Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tới dự tổng duyệt Lễ trao Giải Diên Hồng lần thứ ba. Ảnh: Hồ Long
Cùng dự buổi tổng duyệt có: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định - Trưởng Ban Chỉ đạo Giải; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng - Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Giải; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Giải.
Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Giải Diên Hồng) là giải thưởng hằng năm trao tặng cho các tác phẩm báo chí xuất sắc về Quốc hội, Hội đồng Nhân dân do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn; Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và các đại biểu dự Lễ tổng duyệt trao Giải Diên Hồng lần thứ 3. Ảnh: Hồ Long
Tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Xô, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức giải Diên Hồng cùng các đơn vị liên quan đã tổng duyệt Lễ trao giải, kiểm tra công tác chuẩn bị, bảo đảm các điều kiện tổ chức Lễ trao giải, Triển lãm “Khoảnh khắc Diên Hồng”.
Phát biểu sau lễ tổng duyệt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Nhà báo Việt Nam, TP. Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam và các đơn vị liên quan đã chỉ đạo, phối hợp nhịp nhàng, chuẩn bị chu đáo cho Lễ trao giải Diên Hồng lần thứ ba. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau hai mùa giải tổ chức thành công, Giải Diên Hồng “tuy sinh sau đẻ muộn” nhưng đã xây dựng được thương hiệu, uy tín, được nhiều nhà báo gạo cội ghi nhận và đánh giá cao. Sân khấu của Lễ trao giải năm nay đã có nhiều đổi mới, đặc sắc hơn, thể hiện sinh động không khí mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp sau lễ tổng duyệt. Ảnh: Hồ Long
Để tổ chức thành công Lễ trao Giải Diên Hồng lần thứ ba diễn ra vào tối 5.1, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và các cơ quan tiếp tục rà soát các công việc; chỉnh sửa, hoàn thiện một số chi tiết, hình ảnh trên sân khấu, bảo đảm sự cân đối giữa các vùng miền trên cả nước; bảo đảm để Lễ trao Giải diễn ra trang trọng, thể hiện rõ vai trò, vị thế của Quốc hội và HĐND - những cơ quan quyền lực nhà nước do cử tri và Nhân dân bầu ra. Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, Văn phòng Quốc hội và TP. Hà Nội tiếp tục phối hợp chặt chẽ, bảo đảm công tác an ninh, an toàn trước, trong và sau Lễ trao giải; rà soát các công việc liên quan đến khen thưởng, lễ tân, hậu cần, tổ chức... bảo đảm chu đáo, kịp thời, công khai, minh bạch. Các cơ quan báo chí tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền trước, trong và sau Lễ trao giải để cử tri và Nhân dân thấy rõ hơn ý nghĩa của Giải báo chí về Quốc hội và HĐND - giải báo chí của Nhân dân.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp sau lễ tổng duyệt. Ảnh: Hồ Long
Theo Ban Tổ chức, Giải Diên Hồng lần thứ ba đã có nhiều tác phẩm được đầu tư công phu, dài kỳ, sử dụng đa phương tiện, đồ họa, thể hiện tính chuyên nghiệp của báo chí hiện đại và sự làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của các tác giả, nhóm tác giả. Mùa Giải năm nay đã có sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương; trong đó, số lượng các cơ quan báo chí địa phương tích cực tham gia giải đã tăng hơn mùa trước; chất lượng tác phẩm được thu hẹp khoảng cách giữa trung ương và địa phương ở loại báo hình, báo điện tử, báo in rất rõ nét. Qua đó, cho thấy sự quan tâm của báo giới nói riêng cũng như dư luận nói chung đối với hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Từ thành công của hai mùa giải trước, Giải Diên Hồng năm nay đã nhận được 4.079 tác phẩm dự thi của 163 cơ quan báo chí sau hơn 11 tháng phát động. Trên cơ sở đề xuất của các Tiểu ban, Hội đồng Sơ khảo đã tổ chức họp để xem xét, thống nhất, lựa chọn các tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc vào vòng Chung khảo. Cụ thể, có 105 tác phẩm được lựa chọn vào chấm vòng chung khảo, gồm các loại hình sau: Báo in có 22 tác phẩm; Báo điện tử có 25 tác phẩm; Tạp chí có 15 tác phẩm; Phát thanh có 13 tác phẩm; Truyền hình có 22 tác phẩm; Ảnh có 8 tác phẩm.
Các tác phẩm được lựa chọn vào vòng chấm chung khảo bảo đảm cân đối về vùng miền, đa dạng về đề tài (lập pháp, giám sát tối cao, thực tiễn cuộc sống, đổi mới thể chế…) và có chất lượng cao về nội dung, thông điệp cũng như hình thức thể hiện. Trên cơ sở nghiên cứu hồ sơ của 105 tác phẩm do Hội đồng chấm sơ khảo đề xuất vào vòng chung khảo, Hội đồng chấm chung khảo đã chọn được 83 tác phẩm xuất sắc nhất để đề xuất Ban Tổ chức trao Giải với 8 Giải A, 15 Giải B, 20 Giải C, 40 Giải Khuyến khích.
Minh Trang