Chiều 3/4, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chủ trì cuộc họp báo thông tin tình hình KT – XH quý I và nhiệm vụ trọng tâm quý II/ 2025. Nhiều câu hỏi được đặt ra, trong đó đặc biệt quan tâm đến vấn đề sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, thông tin dự kiến sáp nhập tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng thông tin tại cuộc họp báo. Ảnh: Hoài Văn
Ông Lê Văn Dũng khẳng định, chủ trương sáp nhập tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng về một là chủ trương đúng đắn.
“Không gian phát triển thành phố Đà Nẵng rất chật chội, trong khi đó Quảng Nam có không gian rất rộng mở, đất rộng người thưa. Hai địa phương nhập lại có không gian phát triển rộng hơn thì đó hoàn toàn là điều đúng đắn”, ông Dũng nói.
Hiện nay về chủ trương của Trung ương có thông báo nhập đơn vị, về trung tâm hành chính, tên gọi nhưng giữa hai địa phương chưa bàn.
"Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị giao cho Quảng Nam và Đà Nẵng thành lập Ban chỉ đạo để thực hiện việc sắp xếp này. Hiện nay đang xây dựng đề án, mới dự thảo đề án thôi, hai Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thành ủy sẽ ngồi lại thảo luận, thống nhất đề án rồi mới triển khai chủ trương cụ thể hóa sáp nhậpnhư thế nào. Các vấn đề liên quan sẽ được hai Ban Thường vụ bàn luận, quyết định, vấn đề nào xin ý kiến Trung ương thì sẽ xin ý kiến, vấn đề nào hai địa phương quyết được thì sẽ quyết" - ông Dũng thông tin.
Một góc Khu kinh tế Chu Lai, Quảng Nam.
Vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng. Tại buổi làm việc này, Tổng Bí thư quán triệt chủ trương, sáp nhập là chủ trương lớn, định hướng xây dựng thành phố có tầm cỡ thế giới, không gian phát triển đi đầu trong đô thị hóa đất nước.
Sở Tài chính tỉnh Quảng Nam cho biết, quy mô nền kinh tế tỉnh quý I năm 2025 ước đạt 27,6 nghìn tỷ đồng (theo giá hiện hành), tăng 1,9 nghìn tỷ đồng (+7,4%) so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu GRDP quý I năm 2025, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 12,3%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 31,2%; khu vực dịch vụ chiếm 40,4%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 16,1%.
Tổng giá trị tăng thêm của các ngành kinh tế ước đạt 11,9 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước đạt 1,6 nghìn tỷ đồng; khu vực công nghiệp và xây dựng ước đạt 4,8 nghìn tỷ đồng; khu vực dịch vụ ước đạt 5,5 nghìn tỷ đồng.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, tình hình KT–XH Quảng Nam quý I được thực hiện trong bối cảnh nhiều thời cơ thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn. Sau cuộc họp với tỉnh, Thủ tướng Chính phủ có thông báo kết luận, trong đó những đề án lớn của Quảng Nam hầu hết được thống nhất chủ trương, và được bộ ngành Trung ương rất ủng hộ. Đây là thời cơ lớn.
Về phía tỉnh thì việc triển khai thực hiện nhiệm vụ trong không khí đoàn kết thống nhất.
Tuy nhiên, Quảng Nam xác định sẽ còn nhiều khó khăn đến từ nhiều phía nhất là từ tình hình kinh tế nói chung, chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính, cơ quan trong hệ thống chính trị, chủ trương của Trung ương sáp nhập xã, chủ trương bỏ cấp huyện, dự kiến sáp nhập tỉnh....
Hoài Văn