Ngày 8/2, Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM (Hội đồng) đã tiến hành phiên họp thứ 6.
Tại đây, các thành viên Hội đồng đã thảo luận, trao đổi những định hướng hoạt động của Hội đồng cũng như những hoạt động trọng tâm nhằm đưa kinh tế thành phố phát triển trong giai đoạn mới.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, mục tiêu tăng trưởng hai con số đã được lãnh đạo thành phố nhìn nhận là rất thách thức, tuy nhiên thành phố đặt mục tiêu cao để phấn đấu và điều này có cơ sở.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi trao đổi tại phiên họp. Ảnh: Ngô Tùng
Theo ông Mãi, những việc mà thành phố đã triển khai trong kế hoạch kinh tế – xã hội 2025 rất quan trọng. Đến giờ này, nó cũng gắn sát với mục tiêu tăng trưởng hai con số. “Từng động lực tăng trưởng đã được phân tích và đã có giải pháp. Còn lại, chúng ta cập nhật kịch bản và tiếp tục bổ sung”, người đứng đầu chính quyền TPHCM nêu rõ.
Chủ tịch UBND TPHCM cũng thông tin về một số nội dung mà thành phố sẽ trình trong thời gian tới. Đó là cơ chế, chính sách cho đề án đường sắt đô thị sẽ được thảo luận ngay trong kỳ họp Quốc hội tháng 2 này. Tiếp đó, dự án đường Vành đai 4 và Trung tâm tài chính quốc tế được trình trong tháng 5. Trong khi đó, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ cùng một số hình thức BOT theo Nghị quyết 98 và một số hình thức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất thì thành phố cũng đã bàn trong thời gian vừa qua và năm nay sẽ có được kết quả.
“Ngày hôm qua, tôi đã bàn về lâm viên sinh thái ở khu Thủ Thiêm 150 ha. Theo đó, thành phố sẽ đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có sử dụng đất để tạo ra một lâm viên, một vùng sinh thái ngay trong đô thị, kết hợp với việc khai thác một tỷ lệ nhất định để chúng ta có thể vận hành một phương thức là lựa chọn nhà đầu tư. Đây là một việc rất mới từ Nghị quyết 98”, ông Phan Văn Mãi cho hay và cho rằng nếu làm được việc này sẽ mở ra những cách làm ở các dự án và vị trí khác.
Khu lâm viên trên được UBND TPHCM phê duyệt thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm, có diện tích hoảng 150,25 ha.
Theo quy hoạch, khu vực này gồm có 4 phân khu chức năng: Khu lâm viên sinh thái, khu nghỉ dưỡng sinh thái, khu công viên giải trí và khu viện nghiên cứu. Khu vực quy hoạch có chức năng là công viên cấp trung tâm thành phố với cảnh quan chủ đạo là công viên rừng ngập nước, mục tiêu trở thành nơi tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, điểm du lịch tham quan và phục vụ sinh hoạt cộng đồng. Đây sẽ được coi là "lá phổi xanh" cho khu vực trung tâm thành phố với đa dạng các loài thực vật, hoa, cây quả...
Quang cảnh phiên họp thứ 6 của Hội đồng.
Tận dụng nguồn lực trong tay
Trao đổi tại phiên họp, GS.TS Vũ Minh Khương, giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore đánh giá TPHCM có tiềm năng tăng trưởng rất lớn, tuy nhiên cần chú trọng thêm hai vấn đề quan trọng. Đầu tiên, cần nâng cao trình độ quản lý của các doanh nghiệp và nguồn lực, giúp các doanh nghiệp bán được sản phẩm với giá tốt hơn, xuất khẩu với chất lượng và ổn định cao hơn.
Thứ hai, việc chuyển dịch mô hình là rất quan trọng. Ví dụ, các khu công nghiệp truyền thống ở TPHCM có thể chuyển đổi thành các trung tâm dữ liệu hoặc khu công nghiệp hiện đại. Việc này không chỉ giúp các doanh nghiệp trở nên xanh hơn, tốt hơn mà còn giúp các khu vực trung tâm của thành phố trở thành những trung tâm dữ liệu, thu hút hàng tỷ USD đầu tư nhanh chóng, giống như tại Thái Lan hay Malaysia.
“Việc tái cơ cấu từ đất đai, vốn sang công nghệ và các ngành công nghiệp hiện đại sẽ giúp TPHCM trở thành trung tâm hàng đầu của khu vực. Điều này sẽ thúc đẩy các đầu tư lớn từ các chủ đầu tư quốc tế”, GS Khương góp ý.
Vị chuyên gia nhìn nhận, thành phố thường tìm kiếm những đột phá mới, nhưng nguồn lực thực sự lại nằm ngay trong tay mình, cụ thể là các doanh nghiệp thành phố. Theo ông Khương, nếu chính quyền không hỗ trợ, các doanh nghiệp sẽ không thể phát triển như kỳ vọng. Do đó, cần khảo sát, thấu hiểu nhu cầu của họ và tạo ra sự cộng hưởng để thúc đẩy năng lực của thành phố – từ nguồn lực hiện có là các doanh nghiệp.
Ngô Tùng