Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng với nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất 10%
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, trong thời gian qua nhiều giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất nhằm giảm nghĩa vụ đóng góp của doanh nghiệp, người dân được triển khai thực hiện với giá trị hỗ trợ lớn, phạm vi hỗ trợ rộng đã góp phần vào những kết quả tích cực trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng như hoạt động của doanh nghiệp, người dân, qua đó đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực thì cũng tồn tại không ít thách thức, rủi ro có thể ảnh hưởng tới việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2025 (kế hoạch là 6,5 - 7%).
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Hồ Long
Do vậy, trên cơ sở tiếp thu kinh nghiệm thế giới và để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, cũng như cân nhắc, tính toán phù hợp với điều kiện thực tế, Chính phủ nhận thấy cần thiết tiếp tục thực hiện một số giải pháp về thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong năm 2025, tập trung vào các giải pháp được đánh giá mang lại hiệu quả cao, vừa giúp giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung. Ảnh: Hồ Long
Do đó, Chính phủ đề xuất giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hóa chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung. Ảnh: Hồ Long
Thời gian áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng 2% với các nhóm hàng hóa, dịch vụ nêu trên là từ ngày 1.1.2025 đến hết 30.6.2025.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Hồ Long
Chính phủ đề xuất ban hành Nghị quyết của Quốc hội về nội dung này, tương tự như đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 101/2023/QH15, Nghị quyết số 110/2023/QH15 và Nghị quyết số 142/2024/QH15.
Theo Tờ trình của Chính phủ, thực hiện theo phương án này nhằm thực hiện mục tiêu kích cầu tiêu dùng, phù hợp với bối cảnh kinh tế hiện nay, qua đó góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi, tăng trưởng để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế.
Có giải pháp để dự báo tình hình, phản ứng chính sách kịp thời hơn
Trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết để tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, góp phần giảm giá thành, giá bán hàng hóa, dịch vụ, từ đó có thể kích cầu tiêu dùng, duy trì việc làm cho người lao động, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp tục duy trì đà phục hồi và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh để đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước và nền kinh tế.
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban thống nhất với đề xuất tiếp tục cho phép áp dụng chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng với hình thức và phạm vi như nội dung thể hiện tại Nghị quyết số 142/2024/QH15 của Quốc hội. Thời hạn áp dụng chính sách từ ngày 1.1.2025 đến hết 30.6.2025.
Đồng thời, giao Chính phủ tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm bảo đảm nhiệm vụ thu và khả năng cân đối ngân sách trong phạm vi bội chi ngân sách nhà nước năm 2025 đã được Quốc hội quyết định.
Về phạm vi áp dụng, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý, việc ban hành và thực thi chính sách theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội đã gặp những khó khăn, vướng mắc nhất định do việc loại trừ, không giảm thuế đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra sơ bộ. Ảnh: Hồ Long
Đồng thời, trong quá trình thẩm tra đề xuất ban hành chính sách của Chính phủ theo Tờ trình số 300/TTr-CP ngày 8.6.2024 của Chính phủ (ban hành chính sách để áp dụng từ ngày 1.7.2024 đến hết 31.12.2024), Thường trực Ủy ban đã đề nghị Chính phủ làm rõ các giải pháp để xử lý các vướng mắc, bất cập này, bảo đảm mục tiêu dễ thực hiện và tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ về đánh giá tình hình thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 đã nêu mặc dù đã ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện song vẫn tồn tại các vướng mắc, bất cập này trong quá trình thực hiện chính sách giảm thuế.
Do vậy, một số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, việc chưa có giải pháp để khắc phục triệt để các vướng mắc, bất cập này dẫn đến chính sách được ban hành và thực hiện song chưa thực sự đạt được mục tiêu “đảm bảo dễ thực hiện nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế” được đề ra trong ban hành chính sách.
Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định giảm thuế giá trị gia tăng theo Tờ trình của Chính phủ; đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra để bổ sung thêm thông tin đánh giá tăng tính thuyết phục của việc giảm thuế trình Quốc hội xem xét quyết định; Chính phủ rút kinh nghiệm về việc trình hồ sơ cho Ủy ban thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ có giải pháp để bảo đảm dự báo tình hình, phản ứng chính sách kịp thời hơn, khắc phục tình trạng một chính sách nhưng nhiều lần trình Quốc hội cho phép áp dụng cho phép áp dụng như việc giảm thuế giá trị gia tăng thời gian vừa qua. Tổ chức thực hiện chính sách bảo đảm mục tiêu đề ra, không để xảy ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chịu trách nhiệm về điều hành, thực hiện nhiệm vụ thu không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2015 theo Nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm nguồn thu cho các nhiệm vụ chi đã được dự toán và các nhu cầu cấp bách.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện, bổ sung hồ sơ gửi Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách hoàn thiện báo cáo thẩm tra trình Quốc hội. Đồng thời, dưới hình thức phù hợp, bố trí vào chương trình Kỳ họp thứ Tám về 3 nội dung (giảm thuế giá trị gia tăng; điều chỉnh dự toán chi ngân sách năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương để thực hiện chi mức lương cơ sở theo quy định tại Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; thực hiện chủ trương tái khởi động thực hiện Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận) để Quốc hội kịp thời xem xét, quyết định và đưa thành một mục trong Nghị quyết của kỳ họp.
Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến với các Tờ trình của Chính phủ về điều chỉnh dự toán chi ngân sách năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương để thực hiện chi mức lương cơ sở theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương cơ sở và chế độ tiền thưởng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; thực hiện chủ trương tái khởi động Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.
Thanh Hải