Ngày 30/11, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Ảnh: Đ.H.
Dấu mốc lịch sử
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã được nghiên cứu, xây dựng trên cơ sở những góp ý quý báu của Nhân dân, các trí thức, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các chuyên gia, các Ban, bộ ngành Trung ương.
Ngày 30/11/2024, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đây là thành quả có ý nghĩa chính trị, kinh tế - xã hội quan trọng, vừa hiện thực hóa chủ trương của Đảng, vừa thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự đồng thuận cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thừa Thiên - Huế.
“Trong thời khắc quan trọng này, tôi vô cùng phấn khởi, hạnh phúc và tự hào khi mục tiêu đưa Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương đã thành hiện thực. Đây là một mốc son, là dấu ấn quan trọng mang tính lịch sử, không chỉ cho sự phát triển của tỉnh mà còn cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, văn hóa và lịch sử đặc trưng của Huế”, ông Phương vui mừng nói.
Huế luôn điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: Đ.H.
Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đảm bảo đúng định hướng, chỉ đạo, quan điểm, tư tưởng của Bộ Chính trị, sẽ tạo ra ảnh hưởng và sức bật mới không chỉ cho Huế phát triển mà còn tạo điều kiện cho Huế khai thác tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh về vị trí, di sản, văn hóa và đóng góp thiết thực cho vùng, cho đất nước, tạo ra những vận hội mới để tiếp tục triển khai các nhiệm vụ mang tính chiến lược của địa phương, vùng và quốc gia trong giai đoạn tiếp theo; đồng thời, sẽ giúp thành phố Huế bảo tồn và phát huy hơn nữa giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, sau khi Quốc hội thông qua Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, các bước tiếp theo sẽ tập trung vào việc triển khai các kế hoạch và hành động cụ thể để thực hiện Nghị quyết này.
Theo đó, tỉnh đã xây dựng một kế hoạch chi tiết để triển khai Nghị quyết như: Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị các cấp; sắp xếp, bố trí các chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người hoạt động không chuyên trách tại các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp và giải quyết chế độ, chính sách đối với các trường hợp dôi dư; Chuyển đổi giấy tờ cho cơ quan, tổ chức và công dân... rất nhiều nội dung công việc cần phải thực hiện, song song đó, tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia của người dân trong việc xây dựng và phát triển thành phố Huế trực thuộc trung ương.
Đảm bảo hài hòa giữa bảo tồn với phát triển kinh tế
Chia sẻ về những thách thức khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, ông Nguyễn Văn Phương cho rằng, có nhiều vấn đề cần phải giải quyết, nhưng một trong những thách thức lớn nhất chính là đảm bảo hài hòa giữa việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với xu hướng phát triển kinh tế trong bối cảnh phát triển đô thị.
Huế là một thành phố với 8 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của thế giới, cùng gần 1.000 di tích lịch sử; là thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “Thành phố văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường ASEAN”, “Thành phố Xanh quốc gia”,... khẳng định thương hiệu: “Một điểm đến - 8 di sản”, do đó, thách thức này luôn được quan tâm chú trọng để giải quyết thấu đáo, bền vững.
Ngoài ra, Huế được định hướng phát triển trên cơ sở những nét đặc thù về lịch sử, văn hóa, cảnh quan kiến trúc của mô hình thành phố trực thuộc trung ương; phát triển theo hướng hài hòa, bền vững, giảm áp lực dân cư tập trung vào đô thị, hạn chế can thiệp, ảnh hưởng đến các di tích và cảnh quan kiến trúc truyền thống,... Quá trình phát triển của Huế luôn phải cân nhắc giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị.
Huế thành phố của di sản. Ảnh: Đ.H.
Cùng với đó, việc tuyên truyền, giáo dục ý thức cho người dân về tầm quan trọng của việc bảo tồn di sản, văn hóa cũng là một thách thức. Câu chuyện về Thừa Thiên - Huế không chỉ là việc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, mà còn là hành trình tìm kiếm một mô hình phát triển bền vững, nơi di sản văn hóa được bảo vệ và phát huy trong sự phát triển hiện đại.
“Vì vậy, để thực hiện mục tiêu phát triển Huế theo hướng trở thành đô thị hiện đại, văn minh, thân thiện, cởi mở chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước; tỉnh sẽ ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư cho mục tiêu bảo tồn và phát huy có hiệu quả các giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế - con người Huế một cách bền vững, theo hướng “bảo tồn đi liền với phát triển”; phát huy bản sắc văn hóa Huế, con người Huế; tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, an toàn và thân thiện để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển bền vững; khai thác các giá trị văn hóa, di sản để phát triển du lịch dịch vụ.
Ưu tiên nguồn lực địa phương và huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện công tác bảo tồn di sản, công nghiệp văn hóa, tổ chức các hoạt động lễ hội, sự kiện văn hóa nghệ thuật có quy mô tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Đồng thời, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa”, ông Phương nói.
Nguyễn Quốc