Theo ông Trịnh Văn Tuấn, giá cổ phiếu OCB đang bị định giá thấp so với các cổ phiếu khác cùng ngành, khi mà P/B của OCB chỉ ở mức 0,82 vào phiên cuối tuần trước, trong khi trung bình các ngân hàng tư nhân là 1,25. Như vậy, cổ phiểu OCB đang bị chiết khẩu tới 35%.
Tuy nhiên, ông Tuấn thẳng thắn thừa nhận rằng, khi kết quả kinh doanh chưa đạt kỳ vọng thì giá cổ phiếu cũng sẽ bị tác động. Tuy nhiên, OCB đã và đang đưa ra một số giải pháp nhằm cải thiện sức khỏe tài chính, tình hình kinh doanh nhằm tạo niềm tin trong mắt các cổ đông hiện hữu lẫn các nhà đầu tư tiềm năng:
Đầu tiên OCB cần cải thiện tình hình tài chính tích cực hơn, trở thành một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả, cao hơn trung bình ngành.
Chủ tịch OCB ông Trịnh Văn Tuấn.
Tiếp theo là kiểm soát tốt nợ hiện hữu, đồng thời đẩy mạnh công tác thu hồi và xử lý nợ xấu. Tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu hoạt động, nhân sự để hoạt động hiệu quả hơn. Bên cạnh xây dựng kế hoạch 5 năm rõ ràng và khả thi, thường xuyên cập nhật và truyền thông đến các nhà đầu tư. Đẩy mạnh truyền thông hình ảnh OCB đến cả tệp khách hàng cá nhân lẫn doanh nghiệp nhằm mở rộng thị phần và nâng cao vị thế của OCB trong ngành ngân hàng. Từ đó nâng cao niềm tin, vị thế của OCB trong mắt các nhà đầu tư tiềm năng.
Sang năm 2024, OCB cũng đã có sự cải tổ mạnh mẽ và đang từng bước thay đổi, ngân hàng kỳ vọng sẽ đạt được những kết quả khả quan hơn trong năm nay, nếu các yếu tố bên ngoài không tác động quá nhiều và thị trường bất động sản hồi phục.
Năm nay, OCB trả cổ tức tiền mặt 7% và phát hành 8% cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu. Đây là lần đầu tiên OCB trả cổ tức bằng tiền mặt kể từ khi niêm yết.
Theo ông Tuấn, năm 2024 là một năm khá khó khăn trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng do ảnh hưởng chung từ kinh tế thế giới và trong nước. Năm 2025, dự báo cũng còn nhiều thách thức.
Tuy nhiên, OCB luôn ưu tiên quyền lợi của các cổ đông thông qua việc, hầu hết năm nào ngân hàng cũng tiến hành chia cổ tức. Năm nay, OCB đã tiến hành trình ĐHĐCĐ phê duyệt chính sách trả cổ tức tiền mặt 7% và 8% từ phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu.
Như vậy, tổng lợi ích cổ đông nhận được là 15% trong năm 2025. Sau khi được ĐHĐCĐ phê duyệt, OCB sẽ trình Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để chấp thuận chủ trương. Ngân hàng sẽ chi trả ngay sau khi 2 cơ quan quản lý chấp thuận. Dự kiến, quá trình này dự kiến khoảng vài tháng và Ngân hàng sẽ thực hiện công bố thông tin đến cổ đông sau khi nhận được sự chấp thuận từ các cơ quan nhà nước.
Cũng theo ông Tuấn, thị trường chứng khoán Việt Nam được nhận định còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn khi tỷ lệ dân số tham gia chưa cao và cơ hội nâng hạng thị trường lên mới nổi là rất lớn.
Đây cũng là lĩnh vực mà các ngân hàng trên hệ thống nói chung và OCB nói riêng khá "tâm huyết" giúp ngân hàng hoàn thiện mảnh ghép trong hệ sinh thái của mình, đẩy mạnh phát triển, đa dạng dịch vụ sản phẩm, đồng thời gia tăng khoản thu nhập ngoài lãi cho ngân hàng.
Tại OCB, ngân hàng cũng cần một ngân hàng đầu tư để phối hợp với nhau, phục vụ khách hàng tốt hơn, đặc biệt là nhóm khách hàng priority. Do vậy, Ban lãnh đạo OCB đã có định hướng sở hữu công ty chứng khoán, nhằm mục tiêu đưa OCB trở thành ngân hàng giao dịch chính của khách hàng.
Tuy nhiên, do điều kiện thị trường hiện chưa thuận lợi nên ở giai đoạn này, OCB đã triển khai việc hợp tác chiến lược toàn diện với Công ty Chứng khoán VIS. Về dài hạn, có thể tiến tới sở hữu công ty chứng khoán trong thời gian tới khi điều kiện thuận lợi.
Đối với kế hoạch năm 2025, để đạt được kế hoạch đã đặt ra, ngân hàng sẽ tập trung vào các kế hoạch hành động trọng tâm bao gồm: Tập trung thu nhập lõi, tăng tỷ trọng thu nhập phí và CASA; Tập trung chuyển đổi số và phát triển dữ liệu; Quản trị vốn và rủi ro theo chuẩn Basel; Xây dựng văn hóa và nâng cao năng lực nhân sự.
Sắp tới, OCB sẽ công bố báo cáo tài chính quý I/2025 theo luật quy định.
Thùy Vinh