Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm gặp gỡ, đối thoại với người lao động

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gia Lâm gặp gỡ, đối thoại với người lao động
5 giờ trướcBài gốc
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy tới dự hội nghị. Lãnh đạo huyện Gia Lâm chủ trì và trực tiếp gặp gỡ, đối thoại với đoàn viên, CNVCLĐ có Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền; Huyện ủy viên, Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Thể.
Hoạt động này nằm trong chương trình phối hợp công tác giữa UBND và LĐLĐ huyện Gia Lâm năm 2024, nhằm thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy Hà Nội về việc ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn Thành phố, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm, tình cảm, sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền huyện Gia Lâm với tổ chức Công đoàn và đội ngũ CNVCLĐ.
Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Thị Thu Thủy tới dự hội nghị và trao quà cho đoàn viên Công đoàn là giáo viên có hoàn cảnh khó khăn.
Tại hội nghị, báo cáo về tình hình CNVCLĐ và hoạt động Công đoàn huyện Gia Lâm, Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Thể cho biết, hiện nay, LĐLĐ huyện Gia Lâm đang quản lý 313 Công đoàn cơ sở với 18.533 đoàn viên.
Trong thời gian qua, các cấp Công đoàn của huyện đã thực hiện tốt công tác chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho đoàn viên, người lao động trên địa bàn huyện. Các hoạt động đã đi vào chiều sâu, đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả. Trong đó, việc nắm bắt tình hình tư tưởng, những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của đoàn viên Công đoàn, CNVCLĐ để kịp thời giải quyết nếu có vướng mắc phát sinh là một trong những giải pháp được tổ chức Công đoàn huyện coi trọng.
Và việc phối hợp với UBND huyện tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm với đoàn viên, CNVCLĐ trên địa bàn chính là một trong những hoạt động cụ thể để tổ chức Công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi đoàn viên, CNVCLĐ.
Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền giải đáp các ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, CNVCLĐ.
“Đây là dịp để các cấp lãnh đạo huyện mà trực tiếp là người đứng đầu chính quyền huyện Gia Lâm nắm bắt, tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất của CNVCLĐ từ đó có hướng giải quyết, chỉ đạo giải quyết kịp thời, động viên người lao động yên tâm lao động, sản xuất gắn bó với doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện”, ông Nguyễn Đức Thể nhấn mạnh.
Trên tinh thần đó, tại hội nghị, đoàn viên Công đoàn, CNVCLĐ huyện Gia Lâm đã thẳng thắn nêu hàng loạt ý kiến, kiến nghị đề xuất về các vấn đề liên quan đến quyền lợi, đời sống như: Xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp; giải quyết nợ đọng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thẩt nghiệp; giải pháp thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động... Ngoài ra, đoàn viên Công đoàn, CNVCLĐ huyện Gia Lâm còn quan tâm đến các vấn đề: Y tế học đường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, xử lý ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, trấn áp tội phạm công nghệ cao…
Ngoại trừ nhóm câu hỏi liên quan đến chế độ bảo hiểm xã hội giao cho Giám đốc Bảo hiểm xã hội huyện Gia Lâm Võ Kim Anh trao đổi tại hội nghị, các nhóm vấn đề còn lại được Chủ tịch Đặng Thị Huyền trực tiếp giải đáp.
Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền và Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Thể chủ trì, đối thoại với đoàn viên, CNVCLĐ.
Chẳng hạn, trước phản ánh của người lao động Nhà máy Sản xuất bao bì Jumbo Tú Phương về việc hiện nay trên địa bàn huyện còn nhiều công nhân, người lao động ngoại tỉnh có hoàn cảnh khó khăn, lương thấp (đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ) chưa có nhà ở, phải đi thuê trọ, đề nghị UBND huyện và Thành phố quan tâm dự án xây nhà xã hội trên địa bàn đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho CNVCLĐ được mua nhà ở xã hội, bà Đặng Thị Huyền thông tin: Hiện trên địa bàn huyện Gia Lâm có dự án nhà ở xã hội tại xã Cổ Bi đã được phê duyệt và đang triển khai các trình tự thủ tục xây dựng theo quy định, khi dự án hoàn thành thì công nhân lao động sẽ được ưu tiên mua nhà.
Ngoài ra, tại các dự án đấu giá quyền sử dụng đất tập trung, UBND huyện đều bố trí quỹ đất bằng 20% tổng diện tích đất đấu giá để xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp. “Nhu cầu về nhà ở của người lao động là nhu cầu chính đáng, là niềm mong mỏi, kỳ vọng của người lao động. Tiềm năng đất đai của Gia Lâm là vẫn còn. Ủy ban nhân dân huyện sẽ tiếp thu các ý kiến đề xuất của người lao động để tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội cho CNVCLĐ, người lao động có thu nhập thấp trong thời gian tới”, bà Đặng Thị Huyền nói.
Đoàn viên Công đoàn nêu ý kiến tại hội nghị.
Với thắc mắc của đại diện người lao động Công ty TNHH Sản xuất dịch vụ thương mại sản phẩm da Ladoda về những giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh của huyện Gia Lâm nhằm thu hút đầu tư và phát triển các doanh nghiệp trên địa bàn huyện qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết: Huyện Gia Lâm đang trong quá trình phát triển thành quận với định hướng năm 2030 sẽ trở thành quận văn minh, văn hiến, hiện đại, phát triển bền vững, đảm bảo sinh kế cho người dân. Hiện tốc độ đô thị hóa của huyện rất mạnh mẽ. Huyện đã có khu đô thị, cụm công nghiệp, và các dự án khu thương mại dịch vụ sẽ tiếp tục được lấp đầy. Đây là cơ hội thuận lợi để huyện xây dựng, triển khai các chính sách kêu gọi các nhà đầu tư vào huyện.
Còn trước ý kiến của đại diện Công ty cổ phần Môi trường đô thị Gia Lâm đề nghị cơ quan chức năng có giải pháp kiểm soát tình hình an ninh trật tự trong các khu nhà trọ công nhân nhất là tệ nạn trộm cắp, bạo lực, không đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy… bà Huyền ghi nhận và khẳng định sẽ chỉ đạo Công an huyện tăng cường kiểm tra, có biện pháp chấn chỉnh. Theo cảm nhận của đoàn viên, CNVCLĐ dự hội nghị, các ý kiến trả lời của Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm đều cặn kẽ, đáp ứng thỏa đáng tâm tư, nguyện vọng của họ.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền cho biết, trong những năm qua, Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, UBND huyện Gia Lâm luôn quan tâm triển khai thực hiện Quyết định 2200 của Thành ủy Hà Nội về việc ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn. Công tác đối thoại đã trở thành hoạt động thường xuyên, nền nếp của Huyện ủy, Hội đồng nhân dân, UBND huyện.
Quang cảnh hội nghị.
“Với tổ chức Công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ, đây là lần thứ 3, UBND và LĐLĐ huyện tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch UBND huyện với đoàn viên, CNVCLĐ. Thời gian tới đây, UBND và LĐLĐ huyện sẽ tiếp tục phối hợp để tổ chức hoạt động này thường xuyên, định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần hoặc sẽ tổ chức đột xuất trong trường hợp cần thiết để qua đó, lãnh đạo huyện lắng nghe, nắm bắt và giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng của CNVCLĐ”, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền khẳng định.
Bà Đặng Thị Huyền cũng trân trọng cảm ơn toàn bộ các ý kiến, đề xuất của đoàn viên, CNVCLĐ tại hội nghị lần này và cho rằng đây đều là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có trọng tâm, gắn với các vấn đề thực tế, liên quan thiết thân đến đoàn viên, người lao động. “Với những ý kiến, đề xuất thuộc thẩm quyền của huyện, huyện sẽ quan tâm giải quyết ngay, những vấn đề thuộc về cơ chế, chính sách, thẩm quyền cấp trên, huyện sẽ tiếp thu, đề xuất lên cấp trên để giải quyết trong thời gian tới”, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền nhấn mạnh.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tại hội nghị, LĐLĐ huyện Gia Lâm đã trao tặng 41 xuất quà cho đoàn viên Công đoàn là giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, mỗi suất quà gồm tiền mặt là 500.000 đồng và quà trị giá 250.000 đồng.
Phạm Diệp
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/chu-tich-uy-ban-nhan-dan-huyen-gia-lam-gap-go-doi-thoai-voi-nguoi-lao-dong-180687.html