Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2
một giờ trướcBài gốc
Cùng dự có nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long; chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội; lãnh đạo các bộ ngành và 306 đại biểu Quốc hội trẻ em đến từ 63 tỉnh, thành phố. Trước khi diễn ra phiên họp, các đại biểu và các em học sinh đã dành một phút tưởng niệm đồng bào, chiến sĩ và trẻ em bị thiệt mạng do bão lũ.
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ II - năm 2024.
Chất vấn và trả lời chất vấn giả định nhưng vấn đề là có thật
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ 2 của các ĐBQH trẻ em sôi nổi với những câu hỏi, câu chất vấn. Tuy là phiên họp giả định, nhưng đó cũng chính là mong muốn, nguyện vọng của các cử tri trẻ em với 2 vấn đề “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường”.
Phát biểu tại phiên họp giả định về “Phòng, chống bạo lực học đường”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho rằng: "Trả lời chất vấn vừa rồi, nói là giả định nhưng vấn đề không giả định, đó là vấn đề có thật. Tôi đánh giá cao những ý kiến của cả người hỏi và chia sẻ với người trả lời. Tôi thấy các em đã hỏi và bày tỏ hiểu về con số cũng như là những giải pháp mà Bộ Giáo dục và Đào tạo thật đã đề cập, triển khai. Chúng ta phải cùng nhau khẳng định một cách dứt khoát rằng, trường học hạnh phúc không thể có chỗ cho bạo lực, tệ nạn và những nguy cơ đối với học sinh."
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn
Còn với Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, tuy tham dự Phiên họp giả định Quốc hội trẻ em, nhưng Bộ trưởng lại có cảm giác như đang tham gia một phiên chất vấn thực sự: "Các ý kiến hỏi cũng như trả lời của các Đại biểu trẻ em rất là nghiêm túc và trách nhiệm, thể hiện sự quan tâm tới các vấn đề của trẻ em. Chủ đề ngày hôm nay chúng tôi thấy rất thiết thực với cả trẻ em hiện nay hiện nay. Các vấn đề liên quan tới việc sử dụng thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá mới, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các chất kích thích như rượu bia, thậm chí có cả ma túy cũng là mối đe dọa rất lớn tới sức khỏe của trẻ em nói chung, cũng như là chất lượng dân số, giống nòi của đất nước chúng ta."
Với tư cách là Đại biểu Quốc hội trẻ em của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, em Nguyễn Trà My, lớp 8 B3, Trường THCS Vinschool Times City bày tỏ: "Trong phiên họp ngày hôm nay, mọi người đã thảo luận rất sôi nổi và cũng có rất nhiều cuộc tranh luận hay và thú vị. Phiên họp này thì em đã mở rộng được tầm nhìn và sự hiểu biết của em về chính những vấn đề của em và của các bạn của em. Em hy vọng, những ý kiến đóng góp và tiếng nói của các em sẽ được các bộ, ngành lắng nghe và quan tâm hơn, có các giải pháp từ những ý kiến của chúng em, để có thể chấm dứt những vấn đề trong lứa tuổi của chúng em."
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan
Khơi dậy trong trẻ em khát vọng cống hiến
Sau khi dự Phiên chất vấn và trả lời chất vấn giả định, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh và đánh giá cao Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội Trung ương đã có sáng kiến tổ chức với các cơ quan tổ chức Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” với mong muốn thúc đẩy sự tham gia sớm của trẻ em vào các hoạt động chính trị, xã hội; khơi dậy trong trẻ em khát vọng cống hiến, không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi tri thức để trở thành công dân có trách nhiệm, vừa có đức vừa có tài, có ước mơ, hoài bão lập nghiệp trong tương lai và đóng góp thật nhiều cho sự phát triển của đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thông tin, sau phiên họp thứ nhất năm 2023, một số kiến nghị của trẻ em đã được các bộ, ngành quan tâm tổ chức thực hiện, đây là điều rất đáng ghi nhận; đồng thời nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt tới sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu
Điều này được thể hiện, qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, Việt Nam đã đạt được những thành tựu khá toàn diện về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ quyền trẻ em, được Liên hợp quốc ghi nhận và đánh giá cao. Cùng với các nguồn lực của Nhà nước, trong năm 2023 và 2024, Trung ương Đoàn và Hội đồng Đội Trung ương đã vận động số tiền ước tính 123,5 tỷ đồng cho các hoạt động chăm lo cho thiếu nhi. Các cấp các ngành địa phương cũng có nhiều hoạt động chăm lo cho thanh, thiếu niên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều trăn trở khi trẻ em ở một số nơi vẫn còn gặp khó khăn trong tiếp cận những dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng; trẻ em bị bạo lực, bạo hành, xâm hại, tai nạn, thương tích còn xảy ra. Tình trạng bạo lực học đường, các loại thuốc lá thế hệ mới và các chất kích thích đã và đang tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất, tinh thần của trẻ em.
Các Đại biểu Quốc hội trẻ em
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong bối cảnh đó, phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ hai đã lựa chọn 2 chủ đề là “Phòng, chống bạo lực học đường” và “Phòng, chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường” rất thiết thực, được dư luận xã hội quan tâm.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Tôi cũng như Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Y tế rất ấn tượng về sự thể hiện của các trẻ em, dù nhỏ tuổi, nhưng đã rất chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu, phát biểu mạch lạc, phong thái tự tin, chững chạc. Nhiều câu hỏi đề xuất, kiến nghị giải pháp của các cháu rất xác đáng, xuất phát từ thực tiễn. Hai Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trao đổi với các em trên tinh thần cầu thị, lắng nghe thẳng thắn, gần gũi, cũng đánh giá cao kiến thức, nội dung các cháu đặt câu hỏi, trả lời của Bộ trưởng trẻ em. Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành, đoàn thể sẽ nghiên cứu trong quá trình soạn thảo ban hành chính sách pháp luật, giải quyết các vấn đề có liên quan tới trẻ em."
Để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, trong thời gian tới, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Trung ương Đoàn thanh niên, Hội đồng Đội Trung ương tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục, chăm sóc trẻ em. Rà soát để hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường; phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đặc biệt là giải quyết những kiến nghị, đề xuất của các ĐBQH trẻ em đã nêu tại diễn đàn hôm nay. Các em đã nêu thực trạng, đưa ra giải pháp rất thiết thực, cụ thể.
Chủ tịch Quốc hội chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu
Bên cạnh đó, các bậc phụ huynh học sinh cần quan tâm, lắng nghe, chia sẻ với trẻ em nhiều hơn nữa, để trẻ em thực sự hạnh phúc, an vui trong chính ngôi nhà của mình. Chủ tịch Quốc hội cho rằng, giáo dục trẻ em là trách nhiệm của nhà trường, gia đình và xã hội. Bên cạnh đó, chính các em cũng cần phải ý thức để tránh xa bạo lực và các tệ nạn xã hội.
Nhấn mạnh câu, “Trẻ em hôm nay là thế giới ngày mai”, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, các thầy cô giáo tạo điều kiện, tạo môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, giúp các em mỗi ngày đến trường là một ngày vui, gặt hái nhiều thanh công trong học tập. Cộng đồng xã hội nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, dành sự thương yêu và chăm lo chu đáo nhất cho trẻ em, bảo vệ trẻ em ở mọi lúc, mọi nơi, góp phần xây dựng thế hệ tương lai đất nước phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ.
Đặc biệt, đội ngũ thầy giáo, cô giáo, các em học sinh trong cả nước thực hiện thật tốt lời căn dặn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong Thư gửi ngành giáo dục nhân dịp năm học mới; mỗi thầy giáo, cô giáo, cán bộ quản lý, người lao động ngành Giáo dục luôn tâm huyết, yêu nghề, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, xây dựng văn hóa học đường lành mạnh; đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người, góp phần tích cực vào việc “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” cho đất nước.
Toàn cảnh phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương và các cấp Đoàn, Đội, cần tiếp tục phát huy vai trò là tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em; chủ động phối hợp với các cấp, các ngành tổ chức nhiều chương trình, hoạt động chăm lo, hỗ trợ trẻ em và phát huy quyền tham gia của trẻ em trong đời sống xã hội.
Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, cơn bão số 3 vừa qua đã gây thiệt hại nặng nề cho các địa phương. Lãnh đạo Đảng, nhà nước đã dành sự quan tâm, tình cảm, nỗ lực để làm sao tất cả trẻ em đều được đến trường học. Tuy nhiên, hiện vẫn còn có các em chưa được đến trường học, vì cơ sở hạ tầng của trường đã bị hư hỏng, hoặc các em học sinh đang phải học trong các lán tạm. Đặc biệt, hoàn cảnh nhiều em còn rất khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong tất cả các cháu thiếu nhi trên cả nước luôn ghi nhớ và thực hiện thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy, trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước, xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, sánh vai cùng với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu chụp ảnh cùng các ĐBQH trẻ em
Lê Tuyết/VOV
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-du-phien-hop-gia-dinh-quoc-hoi-tre-em-lan-thu-2-post1124858.vov