Ngày 6/1, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu đã họp nghe báo cáo tình hình thực hiện Dự án thành phần 4 thuộc Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 và nguồn vật liệu san lấp phục vụ dự án. Trong 20 ngày, ông Trần Văn Lâu chủ trì 2 cuộc họp liên quan đến tiến độ thực hiện dự án đường cao tốc vì đây là dự án trọng điểm quốc gia.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài hơn 188 km, đi qua 4 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tổng mức đầu tư gần 44.700 tỷ đồng được khởi công ngày 17/6/2023.
Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hoàn thành mở ra cơ hội phát triển du lịch cho "đảo ngọc xanh" Cù Lao Dung.
Tuyến đường dài hơn 188 km này có điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc TP Châu Đốc (An Giang), điểm cuối tại cảng Trần Đề (Sóc Trăng). Cụ thể, đoạn qua An Giang dài gần 57 km, Cần Thơ gần 38 km, Hậu Giang khoảng 37 km và Sóc Trăng hơn 56 km.
Tại Sóc Trăng, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với cảng biển Trần Đề - cảng cửa ngõ của ĐBSCL, mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng và các tỉnh, thành lân cận. Để tạo sức hút cho nhà đầu tư đến với cảng biển ở Sóc Trăng, đơn vị tư vấn đề xuất tỉnh này lên phương án thành lập khu thương mại tự do để thực hiện thí điểm các cơ chế, chính sách nhằm mục tiêu thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ chất lượng cao.
Khi tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng hoàn thành và cảng biển mở ra, Sóc Trăng sẽ tiếp tục phát triển du lịch sinh thái hướng về “đảo ngọc xanh” Cù Lao Dung nằm bên kia sông Hậu. “Đảo ngọc xanh” này sắp kết nối với đất liền khi ngày 5/1 vừa qua, Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) tổ chức lễ hợp long cầu Đại Ngãi 2 nối liền huyện Cù Lao Dung với huyện Long Phú (Sóc Trăng). Cầu này là một phần trong dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng có tổng vốn đầu tư hơn 7.962 tỷ đồng.
Trở lại Dự án thành phần 4 của cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua tỉnh Sóc Trăng), chủ đầu tư cho biết dự án này có 4 gói thầu xây lắp. Tổng giá trị đã thực hiện là 1.557,267/8.092,18 tỷ đồng, đạt 19,2% giá trị hợp đồng, chậm 9,4% so với kế hoạch.
Từ sự quan trọng của dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng liên tục tổ chức nhiều cuộc họp để bàn phương án đẩy nhanh tiến độ. Tham gia cuộc họp ngày 6/1, bà Bùi Thị Kim Hòa đã nói về giá cát thực tế đối với 2 công nghệ hút và cạp do doanh nghiệp thực hiện.
Từ sự chậm trễ này, ông Trần Văn Lâu đề nghị chủ đầu tư làm việc với các nhà thầu để xác định lại từng gói thầu, nhu cầu cần cát san lấp mỗi ngày, mỗi tháng là bao nhiêu, phải xác định cụ thể nhu cầu về cát (đến ngày 30/6/2025) để làm việc với Sở Tài nguyên – Môi trường Sóc Trăng. Sở này phải chịu trách nhiệm đảm bảo khối lượng cát, nâng công suất mỏ, mở mới mỏ cát, đánh giá tác động môi trường ĐTM phải đảm bảo hàng ngày nhằm tăng trữ lượng khai thác cát theo đề xuất của các nhà thầu, trong đó có việc tính luôn khối lượng khai thác bù lại thời gian làm chậm vừa qua.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đề nghị chủ đầu tư khẩn trương xây dựng bảng giá cát cụ thể. Theo ông Trần Văn Lâu, việc này đúng ra chủ đầu tư đã chủ động xác định giá cát khi làm làm biên bản xác nhận cho các chủ mỏ. Do không làm được việc này nên các chủ mỏ cát với những nhà thầu hiện chưa thống nhất về giá.
“Tôi đề nghị các đồng chí thông cảm vì chúng ta làm dự án này theo cơ chế đặc thù, theo Nghị quyết của Quốc hội, của Chính phủ và chủ trương đầu tư. Khi xây dựng dự án này thì giá cát được xác định 81.950 đồng, không đề cập đến công nghệ hút hay cạp, mà xác định chủ trương đã được phê duyệt là 81.950 đồng/m3. Vì vậy, chúng ta không có lý do gì mà tự động điều chỉnh giá cát. Giá này chỉ là tạm tính nên các nhà thầu, các chủ mỏ cứ an tâm thực hiện trên giá tạm tính này”, ông Trần Văn Lâu chia sẻ.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã yêu cầu chủ đầu tư Dự án thành phần 4 sớm xây dựng và công bố giá cát chính thức. Ông Trần Văn Lâu gợi mở vấn đề này cho chủ đầu tư là có thể xây dựng 2 loại giá, trong đó một loại giá sử dụng công nghệ hút, một loại giá công nghệ xáng cạp rồi công bố rộng rãi để chủ mỏ và nhà thầu yên tâm.
Đối với các nhà thầu xây dựng, lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng yêu cầu các đơn vị phải xây dựng được giải pháp thi công, tính toán cho thật kỹ xem phần việc nào làm trước, phần nào làm sau, phải tăng ca, xây dựng lại tiến độ, kế hoạch thi công, khối lượng cụ thể, hàng tuần, hàng tháng để kịp tiến độ được giao là 30/6/2025. Đối với các nhà thầu được giao mỏ cát cần tính toán tăng cường phương tiện để khai thác hết công suất ĐTM được giao.
Cát sau khi hút phải được rửa nhiều lần nên tốn nhiều chi phí.
Sở Tài nguyên – Môi trường Sóc Trăng được cấp trên giao nhiệm vụ phối hợp với chủ đầu tư để tính đến việc nâng công suất mỏ, mở mới các mỏ, chạy mô hình ĐTM mỏ MS04 để nâng công suất. Sở này cũng được Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đặc biệt lưu ý đến việc mở mới các mỏ MS11.2, 11.3, 11.4. Đối với mỏ cát B1.1, B1.2 đã cấp bản xác nhận cho doanh nghiệp, cần mở mới thêm khu mỏ B1.4, B1.5.
Trao đổi với phóng viên, bà Bùi Thị Kim Hòa, Giám đốc Công ty TNHH TM DV Hòa Tuấn (chủ mỏ MS04) đề nghị giá cát tạm tính tại mỏ khi sử dụng công nghệ tàu hút là 136.876 đồng/m3. Mức giá này cũng được bà Hòa đưa ra tại cuộc họp vì chủ mỏ cho biết khai thác cát bằng tàu hút có giá thành cao hơn công nghệ xáng cạp.
Cụ thể, cát sau khi hút lên từ sông Hậu, doanh nghiệp phải đưa lên sàng rửa tạp chất rồi bơm sang mạn qua tàu xả tràn. Sau những công đoạn này, cát được rửa hết tạp chất, bùn, đất và cát non. Để đủ điều kiện phục vụ cho Dự án thành phần 4, cát tiếp tục được bơm qua sà lan rồi công nhân bơm nước ngọt từ sông Hậu lên để rửa tiếp lần 2 trước khi chở vào công trình. Vì vậy, doanh nghiệp rất cần chủ đầu tư sớm xác định giá cát đối với 2 công nghệ hút và dùng xáng cạp để tính giá hợp lý, tránh rủi ro cho chủ mỏ.
Theo Phó giám đốc Công ty TNHH TM DV Hòa Tuấn Võ Minh Dũng, những mỏ khai thác được giao theo cơ chế đặc thù có lợi thế và ưu thế hơn nhiều so với mỏ cát thương mại. Bởi vì những đơn vị được khai thác đặc thù đã và đang trúng những gói thầu cao tốc, khi chủ mỏ khai thác cát chở vào công trình của mình trúng thầu đạt khối lượng thi công thì chủ đầu tư sẽ thanh toán tiền thi công cho doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp sẽ lấy tiền lợi nhuận từ gói đặc thù bù lỗ giá cho mỏ này.
“Còn mỏ khai thác thương mại như MS04 không được trúng thầu thi công cao tốc mà chỉ bán cát cho dự án. Vì vậy, chúng tôi không có khoản thu phụ để bù vào khoản giá khai thác bị lỗ trong một thời gian dài. Vì vậy, chủ đầu tư nên xây dựng tách biệt 2 đơn giá hút và cạp cụ thể để chủ mỏ khai thác và nhà thầu hài hòa với nhau. Đơn giá cạp và giá hút rửa chênh lệch nhau đến 45.000 đồng/m2 cát”, ông Võ Minh Dũng chia sẻ.
Duy Khang