Cho ý kiến vào Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về các lĩnh vực như kinh tế tư nhân, khoa học công nghệ, xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật. Đây là những nghị quyết hết sức quan trọng. Vì thế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo cũng cần phải cập nhật những nội dung mới các Nghị quyết này.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu trong phiên thảo luận
Chủ tịch Quốc hội góp ý, tên dự án luật cần đặt là Luật khoa học công nghệ sửa đổi và đổi mới sáng tạo. Bởi trên thực tế, Đảng, Nhà nước, Quốc hội rất quan tâm lĩnh vực khoa học, công nghệ, đồng thời có những sửa đổi để đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Về khái niệm và phạm vi đổi mới sáng tạo, theo Chủ tịch Quốc hội, khái niệm đổi mới sáng tạo trong dự thảo như hiện nay thiên về công nghệ, chưa bao quát đầy đủ các khía cạnh; đề nghị cần bổ sung rõ đổi mới sáng tạo rộng hơn, bao gồm cả các sáng tạo phi công nghệ. Ví dụ như đổi mới sáng tạo là quá trình tạo ra hoặc cải tiến sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh, quy trình quản lý dựa trên công nghệ hoặc là phi công nghệ, mang lại gia tăng và ứng dụng thực tế; cần làm rõ phạm vi điều chỉnh đảm bảo cả các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và quản trị công.
Toàn cảnh phiên thảo luận
Cho rằng, Dự án luật chưa có điều khoản cụ thể đột phá về ưu đãi thuế hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp khoa học công nghệ, trong các trường đại học, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, trong Nghị quyết 18 về kinh tế tư nhân đã nêu rất rõ, Ban soạn thảo cần cập nhật để thể hiện trong dự án luật.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Tôi góp ý cụ thể là quy định rõ về chính sách ưu đãi thuế là phải mạnh mẽ. Ví dụ như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các sản phẩm thương mại hóa từ nghiên cứu khoa học. Ban soạn thảo, Ủy ban Khoa học công nghệ tiếp tục nghiên cứu, thiết lập cơ chế tài chính linh hoạt như quỹ đầu tư mạo hiểm hoặc hỗ trợ vốn ban đầu cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo; đơn giản hóa các thủ tục thương mại hóa kết quả nghiên cứu; giảm các rào cản hành chính để khuyến khích chuyển giao công nghệ. Đổi mới tư duy làm luật, Quốc hội chỉ quy định luật khung, Chính phủ sẽ ban hành nghị định, các bộ ngành ban hành Thông tư, nhưng phải thông suốt từ Quốc hội, Chính phủ tới bộ trong việc đơn giản hóa thủ tục thương mại, làm sao chúng ta xóa rào cản, để cho các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực khoa học công nghệ phát triển."
Chủ tịch Quốc hội cũng góp ý vào việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, cần quy định cụ thể trách nhiệm các chủ thể trong hệ sinh thái như doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, đồng thời lập cơ chế chặt chẽ như mô hình đổi mới sáng tạo hoặc đặt hàng nghiên cứu từ các doanh nghiệp. Đặc biệt, thúc đẩy các trung tâm đổi mới sáng tạo liên ngành tích hợp khoa học xã hội, khoa học tự nhiên để làm động lực cho hệ sinh thái bền vững. Đồng thời bổ sung chính sách hỗ trợ các trung tâm đổi mới sáng tạo, kết nối với các hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Xóa rào cản về thủ tục hành chính để doanh nghiệp phát triển
Về vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý cần bổ sung các chính sách ưu đãi như miễn, giảm thuế thu nhập cá nhân, có chế độ thưởng cho nghiên cứu cơ bản, chia lợi nhuận từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tăng cường đào tạo từ bậc phổ thông đến bậc cao, định hướng ngành nghề sớm cho sinh viên, xây dựng chương trình đào tạo liên ngành.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, muốn đất nước phát triển nhanh thì phải dựa vào khoa học công nghệ, dựa vào giáo dục, đào tạo và nếu có nền giáo dục tốt thì sẽ có những nhà khoa học tốt. Đây là vấn đề cần quan tâm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đưa ra một thực tế hiện nay, nhiều nghiên cứu khoa học chưa được ứng dụng vào thực tiễn hoặc là thương mại hóa dẫn đến lãng phí nguồn lực, theo Chủ tịch Quốc hội cần tăng cường liên kết giữa nghiên cứu và thị trường; khuyến khích cơ chế đặt hàng nghiên cứu doanh nghiệp để đảm bảo đề tài là có tính thực tiễn cao, gắn với nhu cầu thị trường; quy định ưu tiên mua sắm công các sản phẩm hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, tạo động lực cho doanh nghiệp tham gia; hỗ trợ thành lập doanh nghiệp từ trường đại học hoặc Viện nghiên cứu để thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Bên cạnh đó, cần đồng bộ dự án luật này với các luật khác và yêu cầu hội nhập quốc tế. Dự án luật cần đảm bảo liên kết với các luật liên quan như Luật Thuế, Luật đầu tư, Luật Đất đai 2024 để phù hợp với cam kết quốc tế, nhất là các hiệp định thương mại tự do FTA.
Về tính cấp thiết và chiến lược trọng điểm, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần phải nhấn mạnh vai trò khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực chiến lược như trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, năng lượng cao và vật liệu mới; làm rõ lộ trình luật với các mốc thời gian và chỉ tiêu đo lường hiệu quả cụ thể.
Một lần nữa, Chủ tịch Quốc hội nhắc lại tinh thần đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật, tháo gỡ thể chế hiện nay phải hết sức là thông thoáng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay. Theo đó, Ban soạn thảo nên xem xét, những lĩnh vực thuộc phạm vi của Quốc hội thì quy định gọn, rõ, trọng tâm, trọng điểm, phân cấp để Chính phủ ban hành kịp thời các chính sách, các bộ ban hành thông tư tạo sự liên thông, thống nhất từ Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành và địa phương.
Cho biết, dự án luật này được dư luận và các nhà khoa học đặc biệt quan tâm, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, luật ban hành phải có tính đột phá, đạt hiệu quả cao, đặc biệt là phải hơn Nghị quyết 193 của Quốc hội quy định về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ban hành tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 vừa qua.
Lê Tuyết/VOV