Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tham gia phiên thảo luận tại Tổ 13 (gồm đoàn các tỉnh: Đắk Lắk, Bắc Ninh, Lào Cai và Hậu Giang).
Theo các đại biểu tại Tổ 13, chúng ta đã đi gần nửa chặng đường của năm 2025 với những biến động phức tạp. Trong bối cảnh đó, việc tốc độ tăng trưởng GDP quý I-2025 đạt 6,93% - mức cao nhất so với cùng kỳ giai đoạn 2020-2025, là kết quả hết sức tích cực. Các lĩnh vực kinh tế chính đều tăng trưởng.
Tuy vậy, một số đại biểu cũng cho rằng, để chạm mốc mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên cho cả năm, các quý còn lại buộc phải đạt bình quân khoảng 8,4% - là một thử thách lớn khi nền kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn những rủi ro về địa chính trị, tài chính, thương mại và dòng vốn đầu tư, đặc biệt là những thách thức đến từ chính sách thuế của Hoa Kỳ và tác động của chiến tranh thương mại.
Chủ tịch Quốc Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: PHẠM THẮNG
Phát biểu tại tổ, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, người dân đang mong đợi việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương cùng một số luật liên quan tới sắp xếp, tổ chức bộ máy. Giữa tháng 6-2025, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua các nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, đồng thời trình Quốc hội việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Dự kiến, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Nghị quyết sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh vào ngày 24-6. Các nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2025 và tới ngày 15-8-2025, các địa phương phải sắp xếp xong tổ chức, bộ máy.
Nhấn mạnh đây là những nội dung hết sức quan trọng, liên quan tới việc quản lý, chỉ đạo, điều hành lĩnh vực kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh tại các địa phương, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, phải bảo đảm tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025, tạo tiền đề đạt tăng trưởng hai con số giai đoạn 2026-2030.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá, 4 tháng đầu năm 2025, nổi bật nhất là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, tạo nền tảng cho tăng trưởng bền vững. Tỷ giá ổn định và lãi suất cho vay giảm, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng; dư nợ tín dụng tăng 18,44% so với cùng kỳ. Cùng với đó, xuất khẩu và nông nghiệp phát triển; ngành du lịch bứt phá với 7,67 triệu lượt khách quốc tế trong 4 tháng đầu năm. Ngoài ra, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện. Thu ngân sách 4 tháng đầu năm đạt hơn 944.000 tỷ đồng, bằng 48% dự toán; vốn đầu tư nước ngoài đến Việt Nam tăng.
Bên cạnh kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ, thời gian tới, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, căng thẳng thương mại gia tăng và các chính sách bảo hộ từ các nền kinh tế lớn, tiềm ẩn rủi ro đối với xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Điều này đòi hỏi phải linh hoạt trong các chiến lược thương mại, đàm phán quốc tế.
Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tiến độ chậm; sức mua phục hồi chậm ở một số lĩnh vực, phản ánh cầu tiêu dùng trong nước chưa thực sự mạnh mẽ. Đây là vấn đề cần tính toán trong thời gian tới.
Nêu lên các vụ buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bị bắt với số lượng lớn trong thời gian gần đây, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đã có quy định pháp luật, Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) được thành lập từ Trung ương đến địa phương nhưng tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái vẫn diễn ra. Do đó, các địa phương phải kiểm điểm nghiêm túc; tăng cường quản lý thị trường. Cơ quan chức năng phải vào cuộc quyết liệt nhằm đẩy lùi tình trạng này, lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.
Quang cảnh phiên họp tại Tổ 13. Ảnh: PHẠM THẮNG
Về giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tăng cường giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay; tăng cường xuất khẩu, mở rộng thị trường. Cùng với đó, tiếp tục cải thiện an sinh xã hội; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, bão, lũ…
“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội tiếp tục đồng hành cùng với Chính phủ, tiếp tục cải cách thể chế, pháp luật mạnh mẽ để đáp ứng yêu cầu tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Các đại biểu phát biểu tại phiên thảo luận tại Tổ 13. Ảnh: PHẠM THẮNG
Theo Chủ tịch Quốc hội, chỉ trong thời gian ngắn, hai dự thảo nghị quyết của Quốc hội nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân được xây dựng và sau đó được thông qua với tỷ lệ tán thành rất cao. Điều này cho thấy tinh thần làm việc hết sức tích cực, khẩn trương của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nghị quyết này để phấn đấu đạt tăng trưởng trên 8% trong năm 2025.
“Mục tiêu tăng trưởng được đặt ra là 8% trở lên và đã được tất cả địa phương đăng ký với Chính phủ. Từ nay đến cuối năm, phải hiện thực hóa mục tiêu này. Đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Do đó, Quốc hội, Chính phủ, địa phương phải tập trung tối đa. Mọi nội dung trình kỳ họp phải đi liền hành động, không hình thức, không trì trệ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
VŨ DUNG