Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Kỳ họp thứ chín - kỳ họp có tính lịch sử

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Kỳ họp thứ chín - kỳ họp có tính lịch sử
6 giờ trướcBài gốc
Hội nghị nhằm quán triệt và thống nhất một số nội dung trọng tâm trình Quốc hội tại Kỳ họp lần thứ chín, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, Kỳ họp thứ chín khai mạc sáng mai (5-5) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm thể chế hóa kịp thời các chủ trương, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, nhất là các nội dung vừa được thông qua tại Hội nghị Trung ương 11.
Trong đó, trọng tâm là việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và các luật phục vụ cho việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp; tháo gỡ triệt để những rào cản, khó khăn, vướng mắc về thể chế để tạo hành lang pháp lý, tạo nền tảng cho phát triển; khơi thông các điểm nghẽn, khơi thông các nguồn lực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tinh gọn bộ máy, kiến tạo không gian phát triển mới cho địa phương và cả nước.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp. Ảnh: LÂM HIỂN
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: LÂM HIỂN
Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian qua, Đảng ủy Quốc hội đã chỉ đạo khẩn trương triển khai rất nhiều công việc quan trọng để chuẩn bị Kỳ họp thứ chín. Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội và Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ cũng đã tổ chức hội nghị liên tịch để thống nhất về dự kiến chương trình Kỳ họp và các nội dung báo cáo Quốc hội.
Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và cơ quan liên quan đã bám sát chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và tình hình thực tiễn, phối hợp chặt chẽ, làm việc ngày, đêm để chuẩn bị tài liệu trình Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về các dự án luật trình Quốc hội thông qua.
Lưu ý các mốc thời gian cụ thể và yêu cầu đặt ra đối với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp và các luật phục vụ công tác sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội bám sát các định hướng, chủ trương, lãnh đạo, chỉ đạo, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, nhất là Hội nghị Trung ương 11 vừa qua để xem xét, cho ý kiến về từng dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua. Đặc biệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 66 ngày 30-4-2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới.
Về công tác lập hiến, lập pháp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp lần này tập trung vào khoảng 8/120 điều.
Thời gian cho việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp phải bảo đảm hoàn thành trước ngày 30-6-2025 để có hiệu lực từ ngày 1-7-2025; sẽ dành khoảng 1 tháng (từ ngày 6-5 đến hết ngày 5-6) để lấy ý kiến nhân dân về các nội dung sửa đổi; do đó, các công đoạn cũng phải tiến hành rất khẩn trương nhưng cũng phải rất cẩn trọng, kỹ lưỡng.
Các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: LÂM HIỂN
Tại Kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 12 luật trực tiếp điều chỉnh các nội dung phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy và 1 nghị quyết về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ lưỡng, thảo luận dân chủ, đóng góp ý kiến xây dựng, chất lượng cao nhất.
"Công việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị và sắp xếp đơn vị hành chính là nội dung đặc biệt quan trọng, có tính chất lịch sử đối với sự phát triển của đất nước. Vừa qua, chủ trương này của Đảng đã được người dân quan tâm, ủng hộ, đồng tình cao", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Tại Hội nghị Trung ương 11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khẳng định, mô hình tăng trưởng mới của đất nước ta phải lấy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia làm động lực chủ yếu, trong đó, khu vực kinh tế tư nhân, bao gồm cả trong nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, thảo luận các chính sách thiết thực, hiệu quả, khả thi, sát với nhu cầu thực tế của xã hội để có thể triển khai ngay, tạo nên giá trị và sản phẩm thực tiễn thực chất.
Về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các vấn đề quan trọng khác, Chủ tịch Quốc hội đề nghị đại biểu Quốc hội nghiên cứu sâu các báo cáo của Chính phủ, đánh giá một cách khách quan, toàn diện tình hình; chỉ ra những bất cập, hạn chế, đồng thời, đề xuất các giải pháp thiết thực, hiệu quả, có tính khả thi cao; quan tâm việc bố trí nguồn lực cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và các giải pháp để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên đã đề ra.
Quang cảnh hội nghị.
Nhấn mạnh lại Kỳ họp thứ chín là kỳ họp lịch sử quyết định những vấn đề lịch sử của đất nước, Chủ tịch Quốc hội đề nghị mỗi đại biểu Quốc hội phải quán triệt tinh thần, thực sự đổi mới tư duy và phương pháp làm việc.
Các đại biểu dành thời gian chủ động nghiên cứu tài liệu, sâu sát vấn đề; tham gia đầy đủ các phiên họp của Quốc hội, phát biểu đúng trọng tâm, bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các quan điểm lớn trong các nội dung trình Quốc hội; gương mẫu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi hoạt động. Mỗi ý kiến đóng góp phải xuất phát từ tâm huyết, trí tuệ và trách nhiệm cao nhất đối với cử tri và đất nước.
VŨ DUNG
Nguồn QĐND : https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-ky-hop-thu-chin-ky-hop-co-tinh-lich-su-826894