2024 đánh dấu sự đổi mới mạnh mẽ của Quốc hội trong công tác lập pháp
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Chương trình hành động của Đảng đoàn và hướng tới Đại hội XIV của Đảng.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Tuy nhiên, đây cũng là năm đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, bão lũ, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát của Quốc hội, sự điều hành linh hoạt, sáng tạo, chủ động của Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu, kết quả to lớn, toàn diện trên các lĩnh vực trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, tốc độ tăng trưởng đạt khá, an sinh xã hội được bảo đảm. Tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cả năm đạt khoảng 7% với 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội dự kiến đạt và vượt. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Công tác đối ngoại được tăng cường. Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh. Vị thế, uy tín của nước ta không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế. Lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước được củng cố, tăng cường.
Tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua, Quốc hội đã thông qua 18 luật, 21 nghị quyết, tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn” về thể chế cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời quyết định nhiều vấn đề quan trọng, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa nguồn lực, với nhiều quyết sách mang tính lịch sử như: thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; chủ trương khởi động lại việc đầu tư dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành…
Cùng với việc quyết định các vấn đề vĩ mô quan trọng của đất nước, Quốc hội cũng đã thông qua nhiều cơ chế, chính sách để giải quyết kịp thời các vấn đề quốc kế dân sinh, hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân như: đồng ý với đề xuất cho phép sử dụng khoản cắt giảm, tiết kiệm 5% chi phí thường xuyên năm 2024 của ngân sách trung ương và ngân sách địa phương để triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025; thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, trong đó có quy định từng bước liên thông, thông tuyến trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế...
Những quyết sách này góp phần đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của người dân, đúng với tinh thần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh...
Năm 2024 cũng đánh dấu sự đổi mới mạnh mẽ và sâu sắc của Quốc hội về tư duy trong công tác lập pháp, theo đó, Luật chỉ quy định những vấn đề khung, có tính nguyên tắc, đúng tầm, ngắn gọn, súc tích, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội; không luật hóa các quy định của nghị định, thông tư; dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo hướng xác định rõ việc nào thuộc thẩm quyền của Quốc hội, việc nào giao cho Chính phủ...
Mặc dù nhân sự bộ máy nhà nước, trong đó có Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, VPQH có sự thay đổi lớn, song Đảng đoàn Quốc hội đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công 6 Kỳ họp của Quốc hội; 33 phiên họp của UBTVQH.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Đảng đoàn Quốc hội đã lãnh đạo chỉ đạo thực hiện Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội, các nhiệm kỳ lập pháp của cả nhiệm kỳ đều đạt và vượt mục tiêu, kế hoạch đề ra. Tính Đảng trong diễn đàn của Quốc hội được tăng lên, Quốc hội đã xác định trách nhiệm gương mẫu, hoàn thiện thể chế, nâng cao tuổi thọ các quy định; thực hiện cách mạng tinh gọn bộ máy...
Nhấn mạnh những kết quả nổi bật nêu trên, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW sáng 1.12 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ghi nhận: Kỳ họp thứ Tám bước đầu có sự đổi mới tư duy sâu sắc trong xây dựng pháp luật để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. “Đó là sự ghi nhận, cổ vũ, động viên, khích lệ, biểu dương rất kịp thời, xác đáng của đồng chí Tổng Bí thư dành cho Quốc hội trước toàn hệ thống chính trị các cấp”. Khẳng định điều này, song Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, đây chỉ kết quả bước đầu và đề nghị trong thời gian tới, phải tiếp tục nghiên cứu, rà soát xem cái gì còn là “điểm nghẽn”, còn là khó khăn, vướng mắc thì phải tiếp tục tháo gỡ để tạo điều kiện cho sự phát triển đi lên của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, trong năm 2024, Đảng đoàn Quốc hội đã phối hợp với Đảng ủy cơ quan VPQH tổ chức nhiều hội nghị quán triệt và triển khai thực hiện các nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng. Kịp thời phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII và nhiều hội nghị quan trọng khác. Đồng thời, định hướng công tác tư tưởng, nắm bắt kịp thời diễn biến tư tưởng của cán bộ, đảng viên; phối hợp lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ kịp thời, đúng quy định; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, bảo vệ chính trị nội bộ.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, như tính chủ động chưa cao; còn hạn chế trong phát hiện và giải quyết vấn đề, còn thiếu sáng tạo, sự chắc chắn trong tham mưu, đề xuất; công tác nắm tình hình địa phương, cơ sở còn chậm, chưa sát; phối hợp vẫn là khâu yếu cả phối hợp bên trong Quốc hội và bên ngoài Quốc hội; hạn chế trong tự kiểm tra, rút kinh nghiệm, tự điều chỉnh; có tư tưởng ngại đổi mới, một số cơ quan thiếu chuyên nghiệp; còn tình trạng “người làm thì ít, người chỉ đạo thì nhiều”; cá biệt có nơi người đứng đầu chưa thật sự gương mẫu...
Tiếp tục đổi mới công tác xây dựng luật, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2025, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Tham mưu, phục vụ tổ chức tốt kỳ họp bất thường, các kỳ họp của Quốc hội, các phiên họp của UBTVQH; chủ động phối hợp từ sớm, từ xa; đổi mới cách thức xin ý kiến, cách tổ chức hội thảo, tọa đàm… và tăng cường sự phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ, Văn phòng Trung ương, các Ban Đảng, cơ quan có liên quan....
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Về các hoạt động cụ thể, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần tiếp tục đổi mới trong công tác phối hợp giữa bên trong và bên ngoài Quốc hội cũng như trong tổ chức, điều hành công việc theo hướng chủ động, phát huy dân chủ, thế mạnh của đội ngũ cán bộ, công chức tham mưu, giúp việc hơn nữa. Đặc biệt, công tác tham mưu phải bảo đảm “nắm chắc, hiểu rộng, viết đúng, viết trúng, viết gọn, viết sâu”; tổ chức các hội nghị, cuộc họp… phải khoa học, hợp lý ngay từ khi xây dựng kế hoạch, chương trình; điều hành phải mạch lạc, ngắn gọn, hiệu quả…
Với công tác cán bộ, sử dụng cán bộ, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải tiếp tục xây dựng đội ngũ vững vàng với ý thức trách nhiệm cao; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, có tư duy đổi mới trong công việc; trên cơ sở đó đổi mới quy trình đánh giá, lựa chọn, tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ.
Về cơ chế tài chính, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, phải có quy chế, quy trình về chi tiêu nội bộ, có quy định về kiểm tra, giám sát, kiểm toán; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để thực hiện những nhiệm vụ, quy định đặc thù, bảo đảm vừa chặt chẽ nhưng cũng phải linh hoạt, đáp ứng yêu cầu của cơ quan, đơn vị.
Cùng với đó, cần đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội và triển khai thực hiện tốt công việc này ngay trong năm 2025. Đổi mới hoạt động của Đảng, đoàn thể trong cơ quan VPQH; đề cao tinh thần thẳng thắn, dân chủ trong Tổ đảng; thực hiện tốt việc động viên, quán triệt trong tổ chức Đảng, đoàn thể.
"Trên cơ sở những vấn đề này có thể chọn ra việc gì làm trước, việc gì làm sau; có những việc có thể áp dụng ngay cho các cuộc họp, phiên họp, kỳ họp, có những việc phải tiến hành theo quy trình, quy định nhưng tinh thần chung là phải quyết tâm đổi mới và có sản phẩm mới” - Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Năm 2025 là năm diễn ra đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; chuẩn bị cho cuộc bầu cử ĐBQH khóa XVI và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031; năm diễn ra các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, như kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 80 năm ngày thành lập nước, chuẩn bị kỷ niệm 80 ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội Việt Nam (vào đầu năm 2026)...
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị tiếp tục tập trung chỉ đạo quyết liệt việc triển khai tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, bảo đảm đúng lộ trình tổ chức Hội nghị Trung ương vào giữa tháng 2.2025 và kỳ họp Quốc hội vào cuối tháng 2.2025. Đồng thời, hoàn thành việc rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung các luật, nghị quyết liên quan đến sắp xếp, tinh gọn bộ máy, báo cáo UBTVQH, trình Quốc hội xem xét, quyết định. Hoàn thiện sắp xếp tinh gọn các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan UBTVQH, các vụ, đơn vị, tổ chức trực thuộc VPQH, bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch Trung ương đã đề ra.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển
Đồng thời, thực hiện tốt công tác thi đua, khen thưởng, khen thưởng đột xuất đối với cơ quan, đơn vị, cán bộ, có thành tích nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng, tổ chức hội nghị nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả, kịp thời. Chú trọng tuyên truyền sớm đưa các luật, nghị quyết của Quốc hội đi vào cuộc sống, đồng thời tăng cường giám sát việc triển khai thực hiện các luật, nghị quyết của Quốc hội. Triển khai các hoạt động chuẩn bị kỷ niệm 80 năm Quốc hội Việt Nam.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần chú trọng công tác đào tạo, bảo đảm các chế độ chính sách cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động theo đúng quy định; có giải pháp phù hợp để xử lý chế độ, chính sách và các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận và thống nhất trong quá trình sắp xếp, tinh giản biên chế.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung lãnh đạo chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 11.12.2024 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025, và quán triệt, triển khai sâu rộng trong toàn Đảng bộ, các cơ quan, đơn vị; bảo đảm cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong toàn Đảng bộ và VPQH đón Tết vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, chống lãng phí. Tăng cường bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật, phương tiện làm việc cho hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc UBTVQH, các đại biểu Quốc hội và công chức, người lao động trong VPQH.
Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Văn phòng Đảng đoàn Quốc hội, VPQH làm tốt hơn nữa công tác theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các công việc được giao; thường xuyên tổng hợp, báo cáo, không để chậm tiến độ công việc. Phối hợp chặt chẽ hơn nữa, hoàn thành tốt nhiệm vụ của Đảng đoàn Quốc hội, Đảng ủy cơ quan VPQH và các chương trình, kế hoạch đã đề ra trong năm 2025.
Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội cũng cảm ơn Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, các Ban của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng đã luôn phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Đảng bộ cơ quan VPQH hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị được giao trong năm 2024.
Lam Giang