Chủ tịch tỉnh Gia Lai: Nâng tầm cửa khẩu Lệ Thanh để giúp dân thoát nghèo

Chủ tịch tỉnh Gia Lai: Nâng tầm cửa khẩu Lệ Thanh để giúp dân thoát nghèo
10 giờ trướcBài gốc
Theo Sở Xây dựng Gia Lai, QL19 vừa được nâng cấp mở rộng, sắp tới triển khai dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng, thúc đẩy hàng hóa thông thương, tạo cơ hội lớn cho logistics, thương mại dịch vụ và du lịch phát triển.
Báo cáo của UBND xã Ia Dom cho biết, hiện nay Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh nằm trên địa bàn xã. Xã có hơn 13,78 nghìn ha đất, dân số gần 8,7 nghìn người. Đáng chú ý, đất nông nghiệp chiếm hơn 11 nghìn ha, trong đó hơn 10 nghìn ha là đất trồng các cây chủ lực như: Cao su, điều, cà phê...
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai làm việc với chính quyền xã Ia Dom và Khu kinh tế cửa khẩu (Ảnh: T.V.Y).
Dù vậy, nguồn thu của địa phương vẫn rất thấp với 103 hộ nghèo, 432 nhân khẩu (chiếm 4,68%) và 157 hộ cận nghèo, 691 nhân khẩu (chiếm 7,13%).
Theo UBND xã Ia Dom, tỷ lệ hộ nghèo đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số. Nguyên nhân do thiếu đất sản xuất, nhận thức và kỹ thuật canh tác còn hạn chế. Một bộ phận người nghèo có ý chí thoát nghèo kém, tâm lý trông chờ, ỷ lại, trong khi trình độ còn thấp khiến việc tiếp cận vốn, sản xuất, chăn nuôi không đạt hiệu quả, không phát huy được nguồn lực hỗ trợ từ Nhà nước.
Ông Trần Ngọc Phận, Bí thư, Chủ tịch HĐND xã Ia Dom cho biết, trước đây xã chưa thu nổi 1 tỷ đồng mỗi năm. Dù có lợi thế cửa khẩu, tiềm năng thương mại, xuất nhập khẩu, nhưng việc phát huy lợi thế này vẫn còn hạn chế. Nguyên nhân là địa phương chưa đầu tư chiều sâu vào chế biến, sản xuất hàng hóa, dẫn đến chỉ bán sản phẩm thô với giá thành thấp.
Theo ông Phận, các hộ kinh doanh và hộ trồng trọt gặp khó về đầu ra, trong khi việc chế biến nông sản dạng thô có giá trị kinh tế thấp, đồng thời còn gây hệ lụy ô nhiễm môi trường.
Toàn cảnh buổi làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai với chính quyền xã biên giới Ia Dom (Ảnh: T.V.Y).
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Anh Tuấn đánh giá, xã Ia Dom có cửa khẩu Lệ Thanh, đây là “mặt tiền” cùng hạ tầng cơ sở quan trọng giúp địa phương thoát nghèo. Tỉnh sẽ nghiên cứu các kiến nghị của địa phương, ngành để nâng tầm cửa khẩu Lệ Thanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cũng “đặt hàng” năm 2026, xã Ia Dom không còn hộ nghèo. Để thực hiện, cần xuất phát từ hai phía: Người dân và chính quyền.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, cán bộ cần tư duy hỗ trợ đầu ra sản phẩm cho dân, đồng thời hoạch định chiến lược phát triển kinh tế với tầm nhìn dài hạn. Đặc biệt, cần kết nối thị trường, nâng cao nhận thức để người dân ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến hàng hóa. Mặt khác, cần nâng tầm hộ kinh doanh tại địa phương lên doanh nghiệp thì mới phát triển bền vững.
Theo UBND tỉnh Gia Lai, Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh nằm trên trục QL19 kết nối từ cảng Quy Nhơn đến Cửa khẩu Lệ Thanh thông thương với tỉnh Ratanakiri (Campuchia). Khu kinh tế cửa khẩu này được xác định là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, gồm khu phi thuế quan (khu gia công sản xuất, xuất nhập khẩu, trưng bày triển lãm, giới thiệu sản phẩm…) và khu thuế quan (công nghiệp, đô thị, dịch vụ du lịch và các trung tâm tiếp vận của vùng tỉnh Gia Lai).
Khu kinh tế cửa khẩu là đầu mối giao thương phía Tây của tỉnh Gia Lai với các nước Campuchia, Myanmar, Thái Lan; là điểm trung chuyển hàng hóa, khách du lịch quan trọng trên tuyến hành lang Đông - Tây giữa hai nước Việt Nam và Campuchia.
Tạ Vĩnh Yên
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/chu-tich-tinh-gia-lai-nang-tam-cua-khau-le-thanh-de-giup-dan-thoat-ngheo-192250709113901734.htm