Đối với sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh Ninh Bình (mới) đã gieo cấy trên 110 nghìn ha lúa Mùa, trong đó khu vực Hà Nam (cũ) đã hoàn thành kế hoạch gieo cấy. Ngành chuyên môn đã hướng dẫn bà con tiêu, rút nước đệm kịp thời và điều chỉnh phương án sản xuất phù hợp với diễn biến thời tiết, toàn bộ diện tích lúa an toàn, không có diện tích bị ngập sâu trong nước.
Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình kiểm tra an toàn tàu cá tại khu vực Hải Hậu
Trong lĩnh vực thủy sản, toàn bộ 1 nghìn 861 tàu cá với hơn 5 nghìn 700 lao động đã vào nơi an toàn; các hộ nuôi trồng thủy sản ngoài đê, lồng bè đã được khuyến cáo chằng chống, neo giữ an toàn. Lệnh cấm biển đã được tỉnh ban hành từ 7 giờ sáng nay (21/7). Đến thời điểm này , toàn tỉnh chưa ghi nhận thiệt hại về người và diện tích sản xuất nông nghiệp vẫn đảm bảo an toàn.
Không chủ quan, lơ là trong ứng phó với bão số 3, ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu lãnh đạo các xã, phường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão số 3 và mưa lũ trước, trong và sau bão: "Phòng, chống lụt bão, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo những vùng trọng điểm. Thứ nhất là vùng ven biển gồm 2 khu vực: khu vực Hải Hậu (Nam Định cũ), Kim Sơn (Ninh Bình) đoàn công tác của tỉnh đã đi kiểm tra các đơn vị đang thi công công trình yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, tập trung các giải pháp khi bão về huy động các biện pháp chống tràn, chống sạt lở, đến thời điểm này các giải pháp cơ bản theo kịch bản. Khu vực Yên Bình hiện có 3 lớp đê: phía ngoài đê chủ yếu nuôi trồng thủy sản đến thời điểm này đã di dời toàn bộ người dân vào trong đê Bình Minh 2. Đối với vùng phân lũ, chậm lũ của sông Hoàng Long, với lượng mưa từ 300mm đến 500mm sẽ lên mức báo động cấp 1, không đáng ngại tuy nhiên cũng không chủ quan trong ứng phó".
Minh Long/VOV1