Bên ngoài hiện đại, phía trong ôm nợ
AISVN được thành lập theo quyết định số 432 ngày 30/1/2019 của UBND TPHCM; được phép hoạt động giáo dục theo Quyết định số 1473 ngày 13/6/2019 của Sở GD-ĐT. Trường giảng dạy thí điểm chương trình IB Tiểu học -Primary Years và chương trình IB Trung học - Middle Years and Diploma Programs. Ngôi trường hiện đại nằm trên địa bàn Nhà Bè, có học phí lớp 1-12 tương ứng 450-725 triệu đồng/năm do bà Nguyễn Thị Út Em làm chủ tịch.
Chuyện xảy ra ở AISVN cách đây vài năm, nhưng âm ỉ trước đó, bởi trước thời điểm các phụ huynh rầm rộ căng băng rôn đòi nợ thì nhiều người đã ròng rã đòi nợ từ vài năm trước. Nguyên nhân là nhiều phụ huynh có con học tại AISVN đã cho bà Út Em vay vốn theo hình thức đầu tư. Người cho vay 3 tỷ, 5 tỷ, 8 tỷ thậm chí đến 15 tỷ; đổi lại phụ huynh không phải đóng học phí trong quá trình con theo học tại trường. Nhà trường cam kết trả lại tiền vay từ phụ huynh khi học sinh kết thúc chương trình hoặc hoàn thành thủ tục chuyển trường.
Bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch AISVN. Ảnh: Lê Huyền
Phụ huynh tiết lộ, AISVN nợ họ số tiền 3.000 tỷ đồng, nhưng thực tế đã huy động vốn qua ba dạng hợp đồng với số tiền 3.600 tỷ đồng.
Dạng thứ nhất là phụ huynh đóng gói 4 tỷ để con học từ lớp 1 đến 12. Sau khi con tốt nghiệp hoặc chuyển trường, họ sẽ được trả lại. Thứ hai là phụ huynh đóng gói 2 tỷ cho con học trọn khóa và không được hoàn lại. Cuối cùng là phụ huynh có thể chọn đóng theo tiến độ học tập của con em mình.
Trước sức ép của phụ huynh, bà Út Em cam kết trả dần nợ, và cho biết khó khăn là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ở thời điểm doanh nghiệp phải cắt giảm lương thưởng, AISVN vẫn chi trả lương và các phúc lợi như chi phí nhà cửa, ăn ở, vé máy bay đầy đủ cho người lao động trong và ngoài nước. Bà Út Em đưa ra lời hứa sẽ tiến hành tái cơ cấu toàn bộ hoạt động tài chính nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy và ổn định tài chính lâu dài với 5 bước, nhưng chỉ là hứa hão.
Sự cầu cứu của phụ huynh AISVN lên tới đỉnh điểm khi giáo viên nghỉ việc dẫn tới con cái họ phải nghỉ học gián đoạn hoặc có tới trường cũng chỉ ngồi chơi. Phụ huynh đã gửi đơn lên cơ quan chức năng, Sở GD-ĐT, Công an TPHCM. Bà Út Em bị phụ huynh tố không hợp tác, không cầu thị và vô cảm trước những khó khăn, tình trạng bấp bênh của việc tổ chức dạy và học mà giáo viên, học sinh và phụ huynh đã, đang phải đối mặt.
Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu AISVN phải đảm bảo quyền lợi tối đa cho người học. Riêng vấn đề vay vốn là sự thỏa thuận của phụ huynh và nhà trường. Sở sau đó phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá toàn bộ tình hình tài chính của AISVN.
Sự vào cuộc của nhiều cơ quan để đảm bảo quyền lợi cho học sinh
Trước những lùm xùm ở AISVN, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu bà Út Em thực hiện đúng các văn bản quy định về hoạt động chuyên môn, quản lý nhà trường, quy định nhiệm vụ. Nhà trường cần nhanh chóng có giải pháp xử lý, chấm dứt tình trạng giáo viên xin nghỉ đồng loạt để đảm bảo việc tổ chức hoạt động giáo dục, duy trì và tổ chức dạy học đúng kế hoạch chương trình, đảm bảo quyền lợi học tập cho học sinh, đồng thời giải quyết cho học sinh chuyển trường theo nhu cầu của phụ huynh.
Biết trường không thể trụ vững, nhiều phụ huynh tháo chạy khỏi AISVN bằng cách chuyển trường cho con. Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu các phòng GD-ĐT, hiệu trưởng các trường THPT và trường có vốn đầu tư nước ngoài tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận học sinh có nhu cầu chuyển từ AISVN đến học.
Trường Quốc tế Mỹ Việt Nam - AISVN.
Lúc này, Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Chủ tịch UBND TPHCM, Bộ GD-ĐT chỉ đạo các cơ quan thực hiện ngay các giải pháp, bảo đảm quyền lợi học tập cho học sinh, không để việc học tập của các em bị gián đoạn.
Để trường trụ đến hết năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT đã tổ chức một cuộc họp ba bên ở AISVN. Bà Út Em với vai trò chủ đầu tư và Sở GD-ĐT TPHCM, vận động phụ huynh đóng thêm tiền để con được đi học đến hết năm. Mỗi cấp học khác nhau, phụ huynh đóng từ 10 đến 20 triệu đồng/tháng. Tổng số tiền AISVN cần phụ huynh đóng để duy trì năm học đến hết tháng 5/2024 là 125 tỷ đồng. Một tài khoản ngân hàng đồng sở hữu 3 bên giữa Sở GD-ĐT, nhà trường, phụ huynh được lập ra để thu tiền và trả lương cho giáo viên. Dù liên tục vận động, phụ huynh chỉ góp được hơn 30 tỷ đồng - số tiền này như muối bỏ bể với AISVN. Tình thế này buộc AISVN kết thúc năm học sớm trước 1 tháng. Hơn 70 học sinh lớp 12 được học để tham dự kỳ thi IB như kế hoạch. Sở GD-ĐT cũng yêu cầu học sinh AISVN nhanh chóng chuyển đi.
Trường bị đình chỉ nhưng chủ tịch gây rối
Hết năm học, AISVN bị Sở GD-ĐT TPHCM đình chỉ hoạt động trong 12 tháng (từ 1/7/2024) do nhà trường không đảm bảo điều kiện cho phép hoạt động, gồm nguồn lực tài chính và số lượng cán bộ quản lý giáo dục theo yêu cầu. Bà Út Em bị cơ quan chức năng cấm xuất cảnh.
Mặc dù trường bị đình chỉ nhưng bà Út Em vẫn thực hiện một số hoạt động chuẩn bị cho năm học mới như công bố đã tìm được nhà đầu tư, công bố hiệu trưởng mới, thực hiện khảo sát nhu cầu học sinh, chuẩn bị khai giảng. Những việc làm này của bà Út Em đã bị Sở GD-ĐT "tuýt còi" và yêu cầu trường này phải tuân thủ các quy định hiện hành.
Mặt khác, do nợ thuế, AISVN bị chi cục thuế khu vực quận 7 - huyện Nhà Bè đề nghị thu hồi giấy phép thành lập. Trước khi bị khởi tố và bắt tạm giam, tháng 3/2025 vừa qua, bà Út Em đã dẫn theo một nhóm nhân viên và phụ huynh đến trước cổng trường, thực hiện hành vi kích động, đập phá trường. AISVN từ trường học hiện đại đến vỡ nợ nghìn tỷ, học sinh ly tán, giáo viên bỏ việc, trường bị đình chỉ, chủ tịch bị bắt giam.
Lê Huyền