Chủ tịch Trung Quốc không dự BRICS+: Ai sẽ lấp khoảng trống?

Chủ tịch Trung Quốc không dự BRICS+: Ai sẽ lấp khoảng trống?
9 giờ trướcBài gốc
Hội nghị thượng đỉnh BRICS+ lần thứ 17 sẽ tổ chức từ ngày 6-7/7 tại Rio de Janeiro, Brazil. (Nguồn: TGT Global)
Tiền lệ chưa từng có
Từ năm 2009, BRICS bắt đầu tổ chức Hội nghị thượng đỉnh thường niên và kể từ khi lên nắm quyền vào cuối năm 2012, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình luôn tham dự đầy đủ các kỳ Hội nghị. Tuy nhiên, “gió đổi chiều” vào năm nay khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 2/7 xác nhận, Thủ tướng Lý Cường sẽ thay mặt lên đường sang Rio de Janeiro.
Bắc Kinh chưa công bố lý do chính thức cho sự vắng mặt của Chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên, theo tờ South China Morning Post, nguyên nhân có thể là “trùng lịch”, hơn nữa Chủ tịch Trung Quốc đã gặp Tổng thống Brazil Lula da Silva hai lần trong năm qua. Ngoài ra, lịch gặp gỡ dày đặc, cùng hành trình dài và mất nhiều thời gian có thể là lý do khiến nhà lãnh đạo Trung Quốc không tham dự trực tiếp Hội nghị lần này.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Tập Cận Bình đang phải ưu tiên xử lý các vấn đề trong nước trong bối cảnh đất nước tỷ dân đối mặt nhiều khó khăn kinh tế, như khủng hoảng bất động sản, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và đối đầu thương mại với Mỹ. “Việc ông Tập Cận Bình không tham dự cho thấy Bắc Kinh đang đặt trọng tâm vào tình hình trong nước và có thể đánh giá Hội nghị BRICS+ lần này không mang lại bước đột phá đáng kể cho Trung Quốc”, Phó giáo sư khoa chính trị học, Đại học Quốc gia Singapore (NUS) Chong Ja Ian nhận định.
Ở một góc nhìn khác, theo ông Gabriel Huland, giảng viên Trường Nghiên cứu quốc tế, Đại học Nottingham Ningbo (Trung Quốc), việc Chủ tịch Tập Cận Bình không dự Hội nghị BRICS+ không đồng nghĩa Bắc Kinh bớt coi trọng tổ chức này. Ngược lại, điều đó cho thấy Trung Quốc đánh giá BRICS đủ ổn định và đang đi đúng hướng mà Bắc Kinh kỳ vọng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan, Nga tháng 10/2024. (Nguồn: NBC News)
Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin không thể đến Brazil do lệnh bắt giữ của Tòa án hình sự quốc tế (ICC) mà chỉ tham dự trực tuyến, do đó Điện Kremlin cử đại diện thay thế là Ngoại trưởng Sergei Lavrov. Là thành viên ICC, Brazil có nghĩa vụ bắt giữ nhà lãnh đạo Nga nếu ông đặt chân đến nước này. Trước đó, ông Putin cũng không dự Hội nghị BRICS 2023 tại Nam Phi vì lý do tương tự.
Ấn Độ lên ngôi?
Với sự vắng mặt của Chủ tịch Trung Quốc và Tổng thống Nga, nhóm 4 nước sáng lập BRICS chỉ còn Thủ tướng Ấn Độ và Tổng thống Brazil hiện diện tại Hội nghị năm nay.
Ngày 30/6, Thứ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Dammu Ravi tuyên bố, sự hiện diện của Thủ tướng Modi khẳng định mong muốn đoàn kết với khối và là cơ hội để làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước phương Nam toàn cầu. Thể hiện tinh thần này, từ ngày 2-9/7, nhà lãnh đạo Ấn Độ bắt đầu chuyến công du dài nhất của mình trong gần 10 năm qua, đi qua 3 nước Nam Mỹ, Caribe và châu Phi gồm Ghana, Trinidad & Tobago, Argentina, trước khi tham dự Hội nghị tại Brazil và kết thúc hành trình tại Namibia.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ là nguyên thủ trong bộ tứ sáng lập BRICS có mặt trực tiếp tại Hội nghị, bên cạnh nước chủ nhà Brazil. (Nguồn: Sunday Guardian Live)
Tạp chí Swarajya (Ấn Độ) cho rằng, New Delhi có thể tận dụng Hội nghị này để kêu gọi chống khủng bố sau vụ tấn công tại Pahalgam hôm 22/4. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể sẽ phản đối việc đưa quan điểm chống khủng bố vào tuyên bố chung do mối quan hệ gần gũi với Pakistan. Bên cạnh đó, Bắc Kinh từ lâu đã kêu gọi tăng cường sử dụng đồng nội tệ và ủng hộ đề xuất xây dựng đồng tiền chung của BRICS. Tuy nhiên, Ấn Độ nêu quan điểm rằng, các nước phương Nam toàn cầu đang “tìm kiếm các lựa chọn thay thế” trong thương mại, nhưng không phải là “phi USD”.
Theo Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp BRICS Harvansh Chawla, nhờ uy tín và các sáng kiến của Thủ tướng Modi, Ấn Độ đang có vai trò hết sức quan trọng trong sự kiện lần này, trong bối cảnh New Delhi chuẩn bị giữ chức Chủ tịch luân phiên của khối và tổ chức Hội nghị thượng đỉnh vào năm 2026. “Đây sẽ là một trong những Hội nghị quan trọng nhất của BRICS từ trước đến nay, không chỉ vì Thủ tướng Modi tham dự, mà còn bởi cuộc chiến thuế quan mà Mỹ đã phát động trên toàn thế giới”, ông Chawla khẳng định.
Như vậy, quyết định chưa từng có tiền lệ của Chủ tịch Tập Cận Bình đã khơi dậy nhiều ý kiến xung quanh ưu tiên chính sách của Bắc Kinh với BRICS, giữa lúc Trung Quốc đối diện một số khó khăn nội bộ cần giải quyết triệt để. Trước sự vắng mặt của hai nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc và Nga, Ấn Độ được kỳ vọng nắm vai trò dẫn dắt chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh mở rộng năm nay, nhằm phát huy tiếng nói của các nước phương Nam toàn cầu.
(theo CNA)
Diệu Linh
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/chu-tich-trung-quoc-khong-du-brics-ai-se-lap-khoa-ng-trong-319841.html