Chủ tịch VietinBank: Nợ xấu và nợ tiềm ẩn có thể gia tăng trong năm 2025

Chủ tịch VietinBank: Nợ xấu và nợ tiềm ẩn có thể gia tăng trong năm 2025
một ngày trướcBài gốc
Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình.
Ngày 18/4, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank - HoSE: CTG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025. Chủ tịch HĐQT Trần Minh Bình cùng nhiều lãnh đạo cấp cao khác đã có những nhận định về bối cảnh kinh tế vĩ mô và những tác động tới hoạt động của ngành ngân hàng.
Theo ông Trần Minh Bình, trước những biến động về kinh tế, đặc biệt là việc căng thẳng thương mại gia tăng trong khi nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất lớn đã dẫn đến tác động tiêu cực đối với hoạt động của các doanh nghiệp trong nước.
Với ngành ngân hàng, cạnh tranh về lãi suất hiện nay là cực kỳ gay gắt. Đặc biệt là khi các ngân hàng có vốn Nhà nước đi đầu trong việc giảm lãi suất, biên lợi nhuận tín dụng sẽ bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, nợ xấu và nợ tiềm ẩn có thể gia tăng trong năm 2025. Tuy nhiên, VietinBank kỳ vọng sẽ không có sự đột biến nếu đạt được các thỏa thuận về thuế quan giữa các nước và nền kinh tế trong nước có những diễn biến thuận lợi. Tuy nhiên, theo ông Bình, việc kiểm soát chất lượng nợ từ trước đến nay xác định là một trong những trụ cột quan trọng để tiết kiệm chi phí tín dụng, kiểm soát chi phí dự phòng và đạt chỉ tiêu về lợi nhuận mà ĐHĐCĐ đã giao cả năm.
“Xác định đây là chỉ tiêu trọng yếu, VietinBank đã chủ động kiểm soát và phân luồng sớm các khoản nợ có dấu hiệu tiềm ẩn rủi ro. Với những khách hàng khó khăn nhưng có khả năng phục hồi, chúng tôi cơ cấu lại nợ để hỗ trợ họ vượt qua, hạn chế phát sinh nợ xấu. Với những khoản không phục hồi được, ngân hàng sớm cơ cấu thành nợ xấu và trích lập dự phòng, xử lý rủi ro,” Chủ tịch VietinBank thông tin.
Năm 2024, VietinBank trích lập dự phòng lên đến khoảng 27.500 tỷ đồng. Đây là một con số dự phòng rất lớn so với các ngân hàng khác, thể hiện sự chủ động và tiềm năng sinh lời.
Lãnh đạo VietinBank cũng cho hay, thu hồi nợ ngoại bảng là một trụ cột quan trọng tạo ra lợi nhuận hàng năm, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh lãi suất. Năm vừa qua, ngân hàng này đã thu hồi xử lý rủi ro khoảng 8.000 tỷ đồng và kỳ vọng năm nay đạt khoảng 10.000 - 15.000 tỷ đồng.
Chủ tịch VietinBank khẳng định, ngân hàng đều tuân thủ kỷ cương quản trị tín dụng, nhận diện khẩu vị tín dụng rất chặt chẽ. Ngân hàng cũng có hệ thống nhận diện rủi ro, khi có những phát hiện đột biến, hệ thống sẽ sớm cảnh báo để cơ cấu lại hoặc chuyển nợ xấu sớm nhất có thể.
Đánh giá về triển vọng các ngành
Theo ông Trần Minh Bình, năm 2025 tình hình kinh tế đối diện nhiều khó khăn khi chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ và các biến động toàn cầu gia tăng, gây ra áp lực lớn về điều hành với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và cả hệ thống tổ chức tín dụng.
Trong bối cảnh đó, VietinBank sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của cơ quan điều hành để giữ vững mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Lãi suất huy động từ năm 2024 đã tăng nhẹ và hiện vẫn có xu hướng tăng, nhưng theo lãnh đạo Vietinbank nhờ định hướng kịp thời và quyết liệt từ Ngân hàng Nhà nước, đến nay ngân hàng này vẫn kiểm soát được mặt bằng lãi suất một cách phù hợp.
Về phân khúc khách hàng, VietinBank tiếp tục ưu tiên các doanh nghiệp lớn, bao gồm các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước và tư nhân trong các lĩnh vực trọng điểm như bất động sản, logistics, điện, thủy điện, ô tô,...
Với doanh nghiệp vừa và nhỏ, ngân hàng sẽ chọn lọc kỹ hơn, ưu tiên những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực có triển vọng như công nghiệp chế biến, hạ tầng giao thông, bất động sản khu công nghiệp, năng lượng tái tạo, đổi mới sáng tạo,...
Với doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài (FDI), ngân hàng duy trì đầu tư ở mức hợp lý, ưu tiên các doanh nghiệp có chiến lược mở rộng sản xuất sang Việt Nam, đặc biệt là trong các lĩnh vực linh kiện điện tử, dệt may, ô tô,...
"Để giữ vững và cải thiện biên lãi ròng, chúng tôi không chỉ nhìn vào một yếu tố riêng lẻ mà sẽ triển khai một chiến lược tổng thể, gắn kết từ kiểm soát chi phí vốn, tăng hiệu suất sinh lời tài sản đến tối ưu hóa chi phí hoạt động. Đồng thời, chúng tôi cũng tập trung vào thu hút khách hàng có chất lượng, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn," lãnh đạo VietinBank chia sẻ.
Về triển vọng ngành năm 2025, theo Chủ tịch HĐQT VietinBank, ngành thị trường bất động sản đang cho thấy những tín hiệu hồi phục sau giai đoạn thanh lọc mạnh; nguồn cung sản phẩm và số lượng giao dịch đã tăng lên rõ rệt. Ngành xây dựng và vật liệu xây dựng, vốn có liên hệ mật thiết với bất động sản, cũng đang phục hồi theo chiều hướng tích cực.
Trong khi đó, một số ngành lại đang đứng trước khó khăn. Với ngành điện than, triển vọng chỉ tích cực trong ngắn hạn, vì về dài hạn Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ trong chuyển dịch năng lượng và giảm phát thải. Ngành gỗ đang chịu ảnh hưởng rất lớn từ chính sách thuế của Mỹ, đặc biệt là các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường này.
Với ngành dệt may, tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc, EU có thể vẫn duy trì ổn định, nhưng xuất khẩu sang Mỹ chắc chắn sẽ rất khó khăn do thuế suất cao. Đây là những thách thức không nhỏ với doanh nghiệp và cũng ảnh hưởng đến định hướng tín dụng của ngân hàng trong thời gian tới.
Theo thông tin của lãnh đạo VietinBank tại ĐHĐCĐ, trong năm 2025, định hướng tín dụng của ngân hàng này là ưu tiên các ngành thiết yếu như điện, nước, lương thực, thực phẩm, chuỗi cung ứng tiêu dùng thiết yếu và tiêu thụ hàng hóa thiết yếu,... đây đều là những lĩnh vực mà Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đang ưu tiên để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Tăng trưởng tín dụng ngân hàng đang đạt khoảng 5%
Cũng tại đại hội, chia sẻ rõ hơn về kế hoạch kinh doanh năm 2025, Tổng Giám đốc VietinBank Nguyễn Trần Mạnh Trung cho biết, ngân hàng đặt mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 1,8% và cố gắng nỗ lực kiểm soát ở mức khoảng 1,2-1,3%. Dự kiến trích lập dự phòng rủi ro tín dụng khoảng 20.000-25.000 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu khoảng 150 - 200%. Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) sẽ duy trì mức 25% như năm 2024.
VietinBank cũng đặt mục tiêu ROE (lợi nhuận/vốn chủ sở hữu) đạt 16-18%, ROA (tỷ số lợi nhuận trên tài sản) trên 1%, CIR (chỉ số chi phí trên thu nhập) duy trì quanh 30%, chi phí tín dụng kiểm soát dưới 2%, với giả định nền kinh tế không có biến động mạnh.
"NHNN đang phân bổ hạn mức tín dụng cho VietinBank khoảng 15% năm 2025. Nếu nền kinh tế tăng trưởng tốt thì mức tăng trưởng tín dụng của VietinBank có thể đạt trên 16%, huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng," ông Nguyễn Trần Mạnh Trung cho biết.
Nói thêm về tăng trưởng tín dụng, lãnh đạo VietinBank thừa nhận năm 2025 sẽ khó khăn hơn so với 2024, đặc biệt là do mức độ hấp thụ tín dụng trong những tháng đầu năm chưa cao. Điều này cũng phù hợp với quy luật của quý 1 hằng năm. Dù vậy, VietinBank vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá ổn định, hiện khoảng 5%.
"Động lực tăng trưởng tín dụng sẽ chịu ảnh hưởng bởi các chính sách thuế, nhưng chúng tôi nhìn thấy tín hiệu tích cực từ việc VietinBank đang bám sát và chủ động tiếp cận các dự án đầu tư công lớn, kể cả của các chủ đầu tư trong và ngoài nước," ông Nguyễn Trần Mạnh Trung cho biết.
Cụ thể về kết quả kinh doanh, đến ngày 15/04/2025, tổng tài sản VietinBank đạt khoảng 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,7%. Huy động vốn riêng lẻ đạt 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 6%. Nợ xấu theo Thông tư 31 của VietinBank hiện ở mức 1,36%-1,46%, còn theo cách tính thông thường là 1,66%.
Kiều Chinh
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/chu-tich-vietinbank-no-xau-va-no-tiem-an-co-the-gia-tang-trong-nam-2025-40571.html