Kinh tế phục hồi mạnh mẽ
Chiều 4/3, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức cuộc họp công bố tình hình kinh tế - xã hội Quý I/2025.
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh Quảng Nam quý I/2025 ước đạt tăng trưởng 10,2% so với cùng kỳ năm 2024, phản ánh sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực chính.
Cụ thể, trong quý I, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng 4,1%, đóng góp 0,46 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, khu vực công nghiệp - xây dựng lại là yếu tố dẫn đầu với mức tăng trưởng 13,5%, đóng góp đến 4,28 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung.
Ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam.
Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến chế tạo đã có một bước đột phá với mức tăng 15,9%, đóng góp 3,15 điểm phần trăm, tiếp tục khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Một số ngành công nghiệp chủ lực, như sản xuất xe có động cơ, đã tăng trưởng mạnh mẽ 21,2%. Các ngành sản xuất kim loại đúc sẵn cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng 51,5%. Các chỉ số này cho thấy tiềm năng phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp tại Quảng Nam, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Lĩnh vực du lịch cũng có bước phát triển mạnh trong quý I. Tổng lượt khách tham quan và lưu trú du lịch tại Quảng Nam trong 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 2,24 triệu lượt, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế chiếm ưu thế với 1,725 triệu lượt khách. Doanh thu từ du lịch ước đạt 2.860 tỷ đồng, tăng 26% so với năm 2024, đóng góp đáng kể vào thu nhập xã hội của tỉnh, ước tính đạt 6.721 tỷ đồng.
Đặc biệt, Quảng Nam tiếp tục là điểm đến thu hút du khách quốc tế nhờ vào các di sản văn hóa, thiên nhiên hùng vĩ và các dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch.
Về mặt tài chính, tỉnh Quảng Nam đã thu ngân sách nhà nước đạt 5.412 tỷ đồng, trong đó thu nội địa chiếm phần lớn. Tỉnh cũng đã cấp mới 10 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký khoảng 623,68 tỷ đồng, cùng với 4 dự án FDI mới với tổng vốn 12,34 triệu USD.
Lũy kế đến nay, tỉnh có 1.177 dự án đầu tư trong nước còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký lên tới 230.000 tỷ đồng và 205 dự án FDI với tổng vốn đăng ký hơn 6,3 tỷ USD. Đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy nền kinh tế tỉnh Quảng Nam phát triển bền vững trong tương lai.
Đang còn nhiều thách thức
Theo ông Dũng, các lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh đều có sự phát triển rõ rệt, tạo đà thuận lợi cho mục tiêu tăng trưởng 2 con số mà tỉnh đặt ra cho năm 2025.
Mặc dù đạt được những kết quả khả quan, Chủ tịch Lê Văn Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại và hạn chế của địa phương. Cụ thể, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh vẫn còn thấp; các giải pháp xử lý cho các dự án, công trình đầu tư công và tư nhân chậm tiến độ chưa được triển khai triệt để; công tác cải cách hành chính vẫn còn nhiều vướng mắc cần được khắc phục.
Dây chuyền hàn robot tại Thaco, tỉnh Quảng Nam.
Ông dự báo tình hình thế giới sẽ còn nhiều biến động và thách thức. Đáng chú ý là việc Mỹ vừa áp thuế xuất khẩu đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Đây sẽ là khó khăn lớn không chỉ cho doanh nghiệp Việt Nam nói chung mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Nam.
Bên cạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Quảng Nam cũng đang tập trung thực hiện công tác sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện và cả cấp tỉnh. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhưng cũng tiềm ẩn không ít khó khăn trong thời gian tới.
Ông Dũng còn cho rằng, việc sáp nhập Đà Nẵng và Quảng Nam thành một đơn vị hành chính là quyết định hoàn toàn đúng. Trước đây, việc tách ra là hợp lý, nhưng hiện tại việc nhập lại là rất hợp lý. Bởi không gian phát triển của thành phố Đà Nẵng hiện nay đang khá chật hẹp, trong khi Quảng Nam lại có không gian rộng mở. Việc hai địa phương hợp nhất để tạo ra không gian phát triển mạnh mẽ hơn là một quyết định đúng đắn.
Trung ương đã thông báo chủ trương về việc sáp nhập hai tỉnh, bao gồm cả vị trí trung tâm hành chính và tên gọi. Tuy nhiên, giữa hai địa phương vẫn chưa có cuộc thảo luận cụ thể về vấn đề này.
Bộ Chính trị đã giao cho Quảng Nam và Đà Nẵng thành lập một ban chỉ đạo để triển khai công tác sắp xếp. Sau khi hoàn thiện dự thảo đề án, Ban Thường vụ của hai địa phương sẽ ngồi lại thảo luận và chỉ khi đạt được sự thống nhất, việc sáp nhập mới được triển khai cụ thể.
Trước những thách thức này, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam kêu gọi phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất cao, làm việc với tinh thần trách nhiệm và tích cực.
Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện kịch bản tăng trưởng 2 con số, đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng tại các công trình, dự án trọng điểm. Đặc biệt, Quảng Nam sẽ tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Nguyễn Duy Cường