Quang cảnh buổi làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười với Sở Nông nghiệp và Môi trường
Tham dự có đại diện các sở, ngành liên quan, các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tôn Thiện San báo cáo cho biết: Cơ cấu tổ chức bộ máy sau hợp nhất Sở Nông nghiệp và Môi trường có 1 Giám đốc và 14 Phó Giám đốc; 6 phòng chuyên môn nghiệp vụ; 8 chi cục; 36 đơn vị sự nghiệp và 4 tổ chức khác, giảm 46 phòng, đơn vị trực thuộc.
Về nhân sự sau hợp nhất, Sở Nông nghiệp và Môi trường có 5.154 công chức, viên chức và người lao động, 2.020 viên chức và 1.958 người làm việc ở các đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác, giảm 394 biên chế công chức, viên chức.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng Tôn Thiện San báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2025, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025
Kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2025 với các chỉ tiêu chính đạt được gồm: Tổng giá trị sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản 15.100 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 5,17% so với cùng kỳ. Toàn tỉnh có 919 hợp tác xã, đạt 99,5% (tỷ lệ hoạt động khá tốt 46%), 875 tổ hợp tác và 1.461 trang trại; 528 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm (123% kế hoạch).
Lãnh đạo phụ trách các lĩnh vực chuyên môn của ngành Nông nghiệp và Môi trường Lâm Đồng đề xuất các giải pháp phát triển trong thời gian tới.
Trong tổng số 913 sản phẩm OCOP (115% kế hoạch) có 821 sản phẩm OCOP 3 sao; 85 sản phẩm OCOP 4 sao; 7 sản phẩm OCOP 5 sao. Tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh 97,62%. Tỷ lệ che phủ rừng 46,72%.
Sau khi kết thúc hoạt động cấp huyện, toàn tỉnh có 80 xã nông thôn mới (đạt 77,7%); 9 xã nông thôn mới nâng cao (đạt 8,7%); 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 2,9%).
Lãnh đạo phụ trách các lĩnh vực chuyên môn của ngành nông nghiệp và môi trường Lâm Đồng đề xuất các giải pháp phát triển trong thời gian tới
Về nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở và các chi cục trực thuộc theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật trình UBND tỉnh ban hành; bổ nhiệm công chức, viên chức lãnh đạo quản lý được UBND tỉnh phê duyệt; xây dựng Đề án vị trí việc làm trình UBND tỉnh phê duyệt; rà soát, trình UBND tỉnh giải quyết chế độ, chính sách cho công chức, viên chức và người lao động theo quy định; phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức tập huấn, hướng dẫn, triển khai phân cấp, phân quyền chính quyền 2 cấp trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường; rà soát, đánh giá tác động của các văn bản hành chính quy phạm pháp luật trong lĩnh vực nông nghiệp…
Lãnh đạo phụ trách các lĩnh vực chuyên môn của ngành nông nghiệp và môi trường Lâm Đồng đề xuất các giải pháp phát triển trong thời gian tới.
Đến cuối năm 2025, ngành nông nghiệp và môi trường Lâm Đồng tiếp tục cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng hướng đến toàn diện bền vững và hiện đại, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Cụ thể, chuyển đổi, trồng mới ít nhất 13.000 ha cây trồng các loại; duy trì mức tăng trưởng của ngành chăn nuôi từ 5,2% trở lên; ổn định diện tích sản xuất thủy sản trên 7.400 ha; trên 104. 000 m3 lồng biển và 142 ha sản xuất ương dưỡng giống với sản lượng nuôi trồng ước đạt 30.258 tấn/năm; tăng cường phòng, chống phá rừng; đẩy mạnh thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; triển khai, thi hành Luật Đất đai năm 2024; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về đất đai, lâm nghiệp; đẩy nhanh tiến độ kiểm kê đất đai cấp xã…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Lê Trọng Yên khẳng định những thế mạnh phát triển du lịch, nông nghiệp, khai thác khoảng sản của Lâm Đồng
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Lê Trọng Yên nhấn mạnh, Lâm Đồng có diện tích đất tự nhiên và đất nông nghiệp lớn nhất cả nước với những thế mạnh phát triển trên nhiều lĩnh vực du lịch, nông nghiệp, khai thác khoảng sản, năng lượng tái tạo.
Bởi vậy, cần chú trọng xây dựng các thương hiệu sản phẩm đặc trưng thế mạnh từng vùng, miền; quy hoạch đất đai, xây dựng giá đất, tham mưu gỡ bỏ các quy hoạch bị chống lấn nhất là quy hoạch khoáng sản.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và môi trường quan tâm các giải pháp kiểm tra, cấp phép khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng, tránh trường hợp tăng giá vật liệu xây dựng bất thường; chú trọng công tác bảo vệ môi trường sinh thái, tuyệt đối không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế thuần túy…
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười nhấn mạnh từng giải pháp trọng tâm đối với ngành nông nghiệp và môi trường Lâm Đồng trong thời gian tới
Sau khi các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và Môi trường và các sở, ngành liên quan phát biểu đánh giá và đề xuất các giải pháp phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười kết luận và chỉ đạo những giải pháp trọng tâm trước mắt và lâu dài.
Đó là, từ nay đến trước ngày 20/7, Sở Nông nghiệp và Môi trường hoàn thành xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở và cơ cấu tổ chức các đơn vị trực thuộc, xây dựng Đề án vị trí việc làm trình UBND tỉnh phê duyệt.
Về nhiệm vụ của ngành nông nghiệp và môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh việc tập trung rà soát, tham mưu quy hoạch trên từng lĩnh vực, làm cơ sở tăng cường thu hút đầu tư.
Nhiệm vụ của ngành nông nghiệp và môi trường với khối lượng lớn công việc, nên cần nhanh chóng tập trung triển khai những giải pháp đồng bộ, quyết liệt, đạt yêu cầu tăng trưởng theo kế hoạch. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến công tác chuyển đổi số, triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong tháng 7/2025 phải hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Công tác quản lý bảo vệ rừng cần tăng cường thường xuyên, đặc biệt, xây dựng xây dựng các Đề án phát triển kinh tế rừng gắn với kinh tế biển.
Với lĩnh vực môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Hồ Văn Mười lưu ý công tác quy hoạch phân khu, quy hoạch nâng công suất các nhà máy xử lý rác thải, nước thải trên địa bàn.
Riêng diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp, bên cạnh việc vận động, tuyên truyền di dời, Sở Nông nghiệp và Môi trường cần nghiên cứu xây dựng hệ thống đường nội bộ, bố trí lắp đặt các bể chứa rác thải nông nghiệp trên từng khu vực để tập kết, vận chuyển tập trung trong ngày, tránh ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến lượng khách du lịch đến Lâm Đồng…
VĂN VIỆT