Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu
Tọa đàm “Xây dựng và vận hành Trung tâm tài chính quốc tế - khuyến nghị cho Việt Nam” là sự kiện có ý nghĩa hết sức thiết thực trong bối cảnh Quốc hội Việt Nam vừa thông qua Nghị quyết về việc xây dựng Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam đặt tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Tham dự Tọa đàm có: Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải; Phó Thủ tướng Lê Thành Long; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng cùng các thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
Về phía Thụy Sĩ có: Trưởng Bộ phận Hỗ trợ kinh tế vĩ mô, Tổng cục Kinh tế liên bang Thụy Sĩ Jürg Vollenweider; Nghị sĩ Quốc hội bang Geneva, Tổng giám đốc Đại học khoa học ứng dụng Swiss UMEF; Trưởng Nhóm Đổi mới tài chính, Diễn đàn Kinh tế thế giới Guillaume Hingel; Thành viên Ban Quản trị cao cấp Hiệp hội Ngân hàng Thụy Sĩ Gabiel Bourqui và nhiều chuyên gia tài chính, ngân hàng của Thụy Sĩ.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao việc Bộ Tài chính và các cơ quan phối hợp tổ chức Tọa đàm Xây dựng và vận hành Trung tâm Tài chính Quốc tế - Khuyến nghị cho Việt Nam nhằm thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Thụy Sĩ; cho rằng, đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực trong khuôn khổ chuyến công tác của Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam tới Thụy Sĩ.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Trung tâm tài chính quốc tế là mô hình mới ở Việt Nam nhưng lại là mô hình đã hoạt động lâu đời tại Thụy Sĩ, nói đến Thụy Sĩ là nói đến trung tâm tài chính, ngân hàng của thế giới; mong muốn các cơ quan, chuyên gia Thụy Sĩ chia sẻ và khuyến nghị cho Việt Nam về xây dựng, quản lý, vận hành Trung tâm Tài chính quốc tế Việt Nam.
Giới thiệu một số thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam hiện nay, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau gần 40 năm Đổi mới, Việt Nam đã có nền kinh tế đứng thứ 34 trên thế giới và đang trên đà phát triển, được các các tổ chức quốc tế công nhận, đánh giá cao. Năm 2024, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7,09%, 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch, quy mô GDP đạt hơn 470 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người khoảng 4.700 USD.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Tọa đàm về Xây dựng, vận hành Trung tâm tài chính quốc tế
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết: "Kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 222 ngày 27/6/2025 về thành lập trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM và Đà Nẵng. Mục đích tọa đàm hôm nay là học tập kinh nghiệm của Thụy Sĩ về quản lý vận hành trung tâm tài chính của các bạn, rất tốt, hiệu quả; mong các bạn chia sẻ cho Việt Nam để phát triển. Việt Nam và Thụy Sĩ trong quan hệ ngoại giao có truyền thống từ lâu, hai nước đã tăng cường tin cậy chính trị và xúc tiến các hoạt động đầu tư. Tin chắc rằng, cuộc tọa đàm sẽ góp phần xây dựng, vận hành, trung tâm tài chính tại TP.HCM và Đà Nẵng với sự hỗ trợ của các bạn Thụy Sĩ, những vấn đề khuyến nghị và giải pháp sẽ được bàn bạc".
Nhấn mạnh, tiềm năng, lợi thế của hai nước vẫn còn rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sĩ và Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Liên Hợp Quốc, Tổ chức Thương mại thế giới và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan chức năng của Thụy Sĩ, các tổ chức quốc tế tại Thụy Sĩ để kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong việc thực hiện các văn kiện, hợp tác đã ký kết giữa hai nước, tạo điều kiện thuận lợi để ngày càng có nhiều hơn các nhà đầu tư Thụy Sĩ vào Việt Nam và các nhà đầu tư Việt Nam vào Thụy Sĩ đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhất là trong những lĩnh vực, ngành hàng mà mỗi nước có thế mạnh và nhu cầu.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu
Tại tọa đàm, lãnh đạo các bộ, ngành, chuyên gia hai bên đã trao đổi, đối thoại về chiến lược và khung pháp lý phát triển các Trung tâm Tài chính quốc tế của Việt Nam; các yếu tố hỗ trợ thành lập và vận hành các Trung tâm Tài chính quốc tế; kinh nghiệm của Thụy Sĩ trong thuế, chính sách và khung pháp lý phát triển trung tâm tài chính; kinh nghiệm Geneva - cái nôi của Ngân hàng Tư nhân và Trung tâm Tài chính Thương mại toàn cầu; cập nhật mô hình Ngân hàng Tư nhân truyền thống Geneva; quan điểm về Tài chính Phát triển, Ngân hàng Số, Fintech và Tài chính toàn diện; chiến lược Fintech cho Trung tâm Tài chính quốc tế.
Các đại biểu, chuyên gia Thụy Sĩ đánh giá cao việc Việt Nam quyết định xây dựng Trung tâm Tài chính toàn cầu, cho rằng, đây là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, gắn liền với xu hướng hội nhập sâu rộng của hệ thống tài chính toàn cầu. Nhiều ý kiến nhấn mạnh, Việt Nam có đủ vị thế tài chính để phát triển và xây dựng các Trung tâm tài chính quốc tế phù hợp với kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo. Việt Nam đang đi đúng hướng để có thể phát triển mạnh mẽ và mong muốn trong tương lai, hai bên sẽ tiếp tục đồng hành chặt chẽ với nhau.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cùng Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cùng các đại biểu đã chứng kiến việc trao Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Tài chính và Diễn đàn Kinh tế Thụy Sĩ - Việt Nam; Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Tài chính và Hiệp hội Fintech Thụy Sĩ; Biên bản ghi nhớ giữa VDB và Công ty Dữ liệu Thương mại Thụy Sĩ.
Lê Tuyết/VOV