Temu, nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới xuất hiện rầm rộ tại Việt Nam gần một tháng nay. Sau khi bị phản ánh vì hoạt động không phép, đến ngày 24/10, Temu mới có văn bản gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) về thực hiện các yêu cầu pháp luật thương mại điện tử Việt Nam. Hiện đơn này vẫn chưa được xét duyệt.
Nhiều chương trình giảm giá sâu được Temu áp dụng.
Trước động thái giảm giá sâu, tiếp thị liên kết với mức hoa hồng hấp dẫn chi trả cho KOL/KOC để quảng cáo, ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) lý giải, Temu do tỷ phú Colin Huang điều hành với chiến lược tập trung bán hàng có giá cực rẻ. Họ sản xuất hàng với số lượng nhiều, dùng công nghệ làm lợi thế cạnh tranh, đưa hàng tấn công thị trường nhiều nước trên thế giới. Temu lấy hàng trực tiếp từ đơn vị sản xuất, áp dụng hệ thống công nghệ cao, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và quảng bá mạnh nhờ có nguồn vốn lớn.
Không riêng Temu, câu chuyện hàng giá rẻ Trung Quốc đã diễn ra khá lâu tại Việt Nam. Tuy nhiên, các sàn thương mại điện tử này chưa xác nhận sẽ vào thị trường Việt Nam mà chỉ áp dụng bán hàng xuyên biên giới. Thông qua mạng xã hội, một số nền tảng tiếp cận người tiêu dùng với những chương trình giảm giá lên đến 90%, làm giá sản phẩm rẻ đột biến trên thị trường. Thông qua quảng bá, các nền tảng sẽ thu thập một lượng lớn người tiêu dùng để tham gia vào thị trường.
Ông Dũng đánh giá, việc áp dụng nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá lên sâu trên một số sàn thương mại điện tử hiện chỉ mang tính thăm dò, chưa có thêm các hoạt động rõ ràng… đây là câu chuyện chưa hồi kết nên chưa thể đánh giá một cách cụ thể. Đôi khi các doanh nghiệp này thu thập được 5-7 triệu thành viên, sau đó là tăng giá bán và rút lui là một câu chuyện dài hơi.
“Nếu xác định đẩy mạnh tại Việt Nam, tôi nghĩ về sau, các nền tảng này cũng sẽ thay đổi giá sản phẩm, chương trình khuyến mại như Shopee, Tiktok… chứ không thể giảm sâu hơn nữa. Bản thân tôi cũng đã thử tìm mua vài món hàng trên các kênh này, giá rất rẻ, quá trình giao nhận chuyên nghiệp và thật sự đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Thế nhưng câu chuyện chất lượng, bảo hành, đổi trả hàng hóa… đang ở khía cạnh khác và chưa được người tiêu dùng quan tâm. Vì vậy, vấn đề hiện nay là người tiêu dùng cần cẩn trọng khi tham gia vào thị trường này”, ông Dũng chia sẻ.
Ngoài ra, hiện Việt Nam đang được các quốc gia trên thế giới quan tâm và đánh giá đây là một thị trường rất tốt nên đẩy mạnh đầu tư. Về sau, không chỉ là Shopee, Tiktok mà sẽ còn nhiều thương hiệu mới tham gia vào thị trường này. Do đó, vấn đề đáng quan tâm hiện nay là các sàn thương mại điện tử này sẽ phát triển ở Việt Nam như thế nào, chúng ta có lợi thế như thế nào với các sàn ngoại nhập?
Về phía VECOM, Hiệp hội luôn luôn khuyến khích các hoạt động thương mại điện tử của Việt Nam và các quốc gia vào thị trường trong nước. Thế nhưng, không chỉ Temu, sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới khác chắc chắn cũng sẽ tạo áp lực rất lớn cho hàng Việt. Do đó, về phía doanh nghiệp nội địa, các đơn vị có thể dùng thế mạnh về chất lượng để cạnh tranh nhưng cũng phải thay đổi mẫu mã sản phẩm, chế độ bảo hành hoặc đổi trả hàng, duy trì chính sách hậu mãi.
"Bởi những hoạt động kinh doanh của sàn thương mại điện tử với hàng giá rẻ trong thời gian đầu sẽ thu hút người tiêu dùng. Nhưng trong tương lai, nếu không đảm bảo chất lượng sẽ khó có thể tồn tại lâu dài. Hiện người tiêu dùng của thương mại điện tử đã thông minh hơn rất nhiều, có sự so sánh về giá và chất lượng… nên việc không quan tâm chất lượng sẽ không được ủng hộ", Chủ tịch VECOM khẳng định.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng.
Đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Cục Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tham mưu cho lãnh đạo Bộ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu phương án giám sát, quản lý hàng hóa nhập khẩu lưu thông qua các sàn thương mại điện tử chưa tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam.
Hoài Sương