Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Nhiệm vụ rất cấp bách, rất khó nhưng chúng ta phải làm vì sự phát triển của đất nước

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn: Nhiệm vụ rất cấp bách, rất khó nhưng chúng ta phải làm vì sự phát triển của đất nước
2 giờ trướcBài gốc
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng chủ trì Hội nghị của Ban Thường vụ Đảng ủy Quốc hội với Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ. Ảnh: Lâm Hiển
Xây dựng pháp luật theo nguyên tắc phân cấp, phân quyền tối đa
Tại Hội nghị, các đại biểu đã rà soát chi tiết tiến độ, chất lượng các nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 12.2 tới.
Theo đó, hai bên thống nhất trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình thủ tục rút gọn 4 luật, 5 nghị quyết phục vụ công tác sắp xếp tổ chức bộ máy; xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng khác thuộc thẩm quyền.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn sự đồng hành, phối hợp chặt chẽ của Quốc hội với Chính phủ, qua đó đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư Tô Lâm, hoàn thành khối lượng công việc rất lớn từ đầu nhiệm kỳ đến nay.
Thủ tướng cho biết, việc Quốc hội tổ chức Kỳ họp bất thường lần thứ 9 thể hiện sâu sắc tinh thần khi có vấn đề thực tiễn phát sinh thì Quốc hội họp ngay để giải quyết, đã làm, đã giải quyết là phải có hiệu quả.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển
Trong đó, về sửa đổi các luật liên quan đến tổ chức bộ máy, Thủ tướng cho biết, tinh gọn bộ máy là chủ trương lớn, đã được thực hiện nhiều năm qua nhưng lần này quyết liệt hơn đúng với tinh thần là cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của cả hệ thống chính trị, do đó có những vấn đề về luật pháp cần phải được sửa đổi. Tinh thần của Trung ương là “vướng đâu thì sửa đấy”, vướng ở cấp nào thì cấp đó phải sửa.
Thủ tướng cho biết, qua rà soát thực hiện các mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cho thấy, khó khăn nhất là tăng trưởng. Đây là chỉ tiêu cơ bản nhất trong đánh giá sự phát triển của một đất nước, phản ánh quy mô nền kinh tế, thu nhập bình quân đầu người, năng suất lao động...
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lâm Hiển
“Có tăng trưởng thì mới có tiềm lực, có tiềm lực thì mới có tiếng nói, có sức mạnh”. Nhấn mạnh như vậy, Thủ tướng nêu rõ, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 có ý nghĩa hết sức quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 5 năm 2021 – 2026 và tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo 2026 – 2030 cũng như đạt hai mục tiêu phát triển đất nước vào năm 2030, 2045.
Do đó, phải ưu tiên tập trung tháo gỡ điểm nghẽn của thể chế, khơi thông mọi nguồn lực cho sự phát triển của đất nước. Thủ tướng mong muốn, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ tiếp tục phối hợp thật tốt, nhịp nhàng, hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện thể chế.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Thủ tướng nêu rõ, xây dựng pháp luật theo nguyên tắc phân cấp, phân quyền tối đa với tinh thần biết đến đâu quản đến đấy, cấp nào hiểu hơn, biết rõ hơn, quản lý hiệu quả hơn thì cấp đó quyết định. Vấn đề quan trọng là phân cấp, phân quyền thì phải phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra; đồng thời, phải cắt giảm mạnh mẽ về thủ tục hành chính; chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí...
Thủ tướng yêu cầu các Bộ liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ các nội dung còn thiếu theo đề nghị, đảm bảo cho quá trình thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội; mong muốn, các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội tiếp tục phối hợp chặt chẽ, phát huy tinh thần đã làm tốt rồi thì phải làm tốt hơn nữa với tinh thần đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích nhân dân lên trên hết, trước hết.
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Rà soát kỹ lưỡng, thận trọng, bảo đảm chất lượng cao nhất
Nhất trí với các ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, từ nay đến khai mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9 chỉ còn 5 ngày, thời gian không còn nhiều trong khi khối lượng công việc rất lớn, do đó, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục khẩn trương trên tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”, có thể tăng cường làm việc ban đêm, thứ bảy, chủ nhật để bảo đảm chuẩn bị kỹ lưỡng các nội dung trình Quốc hội.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Minh Trí phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Đề cập một số nội dung cụ thể trong các dự thảo Luật về tổ chức bộ máy, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, Bộ Nội vụ, các bộ liên quan và Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, nhất là Ủy ban Pháp luật cần bám sát chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Hiến pháp để tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo Luật.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
“Các đồng chí tổng hợp có khoảng 300 luật và hơn 5.000 văn bản pháp quy liên quan. Lần này chúng ta sửa đổi các luật thì phải phân cấp mạnh cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và cho chính quyền địa phương theo tinh thần địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy cần rà soát kỹ lưỡng, lưu ý cách thức thể hiện bảo đảm có tình có lý, phù hợp với sự vận động của thực tiễn.
“Hiện nay, Quốc hội đang đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và cách thức xây dựng pháp luật. Quốc hội hoàn toàn ủng hộ việc tháo gỡ khó khăn cho đất nước phát triển. Kỳ họp bất thường lần thứ 9 tập trung giải quyết các vấn đề rất cấp bách, rất khó, rất nặng nhưng chúng ta phải làm vì sự phát triển của đất nước”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trần Hồng Minh phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Đánh giá cao việc các nội dung trình Quốc hội đã có sự thống nhất cao giữa Chính phủ và các cơ quan chủ trì thẩm tra, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý các cơ quan vẫn phải tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, thận trọng để bảo đảm chất lượng cao nhất vì đây đều là những dự luật, dự thảo nghị quyết rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy và sự vận hành thông suốt, hiệu năng, hiệu quả của bộ máy sau sắp xếp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, các cơ quan chủ động xin ý kiến cấp có thẩm quyền về một số nội dung; khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, tài liệu các nội dung càng nhanh càng tốt; bảo đảm mọi điều kiện để tổ chức thành công Kỳ họp.
Phạm Thúy
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/chu-tich-quoc-hoi-tran-thanh-man-nhiem-vu-rat-cap-bach-rat-kho-nhung-chung-ta-phai-lam-vi-su-phat-trien-cua-dat-nuoc-post403745.html