Phương châm là không cầu toàn, không nóng vội
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, cơ sở chính trị, pháp lý, thực tiễn để xây dựng dự án Luật này đã rõ.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận Tổ sáng 30.10. Ảnh: Lâm Hiển
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, “vấn đề nào đã thấy, đã rõ, đã chín, được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh thì chúng ta sửa, còn vấn đề chưa rõ, chưa chín, chưa được thực tế chứng minh thì tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện khung pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực quốc tế, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào sản xuất kinh doanh”.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa thăm chính thức UAE, phía bạn thông tin để đăng ký mở 1 doanh nghiệp, bạn chỉ cần 5 - 10 phút. Thủ tướng cũng cho rằng, điều này là quá tốt và đề nghị phía UAE trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này.
Đề cập nội dung sửa đổi Luật Quy hoạch, Chủ tịch Quốc hội cho biết, vừa qua, Quốc hội đã giám sát và ban hành một Nghị quyết về quy hoạch để Chính phủ thực hiện. Bây giờ, Chính phủ đề nghị tiếp tục bổ sung, sửa đổi một số điều của Luật Quy hoạch.
Cho rằng, công tác quy hoạch vẫn còn những khó khăn cần tháo gỡ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, nội dung sửa đổi Luật Quy hoạch phải bảo đảm: sự tuân thủ, tính liên tục kế thừa, ổn định, tính thứ bậc trong hệ thống quy hoạch quốc gia; tính thống nhất, đồng bộ giữa quy hoạch với chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp quản lý ngành với quản lý lãnh thổ và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường; tính nhân dân, sự tham gia của cơ quan, tổ chức, cộng đồng, cá nhân; hài hòa lợi ích của quốc gia, các vùng, địa phương, lợi ích của người dân, trong đó lợi ích quốc gia là cao nhất; tính khoa học, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết nối liên thông, dự báo, tính khả thi, tiết kiệm sử dụng nguồn lực của đất nước... Đây là những nguyên tắc quan trọng phải bám sát khi sửa đổi, bổ sung Luật.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận Tổ sáng 30.10. Ảnh: Lâm Hiển
Tương tự như vậy, theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Đầu tư, Luật PPP phải bảo đảm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Vừa qua áp dụng các luật này cho thấy, muốn thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài vào thì phải sửa đổi một số điều khoản. Luật Đấu thầu cũng phải sửa đổi để bảo đảm chọn được nhà thầu có năng lực, thi công được các công trình chất lượng, tầm cỡ quốc gia. Hiện nay, chúng ta đang triển khai xây dựng các tuyến đường cao tốc từ miền Bắc, miền Trung, miền Nam; đang xây dựng sân bay quốc tế Long Thành; sắp tới, Quốc hội cũng sẽ bàn, cho ý kiến về chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với số vốn dự kiến khoảng 67 tỷ USD...
Nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản cụ thể của 4 Luật là cần thiết, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, khi xem xét, quyết định dự luật này, Quốc hội phải cân nhắc kỹ lưỡng. “Phương châm là không cầu toàn, không nóng vội. Ví dụ, các đại biểu thấy Chính phủ đề xuất 30 nội dung, đầu công việc mà qua bàn thảo thấy có 20 nội dung, đầu công việc đã chín, đã rõ thì chúng ta quyết 20 việc này, 10 việc còn lại mà chưa chín, chưa rõ thì tiếp tục nghiên cứu sau, chứ không thể vì cầu toàn mà đợi đủ cả 30 việc đều chín, đều rõ mới thông qua”.
Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, đã có thư gửi các đại biểu Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật. Sau khi Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu, Bộ Chính trị cũng đồng thuận theo quan điểm đổi mới tư duy này để chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung có tính cấp bách đang thực hiện mà thực sự gây khó khăn, vướng mắc trên thực tế, những nội dung đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh.
“Chúng ta vận dụng tư duy trên, quan điểm trên vào ngay các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này để xem xét, điều chỉnh là các luật, những nội dung còn ý kiến khác nhau, chưa đạt sự đồng thuận thì phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát, tổng kết thực tiễn rồi mới sửa đổi”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Cần đánh giá tác động bổ sung chứng minh tính cấp bách
Lưu ý một số vấn đề cụ thể, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần báo cáo đánh giá tác động bổ sung cụ thể, bổ sung số liệu chứng minh tính cấp bách và vướng mắc trên thực tiễn của các nội dung đề nghị sửa đổi
Đơn cử như quy định về việc tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành một dự án độc lập. Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) hôm qua. Vấn đề này phải được sự thống nhất của 63 tỉnh, thành phố. "Chính phủ nói vấn đề này là rất cấp bách, cần nhưng chưa có địa phương nào có văn bản. Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp thì phải có sự đồng thuận. Sau đó Chính phủ chỉ đạo thì hầu như 63 tỉnh, thành phố đã có ý kiến. Như vậy, mới có cơ sở để ra Quốc hội xem xét, đây là yêu cầu tách công tác đền bù tái định cư, thu hồi đất".
Quang cảnh thảo luận Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị phải bám sát quy định tại các Điều 12, Điều 146 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật theo trình tự thủ tục rút gọn. "Trước mắt là, phải bổ sung dự thảo nghị định quy định chi tiết dự thảo Luật theo quy định cho rõ. Không phải là trước diễn đàn Quốc hội mình hứa nhưng không có quyết liệt triển khai thực hiện".
Chủ tịch Quốc hội nhắc lại khi Quốc hội thông qua một luật sửa Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Các tổ chức tín dụng thì Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường cam kết trong tháng 7.2024 cả Trung ương và địa phương sẽ hoàn thành tất cả các hướng dẫn, nhưng đến tháng 9 mới cơ bản ban hành xong nghị định, thông tư và đến bây giờ nhiều địa phương vẫn chưa có hướng dẫn. Địa phương chưa hướng dẫn thì làm sao thực hiện được là 4 cái luật này?
"Đây là vấn đề chúng ta hứa trước Quốc hội, tức là hứa trước quốc dân đồng bào nên phải có cam kết chính trị quyết liệt thực hiện cho đúng”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, Chủ tịch Quốc hội một lần nữa khẳng định, các nội dung Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung tại Kỳ họp này thì Quốc hội ủng hộ, nhưng đồng thời phải có cam kết chính trị bảo đảm thực hiện nghiêm túc những vấn đề đã hứa. Theo đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm 3 vấn đề: một là, trình tự, thủ tục; hai là hồ sơ; ba là phải chất lượng.
“Tổng Bí thư nói không vì nóng vội, ép phải thông qua trong khi chất lượng là chưa có. Quốc hội phải bám nguyên tắc đó. Mấy tháng qua, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ làm việc hết sức quyết liệt, làm cả ngày cả đêm, cả thứ Bảy, Chủ nhật. Áp lực như thế nhưng chúng ta phải làm cho thật kỹ, thật chắc chắn”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Quốc hội tăng cường giám sátđể bảo đảm thực hiện tốt
Để bảo đảm thông qua dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ tán thành quan điểm của Ủy ban Kinh tế tại Báo cáo thẩm tra. Trong đó, cần tập trung vào một số vấn đề:
Một là, danh mục dự án trong nội dung các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh phải rõ.
Hai là, thủ tục đầu tư đặc biệt thì thế nào là đặc biệt - phải phân tích, làm rõ.
Ba là, về phân cấp thêm cho UBND cấp tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với các dự án đầu tư xây dựng mới bến cảng, khu bến cảng thuộc cảng biển, đặc biệt quy mô vốn đầu tư là dưới 2.300 tỷ đồng cũng phải quy định cho rõ.
Bốn là, về lĩnh vực, quy mô đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), vốn đầu tư tối thiểu để thực hiện đầu tư theo phương thức này; lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt thì thế nào là đặc biệt... cũng phải làm rõ hơn.
Trên cơ sở trình của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội xem xét kỹ lưỡng, chắc chắn trước khi ấn nút thông qua. Đây là dự án Luật rất cần thiết mà Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Đảng Đoàn Quốc hội đã họp, cho ý kiến 2 lần chỉ trong một tháng. Nhưng quyền quyết định cuối cùng là của Quốc hội. Trên cơ sở chúng ta cũng thấy tình hình thực tế đang có những khó khăn, vướng mắc đòi hỏi phải tháo gỡ để bứt phá, tạo điều kiện phát triển trong hai tháng còn lại của năm 2024 và cả năm 2025 để chúng ta hoàn thành kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, về đích thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
“Theo cam kết của Chính phủ, nếu Quốc hội lần này tháo gỡ những vấn đề này thì sẽ tăng tốc, đẩy mạnh bảo đảm tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, lo an sinh cho xã hội”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Vừa qua, lần đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ đã phát động chương trình xóa nhà tạm, nhà tre lá đến ngày 31.12.2025 với kinh phí dự kiến là gần 6.000 tỷ đồng. Lần này, Chính phủ cũng trình Quốc hội cho phép trích 5% trong nguồn tiết kiệm chi để thực hiện Chương trình này.
“Còn nhiều vấn đề phải tập trung dồn sức để tạo điều kiện cho Chính phủ chỉ đạo, quản lý, điều hành. Quốc hội cũng sẽ tăng cường giám sát để thực hiện tốt các Nghị quyết của Quốc hội”, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Phạm Thúy