Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt các đại biểu Quốc hội là nhà giáo

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt các đại biểu Quốc hội là nhà giáo
3 giờ trướcBài gốc
Chiều tối 20/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã chủ trì cuộc gặp mặt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhân Kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024).
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc gặp mặt các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhân Kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024). Ảnh: quochoi.vn
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất tới các thầy giáo, cô giáo trên mọi miền của Tổ quốc.
Quốc hội nhiều khóa luôn có nhiều đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (trong đó, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có 115 đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục). Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, với sự tâm huyết, yêu nghề và am hiểu thực tiễn sâu sắc, các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã có đóng góp lớn trong xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng và giám sát tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đến nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã từng bước được hoàn thiện, bao quát những vấn đề cốt lõi, cần thiết nhất, tạo hành lang pháp lý cho việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Hoạt động giám sát về giáo dục và đào tạo được Quốc hội chú trọng thường xuyên. Đặc biệt, việc giám sát thông qua chất vấn và trả lời chất vấn đã được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm; kịp thời phản ánh thực tiễn và tâm tư, nguyện vọng của cử tri tại diễn đàn Quốc hội.
Kết quả giám sát đã cung cấp thông tin quan trọng, phục vụ trực tiếp cho công tác thẩm tra các dự án luật; kịp thời chấn chỉnh những bất cập, hạn chế và đưa ra những quyết sách quan trọng, giải pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi gặp mặt. Ảnh: quochoi.vn
Chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng về số lượng, chất lượng và cơ cấu là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị
Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận, biểu dương và trân trọng cảm ơn về những đóng góp to lớn của các thế hệ thầy giáo, cô giáo cả nước, đặc biệt là 115 đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Thanh Mẫn bày tỏ, chúng ta cũng không khỏi trăn trở, suy tư: việc thể chế hóa một số chủ trương của Đảng về nhà giáo chậm được ban hành; hệ thống pháp luật có liên quan tới nhà giáo còn rườm rà, phức tạp (có đến 248 văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới nhà giáo đã được ban hành và đang có hiệu lực pháp lý).
Chính sách chăm lo, phát triển cho đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên công tác ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn còn nhiều bất cập. Cơ cấu, số lượng đội ngũ nhà giáo chưa hợp lý, chất lượng chưa đồng đều. Tình trạng, thừa thiếu giáo viên diễn ra ở nhiều nơi, chưa được giải quyết căn cơ (cả nước còn thiếu khoảng 62.877 giáo viên phổ thông; thừa cục bộ 5.091 giáo viên).
Tình trạng giáo viên xin nghỉ việc có xu hướng tăng. Các điều kiện bảo đảm cho nhà giáo thực hiện nhiệm vụ chuyên môn còn hạn chế; đến nay tỉ lệ phòng học chưa kiên cố hóa còn cao, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học còn thiếu, nhất là ở khu vực miền núi, khu công nghiệp, khu vực đông dân cư. (tính riêng trong giáo dục phổ thông, cả nước còn hơn 59.500 phòng học chưa được kiên cố hóa; thiếu 63.920 phòng học bộ môn).
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, trong giai đoạn tới, chất lượng của nguồn nhân lực tiếp tục đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chăm lo, phát triển đội ngũ nhà giáo đáp ứng về số lượng, chất lượng và cơ cấu là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi các biện pháp vừa cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài.
Theo đó, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan có liên quan, các địa phương tập trung xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo với chất lượng cao nhất, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng; có chính sách đặc thù, vượt trội để tôn vinh, bảo vệ nhà giáo; tạo môi trường thuận lợi để nhà giáo làm việc, khuyến khích sự sáng tạo trong hoạt động nghề nghiệp, phát triển chuyên môn nghiệp vụ; bảo đảm đời sống để nhà giáo yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý cống hiến cho nghề.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về nhà giáo; chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, công bằng.
"Tôi mong muốn mỗi thầy giáo, cô giáo sẽ luôn là tấm gương sáng về đạo đức, ứng xử văn hóa; nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, tâm huyết, trách nhiệm, yêu nghề, thương trò; không ngừng nỗ lực trau dồi nâng cao trình độ chuyên môn".
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chụp hình cùng các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhân Kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024). Ảnh: quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị cần quán triệt tinh thần phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại cuộc gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục ngày 18/11/2024 vừa qua là: mục tiêu cao nhất hiện nay phải tập trung thực hiện bằng được "hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc trong nhiệm kỳ Đại hội XIV của Đảng".
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tin tưởng, với kinh nghiệm thực tiễn, tinh thần trách nhiệm và lòng yêu nghề, các đại biểu Quốc hội là nhà giáo, nguyên là nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục sẽ tiếp tục đóng góp hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo; giám sát việc tổ chức thực hiện của hệ thống chính quyền các cấp cũng như đóng góp vào các quyết định quan trọng của đất nước.
Minh Vũ
Nguồn Công dân & Khuyến học : https://congdankhuyenhoc.vn/chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-gap-mat-cac-dai-bieu-quoc-hoi-la-nha-giao-179241120222723819.htm