Chủ tịch Quốc hội sắp tham dự IPU-150, thăm chính thức Uzbekistan và Armenia

Chủ tịch Quốc hội sắp tham dự IPU-150, thăm chính thức Uzbekistan và Armenia
2 ngày trướcBài gốc
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam và Phu nhân sẽ tham dự Đại hội đồng lần thứ 150 của Liên minh Nghị viện thế giới (IPU-150), thăm chính thức Cộng hòa Uzbekistan và Cộng hòa Armenia từ ngày 2-8/4/2025.
Chuyến thăm diễn ra theo lời mời của Chủ tịch Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Tulia Ackson và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới Martin Chungong, Chủ tịch Thượng viện Quốc hội Uzbekistan Tanzila Narbaeva, Chủ tịch Quốc hội Armenia Alen Simonyan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: TTXVN
Được thành lập vào năm 1889, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) là tổ chức quốc tế tập hợp nghị viện các quốc gia có chủ quyền. Với 181 thành viên và 15 thành viên liên kết, IPU là trung tâm của hoạt động ngoại giao Nghị viện khắp thế giới, hoạt động nhằm mục đích vì hòa bình, dân chủ hợp tác giữa các dân tộc và nghị viện các nước. Đại hội lần thứ 150 của IPU sẽ diễn ra tại Tashkent, Uzbekistan, từ ngày 5-9/4.
Kể từ khi được kết nạp làm thành viên của IPU (tháng 4/1979), Quốc hội Việt Nam là một thành viên tích cực và có trách nhiệm tại diễn đàn này. Việc tham dự các hoạt động của IPU là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong các hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương của Quốc hội, nhằm thúc đẩy và bảo vệ các lợi ích của Việt Nam; tham khảo quan điểm của các nước về các vấn đề quốc tế, thể hiện quan điểm quốc gia về các mối quan tâm chung trên toàn cầu.
Đây cũng là dịp Quốc hội tiến hành các hoạt động song phương bên lề với các đối tác ít có điều kiện triển khai hoạt động song phương chính thức, góp phần nâng cao vị thế của Quốc hội nói riêng và Việt Nam nói chung trên trường quốc tế.
Việt Nam và Uzbekistan thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992. Quan hệ giữa hai nước là quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Năm 2024, kim ngạch song phương hai nước đạt 202 triệu USD, tăng 26,5% so với năm 2023. Việt Nam chủ yếu nhập phân bón, sợi các loại, bông, nguyên phụ liệu dệt may, da giày, xuất khẩu sang Uzbekistan máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, gỗ và sản phẩm từ gỗ, hàng dệt may, cao su,…
Đầu tư của Việt Nam vào Uzbekistan tập trung vào ba lĩnh vực: thức ăn cho cá và vật nuôi; chăn nuôi thủy sản, gia súc; sản xuất tơ, nuôi tằm. Hiện nay, Việt Nam có 5 dự án đầu tư vào Uzbekistancòn hiệu lực, với số vốn đạt 4,4 triệu USD.
Việt Nam và Armenia có quan hệ hữu nghị truyền thống từ thời Liên Xô. Sau khi Liên Xô tan rã, hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1992. Quan hệ chính trị giữa hai nước tốt đẹp, hai bên phối hợp, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế.
Năm 2024, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 492 triệu USD, tăng 42% so với năm 2023. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu hơn 491 triệu USD, chủ yếu là điện thoại và linh kiện, máy vi tính và nhập khẩu 763.000 USD. Armenia có một số dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam như dự án nhà máy sản xuất linh kiện điện tử có vốn đăng ký 12,9 triệu USD tại KCN Bắc Chu Lai, Quảng Nam.
Đỗ Thảo
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/chu-tich-quoc-hoi-sap-tham-du-ipu-150-tham-chinh-thuc-uzbekistan-va-armenia-39844.html