mình cho công tác ở địa phương.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 33 người hoạt động ở khu phố, ấp. Ảnh: HÀ THƯ
Còn sức khỏe là còn làm
Bà Phan Thị Ba, 70 tuổi, Bí thư Chi bộ khu phố 17 (phường 2, quận Bình Thạnh), trong 38 năm hoạt động ở khu phố, bà xác định công tác tiếp xúc với người dân là một phần trong cuộc sống của bà.
Trong gần bốn thập kỷ ấy, không phải lúc nào công việc cũng thuận lợi, mọi điều vui vẻ, sức khỏe dồi dào mà có khi bà cũng có nỗi buồn của mình, sức khỏe cũng yếu đi. Tuy nhiên, có những động lực nâng đỡ tinh thần để bà Ba kiên trì làm việc, đó là sự gần gũi tiếp xúc với người dân dân, nhận được sự tin yêu của dân và chính bản thân bà hiểu rằng việc mình làm đang mang lại lợi ích cho người dân.
Bà Phan Thị Ba, 70 tuổi, Bí thư Chi bộ khu phố 17 (phường 2, quận Bình Thạnh), kể về 38 năm "làm nghề" của mình. Ảnh: HÀ THƯ
“Vui nhất là khi nhận được sự tin yêu, tin tưởng của người dân. Đi đến đâu ai cũng gọi ‘cô Ba ơi, chị Ba ơi’, đó là động lực tiếp sức, nung nấu tinh thần cho tôi”- bà Ba chia sẻ.
Bà Phan Thị Ba cũng tin tưởng việc sắp xếp khu phố, ấp sẽ giúp tinh gọn bộ máy và hệ thống chính trị dưới khu phố.
“Thay vì phải kiến nghị từ tổ dân phố thì nay có thể đi từ khu phố lên cấp chính quyền, giảm đi một bước, tức là mang lại lợi ích cho người dân nhanh hơn một bước”- bà Ba khẳng định.
Bà Phương Thục Phân, 71 tuổi, Phó Bí thư chi bộ khu phố 4 (phường 10, quận 5), đã có 35 năm công tác ở khu phố. “Được người dân yêu thương chính là niềm vui lớn nhất, giúp tôi không bao giờ nản lòng” – bà Vân nói và cho biết với địa bàn đa phần là người Hoa, bà chính là người phiên dịch bà con hiểu, thông suốt hơn các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Thể, 68 tuổi, Bí thư chi bộ ấp Đông Lân 7 (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn), khẳng định còn sức khỏe sẽ còn làm. Ảnh: HÀ THƯ
Ông Nguyễn Văn Thể, 68 tuổi, Bí thư Chi bộ ấp Đông Lân 7 (xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn), có đến gần 50 năm công tác ở ấp.
“Điều tôi tự tin nhất trong suốt 50 năm qua chính là sự tin tưởng, yêu quý của người dân dành cho tôi. Điều này đã tạo thuận lợi để tôi thực hiện nhiệm vụ của mình” – ông Thể nói.
Theo ông, qua hơn 9 tháng đi vào hoạt động ấp mới, người dân được tiếp cận thông tin nhanh chóng, công tác dân vận hiệu quả. “Nói tôi không lo lắng là không đúng vì đây là mô hình hình mới mẻ sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Người làm công tác dân vận ở khu dân cư vẫn lo gì không còn tổ nhân dân nhưng cũng, vì vậy mà chúng tôi càng phải hoạt động tích cực hơn, nhiệt tình hơn, khát vọng hơn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình” – ông Thể chia sẻ.
Bà Phương Thục Phân, 71 tuổi, Phó Bí thư chi bộ khu phố 4 (phường 10, quận 5), được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Ảnh: HÀ THƯ
Với tinh thần bền bỉ ấy, ông Thể đã đóng góp công sức của mình giúp xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn trở thành xã nông thôn mới đầu tiên của TP. Đến nay xã Bà Điểm không còn đoạn đường lầy lội sình bùn, không còn nhà lụp xụp…
Tại hội nghị, UBND TP.HCM đã trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 33 người hoạt động khu phố, ấp; trao bằng khen của UBND TP cho đại diện 2.750 cá nhân hoạt động từ 30 năm trở lên và trao Thư khen của Chủ tịch UBND TP.HCM, quà tri ân cho đại diện 57.643 cá nhân tham gia hoạt động khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân.
Trước đó, UBND TP.HCM cũng chỉ đạo UBND TP Thủ Đức, quận, huyện tặng giấy khen đối với 22.270 cá nhân tham gia từ 10 đến 30 năm; UBND phường, xã, thị trấn trao giấy khen đối với 32.590 cá nhân tham gia dưới 10 năm.
Không thể kể hết...
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi trân trọng ghi nhận, tôn vinh, tri ân hàng chục ngàn cán bộ tổ dân phố, tổ nhân dân, khu phố, ấp, trong suốt gần 50 năm qua đã góp công sức, tình cảm giúp TP.HCM vươn mình phát triển.
Ông Mãi khẳng định gần nửa thế kỷ qua, các tổ dân phố, tổ nhân dân, khu phố, ấp đã phát huy tốt nhiệm vụ, giúp quản lý địa phương ổn định và góp phần quan trọng vào sự phát triển của TP.HCM.
“Không thể nào kể hết sự đóng góp, tâm huyết, tình cảm của các cô, chú, anh, chị. Lãnh đạo TP.HCM trân trọng ghi nhận sự đóng góp này, trân trọng cảm ơn và mong mọi người sẽ tiếp tục giữ tâm huyết, tình cảm và đóng góp cho địa phương để cùng xây dựng TP phát triển, văn minh, nghĩa tình hơn”- ông Mãi gửi gắm.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tri ân, tôn vinh gần 60.000 người hoạt động khu phố, ấp. Ảnh: HÀ THƯ
Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị các địa phương tiếp tục chăm lo cho các cô, chú, anh, chị tham gia vào hoạt động khu phố, ấp sau khi sắp xếp. Ông cũng đề nghị các quận, huyện, TP Thủ Đức chỉ đạo xã, phường, thị trấn sắp xếp để có trụ sở chính thức hoặc điểm sinh hoạt cho khu phố, ấp.
Nhắc về nền tảng ứng dụng số cho hoạt động của khu phố, ấp mới, người đứng đầu chính quyền TP.HCM, cho biết đây là việc TP.HCM còn "nợ" các khu phố, ấp. Ông yêu cầu Sở TT&TT, Trung tâm Chuyển đổi số khẩn trương hoàn thiện và sớm ứng dụng nền tảng số này.
“Việc tổ chức lại khu phố, ấp không phải như vậy đã xong mà con người còn đây, hoạt động còn đây, những việc cần làm phải tiếp tục. Mong các cô chú sẽ góp ý để làm sao cùng vận hành khu, phố ấp thật tốt”- ông Mãi nói.
Đưa công chức về khu phố, ấp
Theo báo cáo tổng kết hoạt động khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 1975-2025, trước ngày 1-4-2024, TP.HCM có 2.008 khu phố, ấp; 25.369 tổ dân phố, tổ nhân dân với số lượng hơn 64.000 nhân sự. Sau khi sắp xếp, TP.HCM có 4.861 khu phố, ấp.
UBND TP.HCM đánh giá các quận, huyện, TP Thủ Đức đã bám sát chỉ đạo của TP, đảm bảo công tác sắp xếp khu phố, ấp được triển khai đồng bộ, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế và tạo sự đồng thuận của người dân.
Những hình ảnh trong suốt chặng đường hoạt động khu phố, ấp được ghi lại. Ảnh: HÀ THƯ
Đáng chú ý, TP.HCM đã phân công công chức, người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn về tham gia sinh hoạt tại chi bộ khu phố, ấp giúp địa phương gần dân, sát dân, trực tiếp lắng nghe ý kiến từ người dân. Qua đó, giúp chuyển tải các chủ trương, chỉ đạo của cấp trên đến người dân, khu phố được kịp thời.
Tuy nhiên, UBND TP.HCM cũng nhìn nhận việc vận động nhân sự tham gia khu phố mới gặp khó khăn vì đa số các cô chú tham gia khu phố, tổ dân phố cũ đều lớn tuổi không đảm bảo sức khỏe, có tâm lý e ngại không đảm đương nổi công việc.
Ngoài ra, chủ trương của TP sau sắp xếp không làm phát sinh trụ sở khu phố đã gây tâm tư trong đội ngũ hoạt động ở khu phố vì trụ sở khu phố còn là nơi lưu giữ truyền thống, thành tích hoạt động của các khu phố.
Việc sử dụng chung, luân phiên trụ sở sinh hoạt khu phố sẽ có khó khăn trong quản lý, sử dụng tài sản và nhu cầu tổ chức các hoạt động của khu phố. Lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở cũng cần có nơi làm việc và dự kiến sẽ sử dụng trụ sở khu phố hiện nay để bố trí.
Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng và Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM Nguyễn Thành Trung trao thư khen của Chủ tịch UBND TP.HCM và quà tri ân cho người hoạt động khu phố, ấp. Ảnh: HÀ THƯ
Thời gian tới, UBND TP.HCM chỉ đạo Trung tâm Chuyển đổi số TP khẩn trương triển khai ứng dụng trên nền tảng số áp dụng cho khu phố, ấp để đảm bảo dữ liệu dân cư được liên thông, chia sẻ.
Đồng thời, giao Sở Tài chính nghiên cứu và có hướng dẫn về nguồn kinh phí để đầu tư nâng cấp, mở rộng, sửa chữa hoặc thuê trụ sở sinh hoạt và mua sắm, đầu tư trang thiết bị đáp ứng nhu cầu làm việc ở các khu phố, ấp mới sau sắp xếp.
LÊ THOA
BẢO PHƯƠNG
Nguồn PLO : https://plo.vn/chu-tich-phan-van-mai-tphcm-tri-an-ton-vinh-hang-chuc-ngan-nguoi-hoat-dong-khu-pho-post829598.html