Toàn cảnh đại hội. Ảnh: SHB
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB, mã: SHB) chiều 22/4, vấn đề cổ tức, diễn biến giá cổ phiếu và dự án trụ sở mới đã thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cổ đông.
Cổ phiếu SHB vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng
Phát biểu tại đại hội, cổ đông ngân hàng bày tỏ sự hài lòng khi các chỉ tiêu tài chính năm 2024 của SHB đều đạt mục tiêu đề ra, trong đó nổi bật là diễn biến tích cực của giá cổ phiếu SHB trên thị trường chứng khoán.
"Mặc dù thị trường có 4 phiên bán tháo liên tiếp, SHB vẫn phục hồi nhanh và giữ vững đà tăng. Hôm nay cổ phiếu đóng cửa ở mức 13.200 đồng/cp, khớp lệnh ở mức cao kỷ lục," một cổ đông nhận định, đồng thời đặt câu hỏi liệu thị giá hiện tại đã phản ánh đúng giá trị thực của ngân hàng hay chưa?
Một cổ đông khác cũng bổ sung quan điểm: "Cổ phiếu SHB đang giao dịch với mức định giá rất thấp khi chỉ số P/E dưới 6 lần, P/B dưới 0,8 - thuộc nhóm thấp nhất trong các ngân hàng niêm yết. Thị trường rõ ràng chưa phản ánh đúng giá trị thực của chúng ta. Tôi kiến nghị ban lãnh đạo tăng cường hoạt động quảng bá, cung cấp thêm thông tin tích cực để thị trường hiểu đúng và đầy đủ hơn về tiềm năng của SHB".
Cổ đông này nói thêm rằng, nếu được định giá đúng với mức P/E khoảng 12 lần, cổ phiếu SHB hoàn toàn có thể đạt giá 30.000 đồng/cp là điều bình thường. "Lợi nhuận năm 2025 còn tiếp tục tăng trưởng. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho nhà đầu tư mà còn gia tăng uy tín thương hiệu, rất quan trọng trong công tác huy động vốn và mở rộng hoạt động kinh doanh của ngân hàng," cổ đông chia sẻ.
Trực tiếp phản hồi tại đại hội, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch HĐQT SHB bày tỏ sự đồng tình với quan điểm từ các cổ đông, đồng thời đánh giá cao sự tin tưởng mà nhà đầu tư đã dành cho ngân hàng.
"Về câu chuyện giá cổ phiếu, tôi rất phấn khởi khi cổ đông đánh giá tích cực về SHB, nhưng cũng nêu thực trạng là giá trị trên thị trường đang thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực của ngân hàng. Tôi đồng tình và cho rằng với kết quả hoạt động, các chỉ số tài chính, kinh doanh ngắn hạn, trung hạn, dài hạn; lịch sử phát triển, mục tiêu tương lai của SHB - nhất là kết quả năm 2024, kế hoạch 2025 và các năm tiếp theo - thì quý vị cổ đông, là các nhà đầu tư, hoàn toàn có thể tự đánh giá được," ông Hiển nói.
Ông cũng khẳng định, giá trị thực của SHB cao hơn rất nhiều so với giá trị trên sàn chứng khoán hiện nay. "Tuy nhiên, mỗi người có đánh giá và quyết định đầu tư riêng. Chúng tôi hoàn toàn tôn trọng", Chủ tịch SHB phát biểu.
Liên quan đến công tác truyền thông, ông Hiển nhìn nhận: "Tôi tiếp thu ý kiến đóng góp từ cổ đông. Đúng là truyền thông của SHB thời gian qua chưa phát huy hết giá trị, chưa làm nổi bật được các hoạt động, kết quả kinh doanh, chỉ số tài chính, chiến lược, công nghệ, và chuyển đổi số của ngân hàng".
Chúng tôi vốn có thói quen 'nói ít, làm nhiều'. Nhưng cổ đông nói đúng, đã làm được thì phải nói, phải chia sẻ. Do đó, tôi đề nghị Ban điều hành tiếp thu ý kiến này, và sẽ tăng cường công tác truyền thông với tinh thần 'nói thật, làm thật'.
Chúng ta không đánh bóng, mà phải phản ánh đúng giá trị thực của SHB, để cổ đông, nhà đầu tư và các đối tác hiểu rõ hơn. Từ đó, góp phần nâng cao uy tín thương hiệu, mở rộng hợp tác quốc tế và huy động vốn trong và ngoài nước.
Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển
Tự tin với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16%
Báo cáo kết quả quý 1/2025 của SHB cho thấy, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng đạt mức 7,8% tính đến ngày 31/3. Đây là mức tăng trưởng nổi bật so với mặt bằng chung toàn ngành, trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Động lực tăng trưởng đến từ việc SHB đẩy mạnh phát triển các nhóm khách hàng chiến lược, bao gồm doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cũng như khách hàng bán lẻ.
Theo bà Ngô Thu Hà - Tổng Giám đốc SHB, ngân hàng hoàn toàn tự tin với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 16% trong năm 2025. Để hiện thực hóa mục tiêu này, SHB đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, sản phẩm tài chính nhằm phục vụ hiệu quả các phân khúc khách hàng trên tất cả các lĩnh vực. Đồng thời, định hướng tăng trưởng tín dụng của SHB cũng bám sát theo các lĩnh vực ưu tiên được Chính phủ thúc đẩy như đầu tư hạ tầng, tín dụng xanh, công nghệ cao và logistics.
Dù tăng trưởng nhanh, SHB vẫn đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Theo Tổng Giám đốc SHB, tỷ lệ bao phủ nợ xấu hiện nay của ngân hàng là gần 70%. Dù tỷ lệ này chưa cao so với một số ngân hàng khác, nhưng mức độ an toàn vẫn được đảm bảo nhờ quy mô tài sản đảm bảo lớn. Cụ thể, tổng giá trị tài sản đảm bảo của SHB hiện lên tới hơn 1,2 triệu tỷ đồng, trong khi dư nợ chỉ chiếm khoảng 47% trên tổng giá trị đó.
Bên cạnh đó, các khoản trích lập dự phòng đều được thực hiện đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước và pháp luật hiện hành. Điều này thể hiện cam kết của SHB trong việc kiểm soát rủi ro, đảm bảo sự an toàn và ổn định cho hệ thống tài chính nội bộ.
Trong cơ cấu tín dụng của SHB, dư nợ bất động sản năm 2024 chiếm khoảng 24,5% tổng dư nợ - mức được đánh giá phù hợp với định hướng phát triển ngành do Chính phủ đề ra. Tỷ lệ nợ xấu bất động sản tại SHB hiện chỉ ở mức 0,1% trên tổng dư nợ toàn hệ thống, và 0,5% trên dư nợ bất động sản - tương đương khoảng 127.000 tỷ đồng.
"Các khoản cho vay bất động sản của SHB đều được thẩm định kỹ lưỡng và bảo đảm đúng quy định, cho thấy chất lượng tín dụng ở mức an toàn," bà Ngô Thu Hà nhấn mạnh.
Bà Ngô Thu Hà - Tổng Giám đốc SHB trả lời cổ đông trong phần hỏi đáp. Ảnh: SHB
Đánh giá về triển vọng thị trường bất động sản, Chủ tịch SHB Đỗ Quang Hiển cho rằng dư địa tăng trưởng vẫn còn rất lớn, đặc biệt khi nhu cầu nhà ở, thương mại và dịch vụ của người dân Việt Nam vẫn còn thấp hơn so với mặt bằng khu vực. "SHB luôn xác định bất động sản Việt Nam là lĩnh vực tiềm năng trong dài hạn. Những dự án mà ngân hàng tài trợ đều là những khoản đầu tư hiệu quả, mang lại giá trị bền vững", ông Hiển nói.
Vẫn đang tìm 'rể xứng tầm'
Trả lời câu hỏi về kế hoạch tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, Chủ tịch SHB nhấn mạnh ngân hàng đã làm việc với một số đối tác và nhận được sự quan tâm nghiêm túc. Tuy nhiên, SHB không vội vàng gật đầu. "Chúng ta giống như một cô dâu xinh đẹp, tài năng - không thể để một chú rể vớ vẩn đến rước đi được. Chúng ta phải có giá trị, phải được trân trọng đúng mức," ông Hiển nói.
Theo ông, việc chọn đối tác chiến lược không chỉ dựa vào danh tiếng mà phải chú trọng vào giá trị thực mà đối tác mang lại, bao gồm sự hỗ trợ về quản trị, vốn và lợi ích lâu dài. SHB sẽ chọn đối tác chiến lược phù hợp, xứng tầm để cùng phát triển bền vững.
"Đối tác chiến lược sẽ có, nhưng phải là người cùng SHB tạo ra giá trị thực - một cuộc hôn nhân win-win đúng nghĩa," Chủ tịch SHB khẳng định.
Bên cạnh việc mở rộng tín dụng, SHB cũng đang tái định vị chiến lược phát triển dài hạn. Chủ tịch SHB cho biết, mục tiêu đến năm 2028 là trở thành ngân hàng số một về hiệu quả, đồng thời là ngân hàng công nghệ hàng đầu tại Việt Nam và khu vực.
Một điểm nhấn trong chiến lược phát triển mà SHB theo đuổi là mô hình “bán lẻ trong bán buôn” – tập trung phục vụ các khách hàng tổ chức lớn có hệ sinh thái rộng và chuỗi cung ứng hoàn chỉnh, từ đó lan tỏa dịch vụ đến toàn bộ hệ sinh thái, nâng tầm hoạt động ngân hàng bán lẻ.
Trụ sở 'đất vàng' dự kiến khởi công cuối năm
Một trong những điểm nội dung khác được cổ đông SHB quan tâm là tiến độ xây dựng trụ sở mới – được giới thiệu từ năm trước, đặt tại vị trí đắc địa giữa trung tâm thành phố.
Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển cho biết, dự án đang có bước tiến tích cực, được HĐND thành phố Hà Nội thông qua chỉ tiêu quy hoạch công trình 14 tầng. SHB đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để tiến tới phê duyệt chính thức dự án xây dựng công trình này.
"Đây là khu đất ‘kim cương’ với diện tích 2.200 m², ba mặt phố. Khi hoàn thiện, trụ sở mới sẽ không chỉ là bộ mặt của ngân hàng, mà còn là trung tâm tài chính - ngân hàng, khẳng định vị thế và thương hiệu SHB," ông Hiển chia sẻ thêm. Cũng theo người đứng đầu SHB nếu không có thay đổi lớn, công trình trụ sở của ngân hàng này sẽ được khởi công vào cuối năm nay.
Thu Trang