Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo 'nóng' sau vụ người dân chặt cây phi lao trong rừng phòng hộ

Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo 'nóng' sau vụ người dân chặt cây phi lao trong rừng phòng hộ
9 giờ trướcBài gốc
Liên quan đến vụ nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển tại xã Thạch Khê (thuộc xã Thạch Hải, thành phố Hà Tĩnh cũ) bị đốn hạ, mới đây, Sở Nông nghiệp và Môi trường đã kiểm tra và có văn bản báo cáo UBND tỉnh Hà Tĩnh
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, xã Thạch Hải (nay là xã Thạch Khê) có 505 ha rừng và đất lâm nghiệp. Trong đó, diện tích đã giao cho hộ gia đình, cá nhân là 259 ha và diện tích chưa giao, chưa cho thuê hiện đang do UBND xã quản lý là 246 ha. Khu vực ven biển có đai rừng phòng hộ chạy dọc bờ biển với bề rộng đai từ khoảng 20m đến 200m.
Do yếu tố lịch sử để lại trong công tác quản lý đất rừng, trước đây vào những năm 1990, dãy đất ven biển xã Thạch Hải (cũ) là đất trống nên UBND xã vận động một số hộ gia đình tự bỏ vốn đầu tư trồng rừng trên đất lâm nghiệp tại những khu vực đất trống, chưa có rừng do UBND xã quản lý gồm các loài cây phi lao, bạch đàn, keo lá tràm, ... Đến nay, các hộ gia đình có nhu cầu khai thác cây đã trồng để tăng thu nhập.
Khu vực rừng phòng hộ ven biển bị khai thác tại xã Thạch Khê.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, trước đó vào cuối tháng 6/2025, sau khi phát hiện 2 hộ dân khai thác phi lao trái phép, Đội Kiểm lâm cơ động và PCCCR, Chi cục Kiểm lâm đã phối hợp với UBND xã Thạch Hải, Công an xã Thạch Hải (cũ) lập biên bản, đình chỉ việc khai thác phi lao đồng thời tiếp tục điều tra, xác minh làm rõ.
Liên quan đến nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh cũng vừa có văn bản yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ rừng, các sở, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc Văn bản số 4635/UBND-NL4 ngày 1/7/2025 của UBND tỉnh chỉ đạo về công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Nhiều diện tích rừng phòng hộ ven biển bị người dân chặt hạ.
Đồng thời yêu cầu UBND các phường, xã có rừng tập trung thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn; thường xuyên kiểm tra, rà soát xác định các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ xâm hại cao, nhất là các khu vực rừng tự nhiên, rừng phòng hộ ven biển...
Chỉ đạo các phòng, ngành chức năng (kiểm lâm địa bàn, công an, quân sự, lực lượng bảo vệ an ninh trật tự cơ sở...) tăng cường phối hợp kiểm tra, giám sát các chủ rừng thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc; các chương trình, dự án có liên quan đến rừng và đất lâm nghiệp; các cơ sở kinh doanh, chế biến lâm sản..; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.
Kiểm tra, rà soát diện tích đất lâm nghiệp chưa giao, chưa cho thuê hiện đang do UBND cấp xã quản lý để xây dựng phương án quản lý, bố trí sử dụng đảm bảo đúng quy định pháp luật, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế đất lâm nghiệp trên địa bàn….
Trước đó, Tiền Phong cũng đăng tải bài viết: "Nhiều diện tích rừng phi lao phòng hộ bị đốn hạ" nhằm phản ánh tình trạng hàng trăm gốc phi lao thuộc rừng phòng hộ ven biển tại xã Thạch Khê (Hà Tĩnh) bị chặt hạ trơ gốc, chất đống ven đường. Những gốc phi lao bị đốn hạ có đường kính từ 15-25cm, được trồng từ nhiều năm trước.
Nhiều diện tích rừng phi lao phòng hộ bị chặt hạ. (Clip: Hoài Nam)
Hoài Nam
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/chu-tich-tinh-ha-tinh-chi-dao-nong-sau-vu-nguoi-dan-chat-cay-phi-lao-trong-rung-phong-ho-post1758580.tpo